Cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo đã xảy ra ở phương Tây. Đó là thông điệp mà tổ chức khủng bố IS muốn phát đi qua các cuộc tàn sát bừa bãi tại Paris đêm “Thứ Sáu ngày 13”, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Sự đồng bộ của các cuộc tấn công khủng bố ở Paris: ở sân vận động bóng đá, phòng hòa nhạc và nhà hàng... cho thấy đây là vụ tàn sát được lên kế hoạch kỹ lưỡng, do những sát thủ chuyên nghiệp thực hiện và tấn công những gì mà cái gọi là Nhà nước Hồi giáo nói là “dị giáo”.
|
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tuyên bố rằng các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris là "hành động chiến tranh”.
|
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tuyên bố rằng các cuộc
tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris là "hành động chiến tranh” và “đối mặt với chiến tranh, đất nước (Pháp) phải có hành động thích hợp”. Chỉ có điều, Tổng thống Pháp không nói rõ đó là những hành động gì. Trận chiến mà ông Hollande đề cập đến chắc chắn sẽ không chỉ giới hạn trong lãnh thổ nước Pháp.
Tổng thống Obama nói rằng các cuộc tấn công liên hoàn đẫm máu ở Paris là "cuộc tấn công vào toàn thể nhân loại”. Bất kỳ nước nào có liên quan đến cuộc nội chiến Syria đều đối mặt với các cuộc tấn công khủng bố “dã man hèn hạ” như các cuộc tấn công khủng bố ở Paris. Nga, Pháp, Anh và Mỹ đang trở thành mục tiêu của tấn công khủng bố. Nga đã nếm chịu vụ rơi máy bay Airbus A321 ở Ai Cập khiến cho hơn 200 người bị thiệt mạng. Thủ tướng Anh David Cameron cảnh báo rằng nước ông phải chuẩn bị tinh thần trước việc một số công dân Anh nằm trong số những người bị tàn sát ở Paris. Trong khi đó, nhà bình luận Đức Frank Jansen cảnh báo "chiến tranh thế giới thứ ba đang đè nặng lên chúng ta”.
Một hậu quả trước mắt ở Châu Âu chắc chắn sẽ là việc thắt chặt hơn nữa các đường biên giới. Việc Pháp áp đặt lệnh giới nghiêm và đóng cửa biên giới có thể là điều sắp xảy ra trên toàn Châu Âu. Đối mặt với dòng người di cư chưa từng có, Thụy Điển đã bắt buộc phải tái áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới.
Hậu quả nữa sẽ sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa phương Tây và Nga ở Syria và sức ép về việc phải đạt được thỏa thuận trong các vòng đàm phán về tương lai của Syria. Phương Tây và Nga đều có lợi ích với việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria càng nhanh càng tốt. Tổng thống Nga Vladimir Putin chắc chắn đã nhận thức rằng mối đe dọa mà Nhà nước Hồi giáo đưa ra gần đây không chỉ là những lời nói suông, tuyên truyền trống rỗng.
Nhưng trên tất cả là áp lực sẽ đè nặng lên Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong mấy năm qua, sai lầm của ông Obama đã góp phần làm cho hiểm họa của khủng bố Hồi giáo lan rộng trong và ngoài khu vực Trung Đông. Trong một thời gian dài, ông Obama đã né tránh vấn đề Syria. Hiện thời, chính quyền Obama đã tăng cường các nỗ lực ngoại giao và quân sự liên quan đến cuộc khủng hoảng Syria, mặc dù câu hỏi liệu Mỹ có đạt được tiến bộ thực sự vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.
Tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống Hollande cho thấy rằng cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo sẽ trở nên quyết liệt. Ông Hollande đã trở thành một vị tổng thống thời chiến. Nếu London muốn chứng tỏ mức độ nghiêm túc trong việc tham gia cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo, Hạ viện Anh cần đảo ngược lệnh cấm chiến đấu cơ Anh tham gia không kích ở Syria.
Minh Châu (Theo The National Interest)