Theo nhà phân tích Ian Storey ở Singapore, đó là nhận định của giới phê bình và những động thái của Nga gần đây đã chứng minh nhận định nói trên là chính xác.
|
Tổng thống Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga trao đổi văn kiện đã ký. Ảnh AP |
Trong bài đăng trên The Straits Times (Singapre) ngày 12/9, nhà phân tích Ian Storey viết: Trong khi trở thành một tâm điểm của Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu (Trung Quốc), Tổng thống Putin đã quyết định không đến Vientiane (Lào) để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS). Kể từ khi Nga trở thành thành viên của EAS trong năm 2011, Tổng thống Putin không hề tham gia sự kiện quốc tế hàng đầu này của ASEAN và thay vào đó cử Thủ tướng Dmitry Medvedev tham dự. Khi Moscow nhích gần hơn về phía Bắc Kinh, Đông Nam Á nói chung và các nước ASEAN nói riêng đã bị gạt ra rìa chính sách đối ngoại Nga.
Tại sao quan hệ Nga-Trung Quốc lại trở nên mật thiết trong vài năm qua?
Quan hệ cá nhân là một yếu tố. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có mối quan hệ cá nhân gần gũi và gặp gỡ nhau một cách thường xuyên. Ngược lại, mối quan hệ của ông Putin với Tổng thống Mỹ Barack Obama lại hết sức giá lạnh, trong khi quan hệ giữa ông Tập với ông Obama cũng không mấy “xuôi chèo mát mái”.
Yếu tố thứ hai là sự hội tụ các lợi ích. Biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt sau khi Crimea sáp nhập vào Nga vào năm 2014 cùng với giá dầu xuống dốc đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Nga, đẩy Moscow tìm đến Châu Á và đặc biệt là Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư. Trong khi đó, Trung Quốc rất muốn mua công nghệ quốc phòng tiên tiến của Nga.
Tổng thống Putin gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu hồi đầu tháng này và cả hai đã đồng ý hợp tác chiến thuật về một loạt các vấn đề mà có thể đụng chạm đến “lợi ích cốt lõi” của mỗi bên.
Lý do thứ ba là thế giới quan của Nga và Trung Quốc ngày càng có sự liên kết với nhau. Cả hai nước đều xem Mỹ là kẻ thù chính và đều thách thức bá quyền toàn cầu của Washington. Nga và Trung Quốc đều cho chung tiêu chiến lược là ngăn chặn Mỹ bá quyền. Đó là sự mở rộng của NATO tại Châu Âu nhằm mục đích kiềm chế Nga, trong khi chính sách “xoay trục sang Châu Á” của Mỹ là nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc.
Cảm giác đều là nạn nhân của phương Tây cũng khiến cho Trung Quốc và Nga xích lại với nhau.
Bị kích động bởi chủ nghĩa dân tộc và khi đối mặt với sự chống đối của Mỹ, Nga và Trung Quốc hiện đang có ý định đòi lại những gì mà hai nước này vốn xem là của họ.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Ian Storey, hiện chưa thể có liên minh lớn Trung-Nga. Hai bên vẫn có có mối nghi kị lẫn nhau sâu sắc. Đặc biệt, ban lãnh đạo ở Moscow tỏ ra khó chịu về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với vùng lãnh thổ Viễn Đông của và khu vực Trung Á. Trung Quốc và Nga chỉ đồng ý hợp tác chiến thuật về một loạt các vấn đề quốc tế đụng chạm đến lợi ích cốt lõi của hai nước.
Đối với Bắc Kinh, một trong những “lợi ích cốt lõi” là Biển Đông và tăng cường quan hệ Trung-Nga.
Về phần mình, Nga đã gia tăng mức độ hỗ trợ Trung Quốc. Trước đây, Nga đã theo đuổi lập trường trung lập, tránh xúc phạm hai đối tác gần gũi nhất ở Châu Á là Trung Quốc và Việt Nam, trong đó có yêu sách chồng lấn ở Biển Đông.
Trước khi có phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye về vụ kiện Biển Đông, Trung Quốc đã lôi kéo Nga ủng hộ lập trường của Bắc Kinh bác bỏ vai trò của tòa trọng tài trong các tranh chấp Biển Đông là bất hợp pháp. Mặc dù phản ứng của Nga về phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài La Haye là tương đối cân bằng, nhưng ở Hàng Châu, Tổng thống Putin lại đứng về phía Trung Quốc khi nói rằng Nga ủng hộ quyết định của Bắc Kinh bác bỏ phán quyết nói trên. Lập trường của Nga đối lập với lập trưởng của Mỹ, Nhật Bản và Australia, các nước đã kêu gọi hai bên chấp hành phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài ở La Haye.
Trung Quốc rất cảm kích trước “tình đoàn kết” của Nga về Biển Đông. Ban lãnh đạo ở Bắc Kinh cũng rất hài lòng với quyết định của Tổng thống Putin về việc tiếp tục chuyển giao nhiều loại vũ khí hiện đại cho Trung Quốc - bao gồm cả việc bán tàu ngầm, máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không, tác chiến chống tàu ngầm và các công nghệ tên lửa hành trình tiên tiến. Tất cả những điều này sẽ càng khiến cho Trung Quốc có sức mạnh quân sự ngày càng áp đảo so với các nước Đông Nam Á cũng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Đầu tuần này, tàu chiến của Nga và Trung Quốc tổ chức tập trận hải quân ở Biển Đông, một động thái nữa thể hiện “tình đoàn kết” mà Moscow dành cho Bắc Kinh.
Vậy “quan hệ mật thiết” Trung-Nga có nghĩa như thế nào đối với Đông Nam Á?
Trong khi Moscow rõ ràng muốn làm ăn hơn nữa với Đông Nam Á, chính sách ngoại giao của Nga vẫn tập trung vào phương Tây và vào Trung Quốc ở Châu Á. Mặc dù tự coi là một cường quốc lớn trên thế giới, Nga dành rất ít thời gian cho các tổ chức đa phương mà nước này thiếu ảnh hưởng đáng kể, trong đó có các diễn đàn mà ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS).
Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nga tại Sochi hồi tháng 5/2016, hai bên nhất trí hợp tác hướng tới quan hệ đối tác chiến lược và củng cố EAS là "nền tảng quan trọng cho một cuộc đối thoại cấp lãnh đạo” về các vấn đề chính trị, kinh tế và chiến lược lớn đối với khu vực.
Chính vì vậy mà sự tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được nhiều người coi là một thử nghiệm quan trọng về cam kết của điện Kremlin đối với Đông Nam Á và ổn định khu vực.
Thật đáng buồn, Moscow đã bỏ qua thử nghiệm quan trọng này và một lần nữa chứng tỏ chính sách “xoay trục về phía đông” của Tổng thống Putin chỉ bó hẹp trong việc “xoay trục” sang Trung Quốc.
Minh Châu (Theo The Straits Times)