Hãng tin AP ngày 23/6 tường thuật rằng tham gia cuộc diễn tập với Philippines có một máy bay trinh sát P-3C và khoảng 20 binh sĩ Nhật Bản.
|
Máy bay P-3C là một công cụ đắc lực của lực lượng tàu ngầm Nhật Bản.
|
Cuộc diễn tập diễn ra ở ngoài khơi đảo Palawan, một địa điểm có tầm quan trọng chiến lược, không xa các hòn đảo đang trong vòng tranh chấp giữa nhiều nước, trong đó có Philippines và Trung Quốc.
Máy bay P-3C là một công cụ đắc lực của lực lượng tàu ngầm Nhật Bản và được sử dụng trong các phi vụ theo dõi. Theo AP, máy bay trinh sát của Nhật có thể giúp Mỹ theo dõi các hoạt động của Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông.
Hãng tin AP trích lời ông Narushige Michishita, một chuyên gia về quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia ở Tokyo, nói rằng trong tương lai, “Nhật Bản tham gia các phi vụ trinh sát trên Biển Đông - hợp tác với Mỹ, Australia, Philippines và các nước khác”.
Một nhà phân tích an ninh Corey Wallace thuộc Đại học Tự do ở Berlin nhận định rằng chính phủ đương nhiệm ở Nhật Bản đang thiết lập sẵn những cơ chế về pháp lý và quân sự cần thiết để chuẩn bị cho tình huống Nhật Bản can dự trực tiếp vào tình hình Biển Đông.
|
Tàu chiến Nhật Bản cập cảng Manila, Philippines.
|
Nhà phân tích này cho rằng với hành động mới nhất, Nhật Bản dường như muốn ra hiệu cho thấy sự nghiêm túc của chính phủ nước này trong việc cân nhắc một quyết định về vai trò của họ trong cuộc
tranh chấp Biển Đông trong những tháng ngày sắp tới. Động thái này sẽ tăng căng thẳng với Trung Quốc, vốn đang tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền của các hòn đảo trong Biển Hoa Đông, xa hơn về hướng bắc.
Trong khi đó chưa có dấu hiệu nào cho thấy căng thẳng trong cuộc tranh chấp Biển Đông đang lắng dịu, giữa lúc Trung Quốc đã gần hoàn tất việc xây các đường băng sân bay trên những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã ráo riết bồi đắp trái phép trong vùng biển tranh chấp. Trang mạng Focustaiwan của Đài Loan dẫn nguồn tin từ một nhật báo ở Hong Kong nói Bắc Kinh có thể triển khai các chiến đấu cơ J-11 tới các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.
Một báo cáo ngày 21/6 được đăng trên tờ South China Morning Post nhận định rằng nếu triển khai các chiến đấu cơ J-11 ở các đảo nhân tạo, quân đội Trung Quốc sẽ nới rộng đáng kể phạm vi hoạt động tới những khu vực cách xa căn cứ quân sự trên đảo Hải Nam. Báo cáo này nói thêm rằng các chiến đấu cơ J-11, do Trung Quốc chế tạo dựa trên thiết kế của chiếc Su-27 của Nga, không phải là đối thủ của máy bay hiện đại của Không quân Mỹ.
Chuyên gia quân sự David Tsui tại Đại học Trung Sơn ở Quảng Châu nói rằng chiến đấu cơ J-11 không đủ khả năng để chống chọi với các chiến đấu cơ F-22 và F-35 của Mỹ. Theo ông, Bắc Kinh biết rằng nếu dùng vũ lực để tìm cách giải quyết các cuộc tranh chấp trong Biển Đông, Mỹ chắc chắn sẽ ra tay can thiệp.
Minh Châu (TH)