Sau khi Mỹ thất bại trong cuộc chiến xâm lược và phải rút khỏi Việt Nam vào năm 1973, nhiều người cho rằng Mỹ sẽ không gây thêm các cuộc chiến cho đến khi nào thấm nhuần được các bài học từ chiến thắng của Việt Nam – một chiến thắng trong đó quân đội giàu có và mạnh mẽ nhất thế giới lại thua trước đội quân trang bị thua kém nhiều mặt.
Khi lực lượng Liên Xô phải rút khỏi Afghanistan sau cuộc chiến kéo dài 9 năm ở đây, các nhà quan sát cũng thấy một bài học tương tự về việc không thể dùng quân đội để nắm giữ một đất nước có tư tưởng thù địch phổ biến trong đại chúng.
|
Binh lính Mỹ cố thủ tại công sự ở Việt Nam năm 1967.
|
Trong việc sáp nhập Crimea cũng như cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin cho thấy việc ông đã học được bài học từ Việt Nam và Afghanistan.
Trong khi đó, các Tổng thống Mỹ nối tiếp nhau lại dường như không hiểu được rằng chiến lược quân sự đã thay đổi hoàn toàn kể từ sau 2 cuộc chiến ở Việt Nam và Afghanistan. Thay vào đó, họ lại lặp lại những sai lầm của những người tiền nhiệm.
Điều này dẫn tới tình trạng, phi đội máy bay ném bom tàng hình của Mỹ (với giá khoảng 810 triệu USD mỗi chiếc) cũng như lực lượng tàu ngầm hạt nhân (với giá khoảng 8,2 tỷ USD mỗi chiếc) lại bất lực trước việc chống lại những điệp viên Nga – được cho rằng đã cải trang thành người biểu tình ở miền đông nam Ukraine.
Cả Mỹ và EU hay NATO đều không có giải pháp quân sự cho chiến lược của ông Putin ở Ukraine.
Bài học từ Việt Nam và Afghanistan
Người Mỹ cho rằng họ mạnh hơn Pháp sau khi thực dân Pháp phải rút khỏi Việt Nam vì thất bại Điện Biên Phủ (7/5/1954). Mỹ tham gia cuộc chiến ở Việt Nam bằng cách tận dụng ưu thế về quân lực như ném bom rải thảm cũng như tung vào chiến trường những đội quân được trang bị và huấn luyện tốt hơn. Tuy nhiên, Mỹ vẫn thất bại ở Việt Nam sau khi làm cho cuộc chiến leo thang bằng những hành vi bạo lực. Quân đội hiện đại của Mỹ đã sa lầy tại Việt Nam trước chiến thuật du kích của bộ đội, dân Việt Nam.
|
Các chiến binh hồi giáo ngồi ăn bên xác máy bay trực thăng Liên Xô ở Afghanistan.
|
Trong cuộc chiến Afghanistan, Liên Xô cũng tung vào nước này 100.000 binh sĩ. Nhưng với chiến thuật du kích và tác chiến phi đối xứng, các chiến binh hồi giáo theo chủ nghĩa dân tộc ở Afghanistan đã khiến cho Liên Xô phải hứng chịu thiệt hại lên đến 15.000 binh sĩ trước khi rút lui vào tháng 2/1989.
Mỹ cũng đã học được bài học cuộc chiến Afghanistan và Việt Nam trong cuộc chiến Iraq năm 1991. Trong cuộc chiến này, cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush đã từ chối tấn công vào Baghdad sau khi đánh bại đội quân của Iraq. Thay vào đó, ông đã dùng các lệnh trừng phạt kinh tế như đổi dầu lấy lương thực cũng như thành lập vùng cấm bay.
Tuy nhiên cuộc chiến chống khủng bố sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 đã thay đổi tất cả. Mỹ tiếp tục bị sa lầy trong cuộc chiến ở Iraq cũng như Afghanistan khi phải đối mặt với chiến lược du kích và tác chiến phi đối xứng tại 2 nước này.
Mỹ vẫn chưa có đối sách với Nga?
Tổng thống Barack Obama đã chiến thắng chiến dịch tranh cử bằng lời hứa chấm dứt 2 cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Cách tiếp cận của ông Obama đối với các cuộc chiến hầu hết là né tránh. Ở Libya, Mỹ để các đồng minh châu Âu dẫn đầu. Cuộc nội chiến Syria, ông Obama tiếp tục dùng Quốc hội Mỹ làm lá chắn để tránh can thiệp.
Tuy nhiên, hiện tại Mỹ và các đồng minh EU đang phải đối mặt với chiến lược bành trướng về phía tây không chính thức của Nga. Hiểu được bài học ở Việt Nam, Afghanistan và Iraq, Tổng thống Putin tiếp cận Ukraine một cách cẩn trọng: sử dụng các lực lượng không chính thức để sáp nhập Crimea cũng như gây bất ổn giữa cộng đồng nói tiếng Nga ở phía đông Ukraine với chính phủ lâm thời Kiev thay vì gây ra một cuộc chiến tổng lực. Tình trạng bất ổn ở miền đông nam Ukraine sẽ mở ra cơ hội cho Nga có thể xua quân can thiệp vào Ukraine khi có cơ hội thích hợp.
|
Lực lượng lính "lạ" ở Crimea được cho chính là binh sĩ Nga lột bỏ phù hiệu để giả làm lực lượng tự vệ.
|
Phương Tây và Mỹ vẫn chưa có các động thái đáp trả thích hợp. Hiện tại các lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn chỉ xoay quanh các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào một số lượng nhỏ người nga. Mỹ không muốn có một động thái quân sự. Điều này có thể khiến Ukraine hay các nước Liên Xô cũ sẽ rơi vào tay Nga. Tuy nhiên, phần lớn khả năng là Mỹ sẽ không thay đổi cách tiếp cận hiện tại. Theo đó, phương Tây chỉ sử dụng các lệnh trừng phạt thay vì các hành động quân sự.
Liệu các lệnh trừng phạt có gây ra hiệu quả đáng kể cho Nga. Điều này có thể kiểm chứng bằng tình cảnh các nước đang chịu các lệnh trừng phạt nặng nề như Cuba, Triều Tiên, Zimbabwe hay Iran.
Ngô Trang