Cuộc tấn công tên lửa Tomahawk chớp nhoáng mà Mỹ nhằm vào căn cứ quân sự Shayrat của Syria đang khiến giới báo chí và quan sát quốc tế tốn nhiều giấy mực phân tích, mổ xẻ, qua đó cũng cho thấy dư luận đang lúng túng khi nhận định về chính sách thực sự của Washington đối với quốc gia Trung Đông này.
|
Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk. Ảnh: The Times of Israel |
Các chuyên gia đều đánh giá đây là một bước ngoặt trong chính sách của Mỹ đối với Syria, song bước ngoặt đó sẽ tiến về hướng nào còn là điều khiến dư luận đang tranh cãi.
Lần đầu tiên trong hơn sáu năm xung đột khốc liệt tại Syria, Mỹ đã trực tiếp tấn công các mục tiêu của chính quyền Tổng thống al-Assad. Đây là điều khiến dư luận bất ngờ, bởi người đứng đầu Nhà Trắng gần như đã thay đổi hoàn toàn quan điểm mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái, cũng như những tuyên bố gần đây rằng không còn coi việc lật đổ chế độ Assad là một ưu tiên hàng đầu.
Hành động của Washington, và sau đó là các tuyên bố của giới chức chính quyền Tổng thống Donald Trump, đang khiến dư luận hoang mang về đường hướng chính sách sắp tới của Mỹ trong vấn đề Syria, về tương lai mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh của Syria, cũng như về quyết tâm của Nhà Trắng trong nỗ lực chấm dứt cuộc chiến dai dẳng này.
Lý do được ông Trump đưa ra để biện minh cho chiến dịch không kích nhằm vào căn cứ Shayrat, một trong bốn căn cứ không quân ở miền Trung Syria, là để đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib hôm 4/4, mà Mỹ đổ lỗi cho quân chính phủ Syria.
Hai ngày sau vụ tấn công, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng dùng chính cái cớ này để biện hộ cho vụ không kích. Mặc dù vậy, ông Tillerson khẳng định quan điểm quân sự của Mỹ không thay đổi, ưu tiên của Washington là đánh bại IS, sau đó mới là nỗ lực thúc đẩy "tiến trình chính trị" nhằm mang lại ổn định cho Syria. Và trong tiến trình này, người Syria sẽ quyết định tương lai của Tổng thống Assad.
Tuy nhiên, phát biểu của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ có nhiều trái ngược với khẳng định của Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley.
Bà Haley cho rằng Mỹ có hàng loạt ưu tiên ở Syria, rằng hòa bình không thể đạt được chừng nào ông Assad còn làm Tổng thống. Thậm chí, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster khẳng định Washington đã chuẩn bị cho các hành động quân sự can thiệp mạnh hơn nữa tại Syria nếu cần thiết. Những tuyên bố mập mờ này đang khiến chính các nhà lập pháp Mỹ lúng túng không hiểu rõ đường đi nước bước của Nhà Trắng cũng như chiến lược của Ngoại trưởng Mỹ về tương lai Tổng thống Assad.
Quy mô và hiệu quả của cuộc tấn công là điều được dư luận quan tâm. Theo tờ Washington Post, chưa đầy 24 giờ sau khi hứng chịu tên lửa, căn cứ không quân Shayrat của Syria đã hoạt động trở lại. Các cuộc tấn công của quân chính phủ Syria nhằm vào các khu vực của phiến quân tại Idlib hay Daraa cũng không hề bị gián đoạn trong những ngày qua.
Giới phân tích nhận định, những hạn chế về quy mô của cuộc tấn công có thể củng cố quan điểm rằng Mỹ không thực sự quan tâm và hết lòng với mục tiêu đánh bại ông Assad, và dường như cuộc tấn công mang tính “biểu tượng” nhiều hơn. Nhưng nếu đúng như mục đích Mỹ tuyên bố là tấn công để “rằn mặt” và trừng phạt Syria về vụ sử dụng vũ khí hóa học, thì liệu khoảng 3 tấn chất nổ đổ vào căn cứ Shayrat đã đạt được mục đích hay chưa?
Sau khi liên minh ba bên chống IS gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu năm đạt thỏa thuận cùng thực hiện chiến dịch quân sự chống IS và các vây cánh của lực lượng Al-Qaeda tại Syria, Mỹ một mặt hoan nghênh thỏa thuận, song mặt khác cũng bày tỏ hoài nghi về thỏa thuận này. Chưa tính đến việc vị thế của Iran tại khu vực được gia tăng khi tham gia liên minh ba bên chống IS, việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chỗ hỗ trợ phe nổi dậy chống chính quyền Assad, chuyển sang tham gia liên minh chống khủng bố, qua đó giúp củng cố vị thế cho ông Assad, cũng là điều khiến Washington phải đau đầu.
Thực tế gần đây cho thấy liên minh này đã giành được những thành quả nhất định trong cuộc chiến chống IS ở Syria, đồng thời thể hiện vai trò chủ động hơn trong thúc đẩy tiến trình hòa bình Syria, đồng nghĩa với việc đã phần nào làm giảm sức mạnh số 1 của Mỹ với vai trò đứng đầu liên minh quân sự chống IS. Với những phân tích như vậy, giới chuyên gia cho rằng vụ nã tên lửa Tomahawk vào Syria được tiến hành vào thời điểm hiện nay không chỉ được hiểu theo nghĩa đen là nhằm vào chính quyền Assad.
Theo giáo sư Edward Djerejian, cựu Đại sứ Mỹ tại Syria, cuộc tấn công nhằm vào Syria hàm chứa một thông điệp mạnh mẽ gửi tới các đối thủ trong khu vực, rằng khu vực này không phải là một ‘sân chơi’ tự do mà ở đó luôn có những giới hạn. Dù thời điểm tiến hành vụ không kích có thể chỉ là ngẫu nhiên, song việc ông Trump ra lệnh tấn công trong khi đang đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có những tác động đa chiều, và Triều Tiên có thể là một mục tiêu mà ông Trump muốn gửi gắm thông điệp.
Hiện các nhà quan sát quốc tế đang đổ dồn chú ý về Lucca, Italy, nơi chuẩn bị diễn ra hội nghị ngoại trưởng các nước công nghiệp phát triển (G-7), với hy vọng Ngoại trưởng Mỹ Tillerson sẽ trình bày rõ ràng hơn về chiến lược của Washington đối với Syria. Sau vụ không kích, các đồng minh phương Tây của Mỹ đều cho rằng Nhà Trắng cần nhân đà này can thiệp quân sự mạnh tay hơn vào điểm nóng ở Trung Đông, qua đó thúc đẩy quá trình chuyển giao quyền lực ở Syria. Trong khi đó, sau Lucca, ông Tillerson sẽ tiếp tục được thử thách ở Moskva trong chuyến công du đầu tiến tới Nga kể từ khi ông nhậm chức. Trong đó, vấn đề Syria cũng sẽ là một trong những trọng tâm được đưa ra thảo luận.
Theo giới phân tích, dù tính toán thực sự của Washington là gì thì cuộc không kích chớp nhoáng vừa qua cũng cho thấy bước chuyển trong chính sách can dự của Mỹ đối với điểm nóng của thế giới, và chắc chắn nó sẽ kéo theo những hệ quả khó lường./.
Theo Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)