Sau khi một tàu đánh cá của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông vào ngày 26/5, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục leo thang. Mặc dù Việt Nam không là đồng minh của Mỹ như Nhật Bản hay Philippines, Washington vẫn lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam.
Khi được hỏi lập trường của Mỹ về căng thẳng Việt – Trung hiện nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki khẳng định rằng: “Những hành động khiêu khích chủ yếu xuất phát từ phía Trung Quốc”.
|
Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 càng khiến Việt Nam và Mỹ xích lại gần nhau. |
Trước đó, bà Psaki mô tả việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 (HD981) tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là “một kiểu hành động đơn phương của chính phủ Trung Quốc trong khu vực này”.
Mặc dù Mỹ giữ lập trường trung lập về các cuộc tranh chấp chủ quyền, những tuyên bố công khai của các quan chức nước này cho thấy, Washington không ủng hộ những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo giáo sư Carl Thayer thuộc ĐH New South Wales (Australia), có vẻ lựa chọn chiến lược của Việt Nam sẽ là tăng cường mối quan hệ với Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Ngày 20/5, Việt Nam tuyên bố gia nhập Sáng kiến chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI), một động thái được Mỹ hoan nghênh.
Mối quan hệ Việt - Mỹ được thắt chặt không chỉ bắt nguồn từ vụ việc giàn khoan trên Biển Đông hiện nay. Ngay từ khi chính quyền Obama bắt đầu chiến lược “Trục châu Á” – hay còn gọi là tái cân bằng ở châu Á, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có vị thế then chốt có thể giúp Mỹ hiện thực hóa chiến lược này. Khi bàn tới mối quan hệ song phương, Việt Nam và Mỹ vẫn luôn “tạm gác” vấn đề Biển Đông sang một bên. Cho tới tận chuyến thăm Việt Nam của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vào năm 2010, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển mới được Mỹ quan tâm.
|
Tàu USNS Safeguard (trái) và tàu USS John McCain (phải) trên cầu cảng ở Tiên Sa tháng 4/2014. |
Kể từ đó, quan chức hai bên thường xuyên tổ chức các cuộc hội đàm, thăm hỏi. Trong cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang tại Washington D.C hồi tháng Bảy năm ngoái, hai nhà lãnh đạo đã khẳng định mối quan hệ Việt - Mỹ là “đối tác toàn diện”. Chính phủ hai nước cũng cam kết sẽ tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và khẳng định lập trường ủng hộ giải pháp hòa bình và thông qua con đường thương lượng cho các cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển.
Hiện, về vấn đề Biển Đông, phía Mỹ thể hiện rõ quan điểm ủng hộ Việt Nam. Tuy nhiên, nếu căng thẳng Việt - Trung về Biển Đông tiếp leo thang xa hơn, liệu Mỹ sẽ can thiệp tới đâu?
Ngày 28/5, Tổng thống Mỹ Obama tại Học viện quân sự Mỹ ở West Point, New York đã gửi một thông điệp. Tổng thống Obama cho biết, Mỹ sẵn sàng phản ứng với các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và sẽ khiến Bắc Kinh phải có trách nhiệm trước quốc tế... "Trung Quốc phải có trách nghiệm trước quốc tế theo Quy định Quốc tế về việc Phòng ngừa Va chạm trên biển năm 1972 (Colregs)", ông Obama cho hay.
Thế nhưng, nhà phân tích Rory Medcalf viết trên tờ Interpreter rằng bài phát biểu này không nhằm tới châu Á. Thực chất, ông Obama muốn vẽ lên một “đường ranh giới” để Mỹ can thiệp quân sự ở nước ngoài. Ngoài ra, bài phát biểu của ông cũng giúp các quốc gia hiểu hơn về lập trường của Mỹ về các vấn đề ngoại giao quốc tế.
Một số nhà quan sát thậm chí còn cho rằng bài phát biểu này là học thuyết về ngoại giao của Mỹ trong bối cảnh quyền lực của Washington trên trường quốc tế đang gặp nhiều hạn chế.
|
Ông Obama phát biểu tại ĐH Quân sự West Point cho thấy Mỹ không sẵn sàng can thiệp quân sự vào Biển Đông. |
Đối với châu Á, bài phát biểu của ông Obama gửi một thông điệp đầy mâu thuẫn tới Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác về cái mà Mỹ vẫn gọi là “lợi ích cốt lõi”. Tổng thống Obama khẳng định rằng nước Mỹ sẽ chỉ dùng tới sức mạnh quân sự nếu các lợi ích cốt lõi bị tổn hại và Mỹ coi vấn đề an ninh của các đồng minh là một trong những lợi ích đó.
Nhưng ông Obama cũng không đề cập tới vấn đề đối phó với những hành động hung hăng hay nước lớn bắt nạt nước bé. Bài phát biểu của ông cũng gần như không “đả động” gì tới các vấn đề
an ninh nổi cộm của châu Á như Triều Tiên, lối hành xử quyết liệt của Trung Quốc hay nguy cơ đối đầu vũ trang giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng vì tranh chấp chủ quyền trên biển.
Tổng thống Mỹ cũng không nói rõ nước này sẽ giúp các quốc gia đối tác không phải đồng minh của Mỹ, như Việt Nam, ra sao trong trường hợp các nước này bị một quốc gia láng giềng hùng mạnh “chèn ép”.
Bài phát biểu trên của ông Obama cũng cho thấy Mỹ sẵn sàng hành động bảo vệ các đồng minh hiệp ước như Nhật Bản. Tuy nhiên, Mỹ cũng sẽ thận trọng để không đe dọa tiến hành chiến tranh về các vấn đề “đẩy thế giới vào tình thế nguy hiểm hơn dù không trực tiếp đe dọa tới nước Mỹ”.
Dựa theo bài phát biểu của ông Obama, có thể diễn giải chính sách của Mỹ về Biển Đông rằng, Washington sẽ tìm cách kết nối để các quốc gia đồng minh và đối tác của Mỹ phối hợp hành động và vũ lực là giải pháp cuối cùng và chỉ khi đó, phối hợp đa phương mới là điều cần thiết.
Bài phát biểu của ông Obama về vấn đề Biển Đông chứa đựng những quan điểm trái ngược và có thể coi ông đã thừa nhận sự yếu kém của Mỹ. Lập trường của Mỹ về tranh chấp hàng hải là giải quyết dựa theo thông lệ và luật phát quốc tế. Ông Obama nhấn mạnh rằng Washington ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á “thương lượng với Trung Quốc để ký kết một bộ quy tắc ứng xử trên biển (COC)”.
Điều đó không có ý nghĩa nhiều lắm đối với Đông Nam Á. Bất kỳ nhà ngoại giao châu Á nào cũng phải thừa nhận rằng COC là mục tiêu xa vời và 12 năm qua đã chứng minh điều đó: Trung Quốc sẽ tiếp tục trì hoãn ký kết cho tới khi nào nước này đạt được ý đồ đơn phương thay đổi hiện trạng trên Biển Đông.
Như vậy, với việc thừa nhận những hạn chế của Mỹ về quân sự, Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh tới những hạn chế về mặt ngoại giao của Mỹ trong quan hệ quốc tế.
Với những gì Tổng thống Obama trình bày trong bài phát biểu này, thật khó để các quốc gia như Việt Nam, Philippines và các nước nhỏ đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc có thể “trông cậy” vào Mỹ về các cuộc tranh chấp chủ quyền.
Tùng Lâm