Nói vô cùng sắc
Các hành động khiêu khích và xâm phậm chủ quyền Việt Nam tại biển Đông của Trung Quốc đã gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía Mỹ.
Về hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết: “Quyết định vận hành giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp là một hành động khiêu khích và không giúp ích cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Ngay sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo về việc tàu Trung Quốc cố ý đâm và dùng vòi rồng tấn công các tàu Việt Nam làm nhiệm vụ ở khu vực giàn khoan, bà Jen Psaki cũng lập tức lên tiếng trong buổi họp báo thường kỳ cho biết Mỹ “quan ngại” về cách “hành xử hăm dọa và gây nguy hiểm của Trung Quốc tại vùng biển này”.
Mỹ cũng kêu gọi “các bên kiềm chế, hành xử an toàn và giải quyết các tranh chấp thông qua giải pháp ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế”, bà Jen Psaki tuyên bố.
|
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. |
Trong động thái mới nhất, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thông báo với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị về việc Mỹ “rất lo ngại” về những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Ông John Kerry gọi hành động hạ đặt giàn khoan cũng như đưa các tàu đến khu vực bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông ngoài khơi Việt Nam là một hành động khiêu khích, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết.
Ông John Kerry cũng kêu gọi 2 bên giảm căng thẳng tình hình, đảm bảo các tàu trên biển hoạt động an toàn và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế
Cũng trong ngày 12/5, Ngoại trưởng Mỹ đã bày tỏ những lo ngại về các hành động "hung hăng" của Trung Quốc ở Biển Đông trong một cuộc họp báo tại Washington với người đồng cấp Singapore K. Shanmugam.
Đối đầu Trung Quốc chỉ là ảo tưởng
Tuy nhiều lần lên tiếng bày tỏ sự “quan ngại” trước các hành động “khiêu khích” của Trung Quốc, nhưng liệu Mỹ có động thái gì can thiệp giảm căng thẳng ở Biển Đông? Trong các tuyên bố của mình, các nhà ngoại giao Mỹ đều chỉ lên tiếng kêu gọi 2 bên kiềm chế thay vì có các hành động trực tiếp.
Dường như Mỹ đang tìm cách tránh va chạm trực tiếp với Trung Quốc tại Biển Đông, ngay cả khi để bảo vệ đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực này là Philippines.
|
Tàu ngầm Mỹ tại cảng Subic của Philippines năm 2012. |
Trong chuyến thăm của mình tới Philippines, ông Obama mặc dù ký thỏa thuận hợp tác quân sự kéo dài 10 năm với Philippines tăng cường sự hiện diện của Quân đội Mỹ tại quốc đảo này, nhưng vẫn cẩn thận cho biết thỏa thuận này không nhằm vào Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Obama cũng không đề cập đến việc sẽ bảo vệ Philippines trong tranh chấp của nước này với Trung Quốc tại Biển Đông mặc dù tuyên bố quyết tâm bảo vệ Philippines của Mỹ là "sắt thép".
Tờ Washington Post đã cho biết, các quan chức cấp cao của Mỹ đã bí mật thông báo trước với chính phủ Trung Quốc về kế hoạch của ông Obama trong chuyến công du châu Á. Tất cả các chi tiết trên cho thấy Mỹ không sẵn sàng có hành động quân sự với Trung Quốc khi xung đột xảy ra giữa Trung Quốc và Philippines.
Trả lời tờ VTC ngày 4/6/2012 về tranh chấp Bãi cạn Scarborough, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học, Bộ Công an cho biết: “Có lẽ những tranh chấp mang tính chủ quyền (ở Biển Đông –pv) thì Mỹ sẽ không đụng chạm vào. Yêu cầu tối thiểu của Mỹ là đảm bảo thông thương hàng hải quốc tế. Thái độ này của Mỹ là phù hợp với xu thế chung, xu thế không đảo ngược được: hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển”.
Quan điểm của Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng trùng hợp với quan điểm của ông Zhang Zhixin, người đứng đầu phân viện Nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc. Trong bài viết của mình đăng trên tờ China-US Focus, ông Zhang Zhixin cho biết: “Mặc dù Mỹ và Philippines đã ký hiệp định hợp tác quốc phòng, nhưng việc Mỹ có đứng ra để đối đầu với Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột tại khu vực bãi cạn Scarborough hay không thì còn phải xem xét”.
Như vậy, ngay cả việc liệu Mỹ có đối đầu với Trung Quốc vì một đồng minh như Philippines hay không cũng còn là điều phải cân nhắc thì việc Mỹ trực tiếp ra mặt vì Việt Nam vốn không có cam kết chính thức nào từ phía Mỹ trong tranh chấp với Trung Quốc, có lẽ là một điều viển vông. Nhất là khi Trung Quốc cũng chọn cách không động chạm trực tiếp tới quyền lợi của Mỹ.
Trong bài viết mới nhất đăng trên tờ The Diplomat, giáo sư Carl Thayer – giáo sư danh dự ĐH New South Wales cho biết, Trung Quốc đã rất khôn ngoan khi lựa chọn đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại lô 143 vì tại vị trí này, Trung Quốc không động chạm trực tiếp tới lợi ích của Mỹ.
Hãng dầu khí ExxonMobil của Mỹ đã hoạt động tại lô 119 từ năm 2011. Việc Trung Quốc chọn lô 143 sẽ không làm ảnh hưởng đến tuyên bố “thương mại hợp pháp không bị cản trở” của Mỹ. Ngoài ra, việc Mỹ can thiệp thiếu hiệu quả tại Ukraine và Syria càng làm cho Trung Quốc có thêm sự tự tin khai thác khoảng cách giữa lời nói và việc làm của chính phủ ông Obama trong chính sách tái cân bằng tại khu vực châu Á.
Giáo sư Carl Thayer còn cho rằng, Trung Quốc tiến hành vụ hạ đặt giàn khoan trái phép nhằm cho các nước thấy Mỹ chỉ còn là "con hổ giấy".
Lê Trang