Khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đến Moscow trong tuần này, chủ đề đầu tiên được thảo luận sẽ là Syria, và tình hình có vẻ đang nóng hơn bao giờ hết. Nếu chính quyền Mỹ và điện Kremlin không thể dàn xếp với nhau, hai cường quốc hạt nhân có thể bước vào một cuộc xung đột nguy hiểm.
|
Mỹ khó thể tấn công quân sự quy mô lớn nhằm chống lại chính quyền Syria mà không va chạm với lực lượng Nga. Ảnh: Newsbred |
Khó lường như ông Trump
Sáng sớm 7/4, 59 tên lửa hành trình Tomahawk tấn công căn cứ không quân Shayrat của Syria để đáp trả cho hành động dùng chất độc hóa học nhằm vào dân thường mà Mỹ cáo buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad ra tay 2 ngày trước đó.
Cuộc tấn công này là bước ngoặt lớn đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump vì chính ông đã kêu gọi người tiền nhiệm Barack Obama chớ tấn công Syria trong một tình huống tương tự năm 2013.
Hành động dùng vũ lực của ông Trump được đánh giá khác nhau ở Washington và từ các đồng minh của Mỹ. Nhưng Nga, nước bảo trợ chính của ông Assad, nổi giận đùng đùng. Điện Kremlin gọi cuộc tấn công của Mỹ vào Syria là “hành động xâm lược”, và Thủ tướng Dmitry Medvedev cảnh báo sự kiện này đưa Mỹ và Nga đến “bờ vực xung đột quân sự”.
Trong khi đó, quân đội Nga dừng đường dây nóng được thiết lập để tránh xung đột với lực lượng Mỹ ở Syria và thông báo sẽ tăng cường bảo vệ vùng trời Syria.
Dù có được biện hộ bằng lý lẽ và đạo đức như thế nào thì việc dùng sức mạnh quân sự cũng là việc nghiêm trọng, và những cuộc tấn công hạn chế như vậy có thể đưa Nga và Mỹ vào con đường xung đột trực tiếp.
Cách các quan chức Mỹ nói về mục đích của đợt tấn công này càng làm gia tăng nguy cơ leo thang. Trong thông báo về cuộc tấn công, ông Trump gọi đó là việc cần thiết để “phòng ngừa và ngăn cản việc sử dụng và phát tán vũ khí hóa học”.
Ông Trump cũng nói quyết định này là một phần của nỗ lực “chấm dứt tình trạng giết chóc và đổ máu ở Syria”. Cách nói đó cho thấy Tổng thống Mỹ có thể cân nhắc thêm hành động quân sự nhằm chấm dứt chiến tranh Syria.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc, bà Nikki Haley, đã không hề úp mở về khả năng này khi tuyên bố cuối tuần trước.
“Chúng tôi đã chuẩn bị để làm nhiều hơn nữa, nhưng chúng tôi hy vọng điều đó không cần thiết. Đã đến lúc tất cả các nước văn minh phải chấm dứt những điều ghê sợ đang xảy ra ở Syria và đòi hỏi một giải pháp chính trị”, bà Haley nói.
Một số nước đồng minh khu vực của Mỹ từ lâu đã muốn kéo Washington vào cuộc chiến với ông Assad. Thổ Nhĩ Kỳ gọi cuộc tấn công vừa qua là “chưa đủ” và kêu gọi Mỹ có thêm hành động mạnh mẽ.
Và những người có quan điểm cứng rắn trong Quốc hội Mỹ như Thượng nghị sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ Marco Rubio cho rằng bước tiếp theo ông Trump nên làm là cung cấp thêm vũ khí cho các nhóm đối lập ở Syria, áp đặt một vùng cấm bay và tiếp tục không kích nhằm gây sức ép để Nga và ông Assad phải đồng ý giải quyết bằng chính trị.
Nga, Syria "nóng mặt"
Trong khi đó, không quân Syria đã bắt đầu khôi phục đánh bom thị trấn Khan Sheikhoun ở vùng tây bắc nước này. Đây cũng là nơi xảy ra vụ tấn công bằng khí độc tuần trước. Trong bối cảnh đó, những lời kêu gọi Mỹ can dự sâu hơn vào Syria nhằm lật đổ ông Assad ngày càng gia tăng.
Nếu Mỹ đi vào con đường này, triển vọng đối đầu quân sự với Nga là thực tế, khi vài ngàn quân nhân Nga đang hoạt động trong các căn cứ quân sự chủ chốt trên khắp Syria.
Moscow cũng đã đưa các hệ thống phòng không phức tạp nhất đến Syria, trong khi máy bay Nga đang canh giữ bầu trời Syria. Vì thế, một chiến dịch quy mô lớn của Mỹ nhằm gây sức ép với ông Assad bằng cách tấn công vào các căn cứ không quân và các cơ sở chỉ huy tác chiến của Syria sẽ có nguy cơ đe dọa tính mạng của lực lượng Nga trên mặt đất.
Nếu áp đặt vùng cấm bay, Mỹ có thể phải tấn công hệ thống phòng không của Nga và Syria, từ đó dẫn đến nguy cơ va chạm trên không giữa máy bay Mỹ và Nga. Trong những hoàn cảnh đó, nguy cơ xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát càng cao hơn sau khi Moscow ngừng kênh liên lạc phòng ngừa xung đột trên không giữa quân đội Nga và Mỹ.
Nga và chính quyền của ông Assad có thể sẽ đáp trả nếu Mỹ tiếp tục tấn công Syria hoặc áp đặt vùng cấm bay bằng cách điều chỉnh mạnh lưới phòng không tích hợp để nhắm vào máy bay của Mỹ và đồng minh hoặc tấn công lãnh thổ mà các lực lượng thân Mỹ ở Syria đang chiếm đóng và gần 1.000 binh lính Mỹ đang hiện diện.
