Đó là nhận định của tích địa chính trị MK Bhadrakumar, trong một bài biết đăng trên trang mạng Asia Times ngày 1/8/2016. MK Bhadrakumar vốn là một nhà ngoại giao Ấn Độ chuyên nghiệp hơn 29 năm qua. Ông từng giữ chức Đại sứ Ấn Độ tại Uzbekistan (1995-1998) và Đại sứ Ấn Độ tại Thổ Nhĩ Kỳ (1998-2001).
Theo nhà phân tích địa chính trị MK Bhadrakumar, mới chỉ cách đây hai tuần, khi được hỏi về phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài ở La Haye, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói: "Tôi muốn lưu ý quí vị rằng Nga ... không có ý định can thiệp. Chúng tôi coi việc không đứng về bên nào (trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông) là một vấn đề có tính nguyên tắc”.
|
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova: Nga coi việc không đứng về bên nào (trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông) là một vấn đề có tính nguyên tắc”. Ảnh www.embrussia.ru |
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông cuối tuần qua lại loan tin rằng Nga và Trung Quốc sắp tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Đông. Nhìn bề ngoài, điều này có vẻ trái ngược với tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga, nhưng nhà phân tích MK Bhadrakumar cho rằng thực tế lại không phải như vậy.
Theo nhà phân tích MK Bhadrakumar, diễn tập quân sự không phải là chuyện ngẫu hứng, và trong trường hợp này, ý định tổ chức một cuộc tập trận hỗn hợp Nga-Trung ở Biển Đông đã được gợi ý cách đây một năm. Các cuộc diễn tập quân sự Nga-Trung Quốc đã trở nên thường xuyên hơn trong những năm gần đây và đã có tập trận hải quân chung ở Biển Đen, Địa Trung Hải và Viễn Đông.
Cuộc tập trận hải quân hỗn hợp Nga-Trung sắp tới ở Biển Đông có ý nghĩa tượng trưng hay thiết thực sẽ còn phụ thuộc vào số lượng tàu chiến, thời gian (địa điểm) tập trận và những gì mà hai bên sẽ làm. Ngoài ra, cuộc tập trận này còn bộc lộ Nga sẽ đóng vai trò như thế nào ở Biển Đông.
“Xoay trục” sang Châu Á không có nghĩa là xoay sang...Trung Quốc
Trước hết, cần phải hiểu rằng chính sách "xoay trục sang Châu Á" của Nga vừa là một sản phẩm phụ của mối quan hệ khó khăn với phương Tây, vừa là sự công nhận về sự nổi lên của Châu Á trong nền kinh tế thế giới. Dù thế nào đi chăng nữa, không nên coi đây là một sự “xoay trục” của Nga sang Trung Quốc, bất kể sự gia tăng chưa từng có của quan hệ đối tác Trung-Nga trong những năm gần đây.
Theo nhà phân tích MK Bhadrakumar, có thể loại trừ việc Hải quân Nga sẽ tập trận chung với Hải quân Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, bởi vì Moscow có quan hệ chiến lược lâu dài với Việt Nam. Việt Nam là một khách hàng lớn mua vũ khí của Nga, có nhiều dự án đầu tư với Nga và vừa ký kết một thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu do Liên bang Nga cầm đầu.
Những vũ khí mà Nga chuyển giao cho Việt Nam bao gồm tàu ngầm, tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm, tàu khu trục, tàu hộ tống... và qua đó tăng cường đáng kể sức mạnh hải quân của Việt Nam và có sức răn đe đáng kể ở Biển Đông.
Nga hiện đang thúc đẩy chính sách ngoại giao can dự với các nước ASEAN, với mức độ chưa từng có so với thời Liên bang Xô viết.
Lập trường của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị cấp cao Nga-ASEAN tổ chức tại Sochi vào giữa tháng 5/2016 là khá rõ ràng. Văn kiện được thông qua tại Hội nghị Sochi khẳng định rằng Nga và ASEAN đang tiến tới quan hệ "đối tác chiến lược vì lợi ích chung" trong một loạt các lĩnh vực, đặc biệt là an ninh và thương mại. Các văn kiện nói trên cho thấy ASEAN và Nga nhất trí làm sâu sắc hơn sự hợp tác về chính trị, an ninh, chống khủng bố và kinh tế , dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và chia sẻ trách nhiệm để thúc đẩy hòa bình, phát triển và tiến bộ xã hội trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Nga tự xác định là một đối tác đáng tin cậy của các nước ASEAN.
Các văn kiện được nhất trí ở Sochi cho thấy phía Nga đã đề xuất một khu vực mậu dịch tự do "toàn diện" giữa Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU) và ASEAN, tạo ra một thị trường chung với GDP ước tính khoảng 4.000 tỷ USD và các nước ASEAN đồng ý xem xét đề nghị này. Đây có thể là câu trả lời của Nga đối với với Thỏa thuận đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng.
Điều thú vị là tại Hội nghị cấp cao Sochi, một số nước ASEAN đã bày tỏ mong đợi rằng Nga sẽ vẫn giữ thái độ trung lập về Biển Đông.
Chống Mỹ là nét chủ đạo của quan hệ đối tác Trung-Nga
Cần phải nói rằng tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông không phải là nét chủ đạo của quan hệ đối tác Trung-Nga. Cốt lõi của quan hệ đối tác này nằm trong sự tiến hóa của trật tự thế giới theo hướng đa cực.
Nga sẽ coi vấn đề Biển Đông - hay vấn đề Ukraine (Crimea) và Syria – là những vấn đề địa chính trị riêng biệt, qua đó Mỹ đang tìm cách hiện thực hóa tham vọng bá chủ toàn cầu.
Việc Nga “không đứng về bên nào” trong tranh chấp tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông hay Trung Quốc không chính thức ủng hộ việc Liên bang Nga sáp nhập Crimea cho thấy mục tiêu chính của hợp tác Nga-Trung là thách thức tham vọng bá chủ thế giới của Mỹ. Hai bên tiếp tục chống lại áp lực của Mỹ và tạo ra không gian cho nhau để tận dụng lợi thế từ tương quan lực lượng.
Trên thực tế, điều này đang xảy ra. Mỹ bắt buộc phải triển khai các nguồn lực để gây sức ép với Nga ở Trung Âu, Biển Đen và Biển Baltic, đồng thời, phải ngăn chặn Trung Quốc thâu tóm Biển Đông. Đó là chưa kể Mỹ còn lo đối phó việc Nga ngày càng can thiệp mạnh mẽ hơn ở Trung Đông.
Minh Châu (Theo Asia Times)