Có tránh khỏi cuộc chiến đẫm máu IS-Taliban ở Afghanistan?

Google News

(Kiến Thức) - Phải chăng  vụ  phiến quân IS tấn công giết chết ít nhất 10 chiến binh Taliban là sự khởi đầu của một cuộc chiến đẫm máu lâu dài nhằm kiểm soát Afghanistan?  

Các phương tiện truyền thông Afghanistan đưa tin  ngày 3/6, phiến quân IS đã phục kích một đoàn xe  của Taliban ở tỉnh Nangarhar và chặt đầu một số người bị bắt.
Ông Abdul Hai Akhondzada, Phó Chủ nhiệm  Ủy ban An ninh quốc gia của Quốc hội Afghanistan,  nói với DW: “Cư dân địa phương và các quan chức an ninh khẳng định rằng phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đã giết chết 10-15 thành viên Taliban ở tỉnh Nangarhar". 
Co tranh khoi cuoc chien dam mau IS-Taliban o Afghanistan?
Taliban sẽ không dễ dàng bỏ cuộc ở Afghanistan.
Ông Akhondzada nói thêm:  "Taliban đã chiến đấu một thời gian dài ở Afghanistan và cảm thấy bị đe dọa bởi sự xuất hiện của Nhà nước Hồi giáo (IS). Tất nhiên, Taliban sẽ không dễ dàng bỏ cuộc".
Nhà nước Hồi giáo xâm nhập Trung Á và Afghanistan
Hồi  tháng 4/2015, một vụ đánh bom liều chết bên ngoài một ngân hàng ở thành phố Jalalabad, miền đông Afghanistan,  đã giết chết ít nhất 35 người. Trái ngược với những nghi ngờ ban đầu, cuộc tấn công liều chết này không do Taliban tiến hành và nhiều khả năng do phiến quân IS thực hiện.
Farid Bakhtwar, người đứng đầu Hội đồng tỉnh Farah miền tây Afghanistan, nói với Deutsche Welle (DW):  "Phiến quân IS đã hiện diện ở Afghanistan”.  Ông nói rằng Nhà nước Hồi giáo đã bắt đầu tuyển dụng các thành viên mới ở Afghanistan, trong đó có các cựu chiến binh Taliban.
Co tranh khoi cuoc chien dam mau IS-Taliban o Afghanistan?-Hinh-2
Phiến quân IS đã hiện diện ở Afghanistan.
Trong khi có tin nói một số lãnh đạo Taliban đã  gia nhập hàng ngũ phiến quân IS, Phong trào Taliban vẫn coi Nhà nước Hồi giáo là một tổ chức "bất hợp pháp" và từ chối liên minh với nhóm Hồi giáo cực đoan này.  Thủ lĩnh Taliban Mullah Mohammad Omar và thủ lĩnh  IS Abu Bakr al-Baghdadi đều tự xưng là Vua của thế giới Hồi giáo.  Mặc dù đều bị người Hồi giáo Sunni chi phối, mục tiêu chiến lược  của Nhà nước Hồi giáo và Taliban lại rất khác nhau.
Nhà nghiên cứu Nam Á Siegfried O. Wolf tại Đại học Heidelberg, cho rằng cuộc chiến IS-Taliban có thể  "cực kỳ nguy hiểm đối với Afghanistan và Pakistan”.  Ông  nói: "Một đánh giá thực tế về mục tiêu và chiến lược của Nhà nước Hồi giáo chỉ ra rằng IS sẽ sớm xâm nhập vào khu vực (Nam Á). Xét đến tầm quan trọng chiến lược của khu vực địa lý Afghanistan-Pakistan đối với  thánh chiến toàn cầu, IS đang lên kế hoạch có một chỗ đứng lâu dài ở Nam Á”.  
Nhưng ông Wolf cũng nói rằng thật ngây thơ khi nghĩ rằng Taliban sẽ dễ dàng bỏ cuộc ở Afghanistan: "Sẽ là ảo tưởng  khi cho rằng Taliban đang đối mặt với cuộc khủng hoảng hiện sinh do  sự hiện diện IS và đấu đá nội bộ.  Lịch sử đã cho thấy khả năng phục hồi kỳ lạ của Taliban”.
Có hay không khả năng liên minh IS-Taliban
Các chuyên gia đang cho rằng trong khi có thể có một số sự hợp tác giữa IS và Taliban, nhưng một liên minh IS-Taliban là khó có thể xảy ra.
Wahid Muzhda, một chuyên gia về Taliban ở Kabul, cho rằng trong khi một số nhóm Hồi giáo nhỏ ở Afghanistan có thể  tham gia IS, Nhà nước Hồi giáo Trung Đông sẽ phải đối mặt với những trở ngại về ý thức hệ trong việc tuyển mộ các chiến Afghanistan. Ông nói: “Nhà nước Hồi giáo và Taliban là rất khác nhau về ý thức hệ và văn hóa.  Chính vì vậy Trung Á tỏ ra hấp dẫn hơn đối với Nhà nước Hồi giáo. Một số nhóm cực đoan ở đó đã thể hiện sự sẵn sàng cùng IS lật đổ các chính phủ trong khu vực”.
Ông Muzhda nói rằng Nhà nước Hồi giáo đang cố gắng thiết lập một căn cứ ở tỉnh Badakhshan miền  bắc Afghanistan để có thể có xâm nhập vào các nước Trung Á. Ông nói tiếp: "Và đó là lý do vì sao cuộc chiến ở Afghanistan đã chuyển từ nam đến bắc, nơi Taliban đang cố gắng giành quyền kiểm soát khu vực này trước khi IS tiến vào”.
Minh Châu (Theo DW)
Minh Châu (Theo DW)