Nga- Pháp tăng cường không kích phiến quân IS

Google News

(Kiến Thức) - Nga-Pháp tăng cường không kích ở Syria sau các vụ tấn công của phiến quân IS ở Paris và vụ đánh bom máy bay Nga trên không phận Ai Cập.

Nga-Pháp tăng cường không kích IS
Bộ Quốc phòng Nga cho biết Nga và Pháp đã tăng cường không kích nhắm vào Raqqa, cứ địa của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Nga- Phap tang cuong khong kich phien quan IS
Chiến đấu cơ Pháp đã thực hiện ít nhất 20 vụ không kích nhắm vào cứ địa Raqqa của Nhà nước Hồi giáo ở Syria. 
Chiến đấu cơ Pháp đã thực hiện ít nhất 20 vụ không kích nhắm vào cứ địa Raqqa của Nhà nước Hồi giáo ở Syria sau vụ tấn công giết chết 129 người ở Paris.
Các cuộc không kích của Nga trước đó đã nhắm vào phiến quân Syria ở những nơi cách xa những cứ địa của Nhà nước Hồi giáo.
Nhưng theo VOA, Lầu Năm Góc tỏ ra lạc quan thận trọng về sự thay đổi chiến lược của Nga. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook nói: "Dường như Nga đã đổi mục tiêu để tập trung nhiều hơn vào Nhà nước Hồi giáo, ít ra là trong những ngày gần đây, và chúng tôi hoan nghênh điều đó”.
Vấn đề được đặt ra là liệu không kích dữ đội hơn có ngăn chặn được các cuộc tấn công của Nhà nước Hồi giáo trong tương lai?
Nhà phân tích Andrew Tabler thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Cận Đông ở Washington tin rằng câu trả lời sẽ là "Không". Ông nói: "Tôi nghĩ rằng Pháp và nhiều nước khác sẽ tăng cường các nỗ lực của họ, nhưng chúng ta không thể giải quyết vấn đề này (diệt trừ nhóm Nhà nước Hồi giáo) bằng các vụ ném bom”.
Về phần mình, chính quyền Obama nói rằng các lực lượng địa phương - chứ không phải người Nga, người Pháp hoặc người Mỹ - phải là lực lượng đánh tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Nga- Phap tang cuong khong kich phien quan IS-Hinh-2
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Francois Hollande cam kết hợp tác diệt trừ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Trong thông cáo chung của khối G-20, các nhà lãnh đạo cam kết tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, siết chặt các biện pháp kiểm soát biên giới và ra sức cắt đứt nguồn tài chính của quân khủng bố.
Chính quyền Obama không thay đổi chiến lược chống IS
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã chống lại những lời kêu gọi ở trong nước và ở nước ngoài đòi ông áp dụng một chiến lược mạnh mẽ hơn sau vụ tấn công khủng bố ở Paris. Ông Obama nói rằng sẽ là sai lầm, nếu Mỹ điều động các lực lượng tác chiến trên bộ để đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Tại cuộc họp báo ở Antalya vào lúc kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G-20, Tổng thống Obama cho biết những nỗ lực để đánh bại nhóm này sẽ được tăng cường, nhưng sẽ không có một chiến lược mới.
Nga- Phap tang cuong khong kich phien quan IS-Hinh-3
Tổng thống Obama loại bỏ khả năng điều động một số lượng lớn các lực lượng tác chiến trên bộ của Mỹ vào Trung Đông. 
Ông Obama loại bỏ khả năng điều động một số lượng lớn các lực lượng tác chiến trên bộ ở Trung Đông. Ông nói: “Đây không chỉ là quan điểm của tôi, mà các viên cố vấn quân sự và dân sự thân cận nhất của tôi cũng nghĩ rằng làm như vậy là sai”.
Tổng thống Obama cho biết ông muốn tránh lặp lại cuộc chiến do Mỹ cầm đầu ở Iraq. Ông nói: “Không phải vì quân đội chúng ta không thể tiến vào Mosul hay Raqqa hay Ramadi để làm cỏ Nhà nước Hồi giáo... mà bởi vì chúng ta không muốn tái diễn  những gì mà chúng ta đã làm trước đây”.
Ông Obama nói tiếp: “Giả sử chúng ta đưa 50.000 quân tới Syria. Điều gì sẽ xảy ra khi có một vụ tấn công khủng bố xuất phát từ Yemen? Khi ấy liệu chúng ta có phải đưa thêm quân tới đó hay không? Hay có lẽ là Lebanon? Hay là có một mạng lưới khủng bố hoạt động tại những nơi khác như ở Bắc Phi hay là ở Đông Nam Á?”
Tổng thống Obama bị chỉ trích
Những người chỉ trích chiến lược của Tổng thống Obama chỉ ra rằng các cuộc tấn công khủng bố vừa qua của Nhà nước Hồi giáo cho thấy chiến lược Syria của Mỹ không hữu hiệu.
Nhà phân tích Andrew Tabler nhận định: “Tổng thống (Obama) không muốn đưa các lực lượng tác chiến trên bộ tới Syria. Tất nhiên câu hỏi đặt ra là, lực lượng nào trên bộ sẽ tiến vào miền đông Syria trong thời gian tới đây để triệt hạ Nhà nước Hồi giáo? Sau khi suy nghĩ nát óc, tôi không biết lực lượng nào sẽ làm điều đó”.
Thượng nghị sĩ John McCain nói: "Không có lý do có sức thuyết phục nào để tin rằng những gì mà chúng ta đang làm là đủ để tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo”.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Dianne Feinstein đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về chiến lược hiện nay của Mỹ ở Iraq. Bà nói “Tôi đã đọc rất kỹ những báo cáo tình báo. Nhóm Nhà nước Hồi giáo không bị ngăn chặn mà đang bành trướng. Nhóm này vừa tung ra một đoạn video để nói rõ ý định tấn công đất nước chúng ta”.  
Thượng nghị sĩ Feinstein cho rằng chỉ ra những hạn chế của các cuộc không kích và sự hỗ trợ dành cho các lực lượng Iraq là “không đủ để bảo vệ đất nước và các đồng minh của chúng ta”.
Bà Feinstein là người thuộc đảng Dân chủ và hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Uỷ ban Tình báo của Thượng viện Mỹ.  
Trong mấy tuần qua, liên minh chống IS do Mỹ cầm đầu đã giành được một số thắng lợi trên chiến trường tại Sinjar ở Iraq và tại al-Hawl ở Syria. Liên minh này cũng giáng một đòn nặng cho những hoạt động tuyển mộ của nhóm Nhà nước Hồi giáo qua việc hạ sát “John Thánh chiến”.
Ông Anthony Cordesman, một nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với đài VOA: “Chúng ta có gây thiệt hại cho Nhà nước Hồi giáo hay không? Câu trả lời là có. Chúng ta có ngăn bọn chúng bành trướng hay không? Câu trả lời cũng là có. Nhưng chiến thắng thì chưa”.
Minh Châu (TH)