Iran muốn giải quyết vấn đề hạt nhân trong vài tháng

Google News

(Kiến Thức) - Chính phủ Iran quả quyết muốn đàm phán với các cường quốc và hy vọng đạt được thỏa thuận trong vòng 3-6 tháng để nhanh chóng giải quyết vấn đề hạt nhân.

 Iran kêu gọi lập tức đàm phán, sớm đạt thỏa thuận
 Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif lên kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng như các nhà ngoại giao đến từ Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức trong một cuộc gặp hiếm hoi giữa các quan chức hàng đầu Mỹ-Iran.
“Thời hạn càng ngắn, càng có lợi cho tất cả các bên. Iran chọn kỳ hạn đó là 3 tháng hoặc 6 tháng. Thời hạn chỉ được tính bằng tháng chứ không phải bằng năm”, tờ Washington Post dẫn lời Tổng thống  Iran Hassan Rouhani phát biểu tại New York về thời gian để giải quyết tranh chấp hạt nhân giữa Iran và phương Tây.
Trước đó, Ngoại trưởng Iran cũng bày tỏ kỳ vọng về một giải pháp nhanh chóng để giải quyết bế tắc hạt nhân Iran.
Khi được hỏi ông mong đợi gì từ cuộc họp ngày 26/9 với 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh, ông kỳ vọng “một bước tiến nhảy vọt tại các cuộc đàm phán... nhằm đạt được thỏa thuận trong thời gian sớm nhất có thể”.
Phát biểu sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Zarif nhấn mạnh: “Cộng hòa Hồi giáo Iran hiện có ý chí chính trị cũng như sự sẵn sàng để tham dự các cuộc đàm phán nghiêm túc và chúng tôi hy vọng, phía đối tác cũng như vậy”.
Iran đã đàm phán với nhóm P5 +1 kể từ năm 2006 về chương trình hạt nhân bị phương Tây nghi ngờ là nhằm phát triển vũ khí hạt nhân của nước này. Tehran nhiều lần khẳng định, chương trình hạt nhân của họ chỉ hướng tới các mục tiêu năng lượng dân sự hòa bình.
Hai phía cùng tìm kiếm sự nhượng bộ
 Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bắt tay với Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York hôm qua.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 24/9 thận trọng chấp nhận những lời đề nghị của Tổng thống Rouhani nhằm hướng tới một thỏa thuận hạt nhân tiềm năng. Song ông chủ Nhà Trắng vẫn ra yêu cầu ông Rouhani thực hiện các bước cụ thể để chứng tỏ thiện chí và quyết tâm giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran.
Iran cũng hy vọng sẽ thấy  hành động cụ thể, tích cực từ các cường quốc phương Tây bằng cách nới lỏng các biện pháp trừng phạt mà Liên Hợp Quốc, Liên minh Châu Âu và Mỹ áp đặt với nước này sau khi khước từ yêu cầu ngừng chương trình uranium.
Seyed Yahya Safavi, cố vấn quân sự cao cấp của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei của Iran tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Fars hôm qua rằng, Tehran muốn thấy những hành động cụ thể từ người Mỹ.
“Nếu họ nới lỏng các biện pháp trừng phạt dần dần và xây dựng lòng tin, (lúc đó), chúng ta có thể kỳ vọng", ông Safavi nhấn mạnh.
Cũng trong ngày 24/9, tại Liên Hợp Quốc, Tổng thống Iran Rouhani quả quyết, vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt khác "không có chỗ trong học thuyết quốc phòng và an ninh của Iran, đồng thời mâu thuẫn với niềm tin tôn giáo và đạo đức căn bản của chúng tôi”.
Các cuộc đàm phán hiếm hoi
Ngoại trưởng Mỹ Kerry cũng Ngoại trưởng Pháp Fabius, Ngoại trưởng Anh William Hague, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng như Ngoại trưởng Nga và Đức hôm nay cùng nhau tham dự cuộc họp hiếm hoi về vấn đề hạt nhân Iran. Có mặt trong cuộc họp còn có phụ trách Chính sách Đối ngoại của Liên minh Châu Âu Catherine Ashton.
Cuộc họp giữa ông Kerry và người đồng cấp Iran cũng được cho là xưa nay hiếm vì Mỹ đã không duy trì quan hệ ngoại giao với Iran kể từ năm 1980.
Tuy nhiên, bất chấp sự lạc quan từ những lời phát biểu mang tính hòa giải của tân Tổng thống Iran Rouhani, việc ông và Tổng thống Mỹ Obama không chào hỏi và bắt tay thân mật tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 24/9 được cho là dấu hiệu sự ngờ vực lẫn nhau vốn có giữa 2 bên sẽ khó lòng hóa giải.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki thận trọng phát biểu: “Chúng tôi kỳ vọng chính phủ mới của Iran sẽ chứng tỏ thiện chí bằng hành động chứ không chỉ lời nói họ đã chuẩn bị sẵn sàng để hợp tác nghiêm túc".
Mang mối hoài nghi sâu sắc, mạnh mẽ hơn là Israel với tuyên bố của Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng, Nhà nước Do thái sẽ không bị lừa bởi nhưng tuyên bố tiếp cận cộng đồng quốc tế của Tổng thống Hassan Rouhani và cả thế giới cũng sẽ như vậy.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, láng giềng của Iran nhấn mạnh sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy tiến bộ trong quan hệ với Iran.
"Hiện có một bầu không khí tích cực. Và chúng tôi muốn rằng bầu không khí này sẽ tiếp tục, không chỉ trong vấn đề hạt nhân mà còn trong những vấn đề khác. Tôi hy vọng Iran sẽ tiếp tục hợp tác mang tính xây dựng đối với các vấn đề khu vực, như vấn đề Syria. Đây là vấn đề rất quan trọng”, ông Ahmet Davutoglu tuyên bố.
Bạch Dương (Theo Reuters)