Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh, Bắc Kinh đã thông báo cho các nước về việc bắt buộc phải đệ trình trước kế hoạch bay trước khi máy bay của họ tiến vào ADIZ mới của nước này. Song ông Tần Cương cũng tuyên bố, Bắc Kinh sẽ không áp dụng các quy chế về ADIZ đối với máy bay thương mại đi qua khu vực này.
Không đề cập đến “các biện pháp phòng thủ khẩn cấp” mà Bắc Kinh đe dọa áp dụng đối với các đối tượng vi phạm quy chế ADIZ mới, ông Tần Cương chỉ lưu ý: “Bắc Kinh có đủ quyết tâm và khả năng để bảo vệ quyền chủ quyền và toàn vẹn quốc gia bằng cách thiết lập và áp dụng ADIZ trên Biển Hoa Đông”.
Tuy nhiên, Phát ngôn viên Trung Quốc cũng trấn an các nước khác không nên “hoảng loạn”, lo lắng thái quá về ADIZ của Trung Quốc.
Ngoài ra, trong tuyên bố trước báo giới hôm qua, ông Tần Cương cũng “bày tỏ sự bất mãn mạnh mẽ” và kịch liệt phản đối các bình luận tiêu cực của Ngoại trưởng Australia về ADIZ mới của nước này. Ông Tần còn cảnh báo, phản ứng của Australia sẽ không đóng góp chút gì cho hòa bình và ổn định khu vực.
Trong khi đó, bất chấp tuyên bố miễn trừ của Trung Quốc đối với các chuyến bay thương mại, Mỹ vẫn nhắc nhở các hãng hàng không thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo hoạt động bay qua Biển Hoa Đông diễn ra an toàn.
|
Mỹ khuyến cáo các hãng hàng không thương mại, dân dụng thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo bay an toàn qua Biển Hoa Đông.
|
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jen Psaki nhấn mạnh, Mỹ đang cố gắng xác thực liệu quy chế về ADIZ mới của Trung Quốc có thực sự chỉ áp dụng với máy bay quân sự và miễn trừ cho các chuyến bay thương mại, dân dụng hay không.
"Chúng tôi đang cố gắng xác thực xem quy chế mới về ADIZ của Trung Quốc liệu có áp dụng cho các máy bay dân dụng và hàng không thương mại hay không. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, các hãng hàng không Mỹ được khuyến cáo nên chuẩn bị và thực hiện tất cả các bước cần thiết để hoạt động bay qua Biển Hoa Đông diễn ra an toàn. Rõ ràng, sự an toàn của chuyến bay là ưu tiên hàng đầu", bà Jen Psaki tuyên bố trong cuộc họp báo hàng ngày.
Tại đây, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định, Washington đã yêu cầu đồng minh ruột Nhật Bản và Trung Quốc nên giải quyết tranh chấp thông qua con đường ngoại giao; đồng thời nhấn mạnh, Bắc Kinh không nên áp dụng quy chế về ADIZ mới đối với các máy bay nước ngoài.
Trong khi đó, cựu Giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ Anne-Marie Slaughter nhận định, việc nước này triển khai 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 bay vào ADIZ mới của Trung Quốc mà không thông báo trước chính là động thái cảnh báo không chỉ cho Bắc Kinh mà cả Tokyo.
|
B-52 bay qua ADIZ mới của Bắc Kinh trên Biển Hoa Đông.
|
Với Trung Quốc, Mỹ muốn chuyển thông điệp rằng, họ có khả năng ngăn chặn Bắc Kinh bắt nạt đồng minh ruột Nhật Bản. Ngược lại, với Nhật Bản, Washington muốn nhắc nhở, ngăn chặn phản ứng quá khích từ chính phủ Tokyo.
“Việc triển khai máy bay ném bom B-52 của Mỹ tới ADIZ trên Biển Hoa Đông của Trung Quốc có thể được sắp xếp với mục đích ngăn chặn các động thái có khả năng làm căng thẳng trầm trọng và phức tạp thêm từ chính phủ Nhật Bản. Chúng ta đang nói với Nhật Bản rằng, không cần phản ứng, có Mỹ ở đây”, ông Slaughter nhận định.
Đồng quan điểm, cựu thành viên của Hội đồng Chính sách Quốc phòng của Lầu Năm Góc nhấn mạnh, việc triển khai 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 chính là sự “biểu dương, phô trương lực lượng ở hàng phòng ngự của Nhật Bản”; đồng thời thể hiện mối bận tâm nghiêm túc của Mỹ đối với động thái của Trung Quốc.
Ngoài ra, các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ nêu vấn đề về ADIZ trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tuần tới.
Ông Biden sẽ công du Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong một tuần. Hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Bill Burns đã gặp và cũng thảo luận vấn đề này với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Liu Zhenmin tại Washington theo kế hoạch được lên lịch từ trước.
Bạch Dương (tổng hợp)