Điếu Ngư/Senkaku - “mối bận tâm cốt lõi” của Bắc Kinh
Việc áp dụng ADIZ trên Biển Hoa Đông mới đây gợi lại sự kiện phong tỏa tên lửa của Trung Quốc đối với Đài Loan năm 1996. Khi đó, cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đơn phương ra lệnh thành lập các khu vực cấm trên biển và trên không trong cuộc thử nghiệm tên lửa về phía Bắc và phía Nam của Đài Loan.
Do đó, theo giới chuyên gia, việc lập ADIZ có thể được xem là sự khẳng định rằng, quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là “mối bận tâm cốt lõi” của Bắc Kinh, song song với Biển Đông và Đài Loan.
Ông Alexander Neill của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nhận định, việc Trung Quốc đơn phương lập Khu vực Nhận dạng Phòng không Biển Hoa Đông (ADIZ) phản ánh quyết tâm của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Đây là hành động quân sự mạnh mẽ và quyết liệt nhất từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền chèo lái Trung Quốc cách đây một năm.
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
|
Dẹp bỏ chính sách cũ
Mối đe dọa mà Bắc Kinh đặt ra cho bên ngoài thường phản ánh tâm lý người dân trong nước và chính sách xoa dịu công chúng.
ADIZ phản ánh sự bất mãn liên tục của Bắc Kinh về một loạt các động thái giám sát và thu thập tình báo thường xuyên của quân đội Mỹ trên biển và trên không dọc theo biên giới Trung Quốc.
Trong suốt thập kỷ qua, Trung Quốc áp dụng chiến lược “giấu mình chờ thời” (của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình), khiến chủ nghĩa dân tộc dù phát triển mạnh mẽ thì cũng không có nơi thể hiện.
Do đó, những động thái phô trương sức mạnh quân sự gần đây của Trung Quốc khiến nhiều người cho rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đang chuẩn bị dẹp bỏ chính sách cũ.
Cụ thể, họ cho rằng, Khu vực Nhận dạng Phòng không mới của Trung Quốc là bằng chứng cho thấy chủ nghĩa dân tộc thái quá của con rồng châu Á đang lan tỏa mạnh mẽ chưa từng thấy.
Nguy cơ xung đột từ ADIZ
Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc phát hành vào tháng 4 nắm giữ một số đầu mối rõ ràng lý giải những động thái gần đây của quân đội nước này; khi mô tả Nhật đẩy tranh chấp đảo leo thang còn việc Mỹ “xoay trục” đến châu Á là nguyên nhân gây căng thăng khu vực.
|
Máy bay Nhật tuần tra Điếu Ngư/Senkaku.
|
Theo đó, lãnh đạo Trung Quốc có thể lập luận, việc thành lập ADIZ sẽ giúp tránh những sự cố nguy hiểm trong khu vực. Tuy nhiên, thực tế thì rõ ràng ngược lại.
Giới quan sát nhận định, việc áp đặt ADIZ cũng phản ánh sự tự tin của Bắc Kinh về các mạng lưới kiểm soát và chỉ huy riêng cũng như khả năng giám sát không phận rộng lớn trên Biển Hoa Đông của họ. Mỹ có thể đáp trả bằng cách đẩy mạnh nhịp độ của các cuộc tập trận quân sự trong khu vực, ép quân đội Trung Quốc phải phòng thủ, "thử nghiệm" quyết tâm của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như quyền kiểm soát của ông.
Động thái đầu tiên chính là việc Mỹ triển khai 2 máy bay ném bom B-52 bất ngờ bay qua khu vực tranh chấp trên Biển Hoa Đông, thách thức nỗ lực đơn phương lập ADIZ của Trung Quốc. Hai chiếc B-52 của Mỹ đã nán lại bên trong ADIZ “khoảng gần một giờ đồng hồ” và không đụng độ với máy bay Trung Quốc.
Trên thực tế, động thái mới nhất của Trung Quốc (lập ADIZ trên Biển Hoa Đông) đi kèm với sự trỗi dậy nguy hiểm của tình trạng căng thẳng quân sự đáng kể trong khu vực. Tháng 1 năm nay, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cáo buộc Hải quân Trung Quốc chỉ đạo radar điều khiển hỏa lực nhắm mục tiêu vào một tàu hải quân Nhật hiện diện gần quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku.
Trung Quốc gần đây triển khai máy bay không người lái gần khu vực tranh chấp, buộc Nhật phải điều máy bay chiến đấu để ngăn chặn, truy đuổi, tạo ra các cuộc đối đầu trên không nguy hiểm.
Chưa hết, Bắc Kinh còn triển khai máy bay không người lái tàng hình đầu tiên của Trung Quốc sau khi tung chiến đấu cơ tàng hình J -31 đầu năm nay. Thực tế, tất cả các hệ thống vũ khí vẫn đang trong giai đoạn phát triển nhưng vẫn phản ánh sự thành công của chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc trong thập kỷ qua.
Dù Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài trước khi trở thành cường quốc quân sự toàn cầu, nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo, Bắc Kinh đã có thể tập trung các khả năng quân sự mạnh mẽ của họ tại sân sau của Mỹ. Thậm chí, nhiều chuyên gia phân tích còn cho rằng, trong một số lĩnh vực, quân đội Trung Quốc có khả năng cạnh tranh với Mỹ.
Theo giới quan sát, lựa chọn tốt nhất của Trung Quốc để duy trì ưu thế trong trường hợp không có sự hiện hiện quân sự thường trực xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku chính là thành lập ADIZ.
Vạch đỏ lớn nhất mà Trung Quốc sẽ tạo ra là thiết lập các vị trí giám sát xung quanh quần đảo tranh chấp với Nhật Bản – động thái có khả năng đẩy căng thẳng leo thang sang trạng thái thù địch.
Bạch Dương (theo AFP)