Kiếm tiền từ những món đồ hàng nghìn năm tuổi
Chỉ ít ngày trước khi Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL) kiểm soát thành phố Mosul, các quan chức Iraq đã thu giữ hơn 100 ổ cứng máy vi tính lưu trữ thông tin chi tiết về các hoạt động của nhóm này.
Khi phát hiện thông tin ISIL kiếm được 36 triệu USD từ khu vực có tên gọi al-Nabuk ở Syria, ngay lập tức giới chức Iraq nhận ra con đường để nhóm này sở hữu khoản tiền đó.
“Đồ cổ ở đó có thứ lên tới 8.000 năm tuổi”, một quan chức tình báo Iraq nói với tờ Guardian.
|
Những bức tượng trong viện bảo tàng quốc gia Iraq. |
Iraq và quốc gia láng giềng Syria là 2 nước nằm trong khu vực Lưỡng Hà (Mesopotamia), cái nôi của nhiều nền văn minh lâu đời nhất thế giới. Ngày nay, các phiến quân đang lợi dụng giao tranh để lấy đi những cổ vật còn lại từ những nền văn minh này.
ISIL đang là nhóm khủng bố giàu có nhất thế giới nhờ các khoản tiền từ những vụ cướp ngân hàng cũng như việc tham gia vào thị trường chợ đen đồ cổ trị giá hàng tỷ USD.
“Có bằng chứng chắc chắn rằng ISIL, cũng giống như các phe phái khác trong cuộc nội chiến Syria, đang lấy trộm và buôn lậu đồ cổ để có tiền phục vụ cho các hoạt động”, nhà nghiên cứu Sam Hardy thuộc Viện khảo cổ học UCL ở London nhận xét.
“Đồ cổ cho chiến tranh” là thuật ngữ chỉ các món đồ cổ bị đánh cắp, buôn lậu và bán cho những kẻ môi giới trái phép trên khắp thế giới để gây quỹ cho các hoạt động quân sự hoặc bán quân sự. UNESCO ước tính hoạt động buôn bán “đồ cổ cho chiến tranh” có giá trị hơn 2,2 tỷ USD và ngày càng lớn mạnh do các nhóm tội phạm hiểu rõ giá trị của những đồ vật ra đời từ thời xa xưa.
ISIL không phải là nhóm đầu tiên ăn cắp và buôn bán đồ cổ, các hoạt động này đã tăng mạnh sau khi Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003.
“Không giống như Afghanistan, Iraq không có thuốc phiện nhưng có đồ cổ”, Matthew Bogdanos, Thượng tá quân đội Mỹ từng là trưởng nhóm điều tra vụ một bảo tàng Iraq bị trộm tấn công, cho biết.
Ông kể rằng khi được điều động tới Iraq vào năm 2005, chuyến hàng vũ khí nào bị đơn vị ông bắt giữ cũng chứa đồ cổ. Tại các hang động, trong xe tải hay các nơi ẩn náu khác, các binh sĩ đều tìm thấy “các hộp chứa lựa đạn nằm bên cạnh những hộp chứa đồ cổ”.
Các nhóm tội phạm và khủng bố tham gia vào hoạt động buôn lậu đồ cổ ở các mức độ khác nhau. Đôi khi các nhóm này tự quản lý đội ăn trộm và tham gia vào quá trình đánh cắp từ đầu tới cuối. Tuy nhiên, đó là điều hy hữu. Thông thường, thành viên các nhóm này không tự mình ăn trộm mà sử dụng người địa phương.
“Đa số thủ phạm là những kẻ trộm chuyên nghiệp”, nhà khảo cổ Peter Campbell viết trong một báo cáo hồi năm ngoái và cho biết thêm rằng những kẻ trộm lợi dụng giao tranh để kiếm tiền. Trong khi những tên trộm chỉ thu lại chưa tới 1 hoặc 2% giá trị thị trường của món đồ, những lực lượng trung gian như môi giới, các trung tâm đấu giá và các thành phần khác giành phần lớn lợi nhuận.
Internet: đầu mối giao thương thời hiện đại
Đồ cổ được đưa qua nhiều kênh khác nhau ra khỏi Iraq trong đó có nhiều thủ thuật đặc trưng thời hiện đại.
“Internet đã trở thành địa bàn chính cho các hoạt động tội phạm và không có gì đáng ngạc nhiên khi các đồ cổ trái phép xuất hiện tràn lan trên mạng”, nhà khảo cổ Campbell cho hay.
Đồ cổ Iraq có thể bị buôn lậu sang tận Pháp, Ý và Thụy Sĩ hay các nước láng giềng thân cận như Jordan, Ả rập Xê út, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2010, FBI đã bắt giữ được một số đồ cổ của Iraq từ một nhà môi giới đồ cổ ở California.
Cuối cùng, các món đồ được đưa tới tay những nhà sưu tập tư nhân. Mặc dù các nhà sưu tập này sẽ không đem trưng bày ngay các món đồ cổ bị buôn lậu mà sẽ đợi vài năm tới khi vụ án lắng xuống và bán những món đồ này cho các viện bảo tàng.
Theo luật sư về di sản văn hóa Rich St. Hilare, một biện pháp giúp chính phủ các nước ngăn chặn tình trạng trên là theo dõi các hoạt động trên chợ đen đồ cổ toàn cầu.
“Các điều luật sẽ giúp tăng cường sự minh bạch, tách biệt hoạt động buôn bán vật phẩm văn hóa hợp pháp và các hoạt động buôn lậu để xác định tội phạm tiềm ẩn”, luật sư Rich St. Hilare viết.
Lực lượng hành động tài chính, một tổ chức độc lập chuyên theo dõi hoạt động tài chính và rửa tiền của các nhóm khủng bố, cho hay buôn lậu đồ cổ và vật phẩm văn hóa là một trong nhiều con đường kiếm tiền của các nhóm khủng bố.
Tùng Lâm