Quân đội Iraq quá yếu

Google News

(Kiến Thức) - Quân đội Iraq là lực lượng "hữu danh vô thực", suy yếu bởi nạn tham nhũng, lãnh đạo kém và bè phái.

Sự kém cỏi của quân đội Iraq
Sự kém cỏi của phía quân đội Iraq được thể hiện qua sự thất thế của họ trước phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận đông (ISIL), nhóm đã chiếm lĩnh thành phố lớn thứ 2 Iraq là Mosul và đang đe dọa đánh vào thủ đô Baghdad. Thực tế này dường như là hệ quả mà Mỹ để lại ở đất nước vốn bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
Theo đó, sau khi đưa quân vào Iraq hồi năm 2003, chính quyền Mỹ đã giải tán quân đội độc tài của Tổng thống Iraq lúc bấy giờ là Saddam Hussein và chi 20 tỷ USD để xây dựng lực lượng hùng hậu với 800.000 người. Với việc làm này, Washington hi vọng, lực lượng quân đội Iraq có thể tự mình đảm bảo an ninh đất nước sau khi Mỹ rút quân năm 2011.
 Các binh sĩ Iraq.
Quả thực, tới năm 2011, lực lượng Iraq nhìn chung đã có thể “đủ lông đủ cánh” để đảm đương trọng trách trên. Chưa kể, lúc này, tình trạng đấu đá bè phái cũng ít đi trong nội bộ quân đội Iraq. Với những chuyển biến khá tích cực như vậy,Tổng thống Mỹ Obama đã hạ lệnh rút quân khỏi lãnh thổ Iraq.
Song, kể từ đó, nhiều lỗ hổng trong quân đội nước Trung Đông này ngày càng lộ rõ. Nạn tham nhũng là một trong những số đó. Một sĩ quan Iraq ở tỉnh Anbar cho hay, khẩu phần ăn của các binh sĩ đều bị cắt giảm. Việc duy trì hoạt động của các máy móc, xe quân đội bị đình trệ do thiếu thốn kinh phí. Chưa kể, một số nhóm binh sĩ còn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ trong hơn 6 tháng liền. Thậm chí, các binh sĩ nước này thường phải ra chợ đen để mua các phụ tùng thay thế cho trang thiết bị quân sự vì kho vũ khí của quân đội “hoàn toàn trống rỗng”.
Cựu Trung tướng Jim Dubik, người dứng đầu phụ trách đào tạo lực lượng Iraq hồi 2007-2008 của Mỹ và NATO cho biết, quân đội Iraq cũng bị chính trị hóa nặng nề dưới thời Thủ tướng Nuri al-Maliki.
“Giới lãnh đạo quân đội Iraq hiện đã bị xói mòn. Nếu bạn là một người lính và bạn nghĩ rằng lực lượng mình sẽ thua, vì thế bạn sẽ không có tinh thần chiến đấu hết mình. Thay vào đó, bạn lại chỉ bảo vệ cho chính mình”, ông Dubik nêu.
Ngoài ra, một cựu sí quan Mỹ ở Iraq lại cho biết thêm, việc các cấp trên đối xử tệ với binh sĩ của họ là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng đào ngũ hàng loạt. “Những binh sĩ Iraq đang mất tinh thần chiến đấu. Họ bị trả lương thấp và luôn bị lừa gạt bởi các sĩ quan chỉ huy của mình, những người ăn cắp các khoản phụ cấp.
 Người dân đứng xếp hàng dài chờ ghi danh vào quân đội.
Người cựu quan chức này còn chỉ ra một thực tế rằng, ngoài một số đơn vị đặc biệt, thì quân đội Iraq chỉ là “một thùng phuy rỗng”. Thực vậy, ngay cả trước khi Mỹ rút quân về nước, quân đội Iraq vẫn chưa hoạt động hiệu quả. Trong vụ tấn công của ISIL hồi tuần này, Chỉ huy các Lực lượng mặt đất của Iraq Tướng Ali Ghaidan, và Phó tham mưu trưởng quân đội, Trung tướng Abboud Qanbar đã bỏ chạy khỏi vị trí chiến đấu của họ.
Quân đội thất thủ, người dân đổ xô đăng kí đi lính
Với sự thất thế của quân đội trước ISIL, vào ngày 13/6, các quan chức Iraq cho biết, khoảng 1,5 triệu người dân nước này đã tình nguyện xung phong đi lính trước mối đe doạ từ ISIL. Họ bao gồm đủ mọi lứa tuổi, thậm chí có cả các cán bộ về hưu. Động thái trên xảy ra sau khi các lãnh đạo tôn giáo và chính trị kêu gọi người dân cả nước đứng lên cầm vũ khí để bảo vệ đất nước chống lại phiến quân ISIL. Trước đó, vào ngày 10/6, ISIL đã nắm quyền kiểm soát tỉnh Ninveh, bao gồm thành phố thủ phủ Mosul và buộc “hơn 500.000 dân trong và xung quanh thành phố” đi sơ tán. Các chiến binh nổi dậy tuyên bố, họ sẽ thực hiện cuộc tấn công vào thủ đô Baghdad trong nay mai.
Mỹ phản ứng ra sao sau vụ tấn công của ISIL?
Phát biểu trước báo giới ngày 13/6, Tổng thống Mỹ Obama cho hay, ông đang xem xét các biện pháp để giúp đỡ chính phủ Iraq, trong đó có hành động quân sự. Tuy nhiên, Washington khẳng định, họ sẽ không cử lực lượng chiến đấu trên bộ tới đó. Trong khi đó, Mỹ cho biết, họ cũng bắt đầu chuyển các công dân Mỹ sinh sống ở Iraq và đang hợp tác về quốc phòng với nước này đến nơi an toàn.
Thanh Nga (tổng hợp)