Điều này nếu xảy ra có thể làm chệch hướng chiến dịch chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo vào bất kỳ lúc nào, và có thể khiến tính mạng của lực lượng Mỹ ở Syria bị đe dọa.
Vẫn có những nguy cơ leo thang đáng kể khác ngay cả khi chính quyền của ông Trump không tiếp tục lộ trình này và tiếp tục với mục tiêu hẹp hơn là ngăn chặn các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.
Thế khó xử
Theo các báo phương Tây, trước khi tấn công Syria, ông Trump đã được cung cấp thông tin về những lựa chọn để đáp trả ông Assad. Một lựa chọn là thực hiện “tấn công bão hòa” nhằm vào hàng chục phi trường và cơ sở của Syria, với mục tiêu khiến ông Assad không còn khả năng thực hiện các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học.
Trước lập luận của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, ông Trump bác bỏ lựa chọn này để chọn cách tấn công bằng tên lửa hành trình nhằm vào một căn cứ không quân đơn lẻ.
Lựa chọn này được cho là hợp lý và ít có nguy cơ giết chết binh lính Nga. Dù có khoảng 100 lính Nga được cho là đang hoạt động ở căn cứ không quân Shayrat, chính quyền Mỹ đã cảnh báo Moscow trước đó, và các tên lửa đã không bắn trúng doanh trại của người Nga.
Nói cách khác, ông Trump đã chọn giải pháp tấn công hạn chế vì ông và các cố vấn hiểu những rủi ro lớn nếu Mỹ tấn công nhiều mục tiêu hơn.
Nhưng cũng có tình huống khó xử lớn nếu ông Trump tiếp tục cách này. Nếu muốn ngăn chặn thành công, Mỹ phải tạo ra mối đe dọa đáng kể đối với lực lượng của Tổng thống Assad nếu chính quyền này tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học hoặc phạm phải những sai lầm khác.
Tuy nhiên, ông Trump đã gạt bỏ lựa chọn tấn công quân sự quy mô lớn hơn vì nhận thấy nhiều nguy hiểm rõ ràng, vì thế Tổng thống Mỹ có thể gặp khó trong việc gửi đi một tín hiệu đáng kể về việc sẵn sàng làm điều này nếu chính quyền Syria tiếp tục có hành động sai trái nhằm vào dân thường.
Trong bối cảnh đó, nguy cơ tính toán sai lầm hoàn toàn có thể xảy ra. Tổng thống Syria có thể sẽ lại thử thách ông Trump, với hy vọng chứng minh Tổng thống Mỹ chỉ là “hồ giấy”. Và ông Trump, sau khi đầu tư uy tín cá nhân vào vấn đề này, có thể cảm thấy bắt buộc phải đáp trả, bất chấp nguy cơ có thể xung đột quân sự với Nga.
Trước khi Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đến Moscow vào thứ Tư tới, chính quyền Mỹ cần có một kế hoạch rõ ràng để tránh sa vào dốc trơn. Kế hoạch đó bắt đầu với việc ông Trump và ekip của mình phải biết chính xác và nhất quán về mục tiêu của họ ở Syria. Liệu mục tiêu chỉ là ngăn chặn nguy cơ xảy ra các vụ tấn công bằng khí độc khác hay chấm dứt xung đột ở Syria?
Nếu chọn mục tiêu chấm dứt chiến tranh ở Syria, liệu chính quyền Mỹ có khăng khăng đòi ông Assad phải ra đi hay sẵn sàng chấp nhận những công thức có thể giúp xuống thang cuộc chiến nhưng vẫn giữ ông Assad tại vị?
Hôm 9/4, các quan chức chính quyền Mỹ có vẻ gợi ý tất cả những điều này. Đại sứ Haley khẳng định trên CNN: “Không có bất kỳ lựa chọn nào mà trong đó một giải pháp chính trị sẽ chấp nhận ông Assad vẫn là người đứng đầu chế độ”.Tuy nhiên, Ngoại trưởng Tillerson nói trong chương trình “This Week” của đài ABC rằng chính quyền của ông Trump sẽ tìm cách chấm dứt chiến tranh ở Syria thông qua việc tạo ra các vùng đình chiến và khôi phục một tiến trình chính trị. Ông Tillerson nói rằng ông Assad và Nga sẽ phải tham gia vào giải pháp này.
Ngoại trưởng Mỹ cũng nói Mỹ sẽ không tập trung vào những sáng kiến nhằm ổn định Syria cho đến khi IS “suy giảm hoặc bị xóa sổ”.
Dù chính quyền Mỹ quyết định như thế nào thì cách tiếp cận của họ cũng phải pha trộn giữa tín hiệu quân sự đáng tin cậy với các bước giảm rủi ro (như tìm cách kích hoạt lại kênh liên lạc giữa quân đội Nga – Mỹ). Và những hành động quân sự của Mỹ phải được hậu thuẫn bởi một chiến lược ngoại giao có thể tận dụng được đòn bẩy do các cuộc tấn công tạo ra.
Trong bối cảnh Nga có những lợi ích quan trọng ở Syria, Moscow có thể sẽ không phản ứng tích cực trước các tối hậu thư của Mỹ. Nếu chính quyền Mỹ không tìm được cách giúp Kremlin rút ra mà không mất mặt, cuộc xung đột ở Syria vẫn chưa thể thấy lối thoát.
Theo Bình Giang/Báo Tiền Phong