Hậu quả tan băng trong quan hệ Nga và Ả-rập Xê-út

Google News

(Kiến Thức) - Sự tan băng trong quan hệ Nga và Ả-rập Xê-út có thể khiến cho Mỹ lo ngại, nhưng lại góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài ở Trung Đông.

Đó là nhận định của nhà phân tích Emma Ashford của Viện Cato, trong một bài viết đăng trên tạp chí Mỹ The National Interest.
Hau qua tan bang trong quan he Nga va A-rap Xe-ut
Ông Vladimir Putin trong chuyến thăm Ả-rập Xê-út năm 2007.
Phó Thái tử kế vị Mohammed bin Salman của Ả-rập Xê-út đã thực hiện một chuyến đi đột xuất đến Nga, gặp gỡ Tổng thống Putin bên lề Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg. Việc Phó Thái tử kế vị Mohammed bin Salman chuyển lời của Quốc vương Ả-rập Xê-út mời Tổng thống Putin sang thăm làm tăng thêm những đồn đoán rằng sau nhiều năm băng giá, quan hệ giữa Nga và Ả-rập Xê-út cuối cùng cũng đã được cải thiện.
Theo nhà phân tích Emma Ashford, sự tan băng trong quan hệ Nga và Ả-rập Xê-út là tin tốt lành. Mặc dù mối quan hệ được cải thiện giữa Nga và Ả-rập Xê-út có thể khiến cho Mỹ quan ngại, nhưng đây có thể là chìa khóa dẫn đến  hòa bìnhTrung Đông.
Cuộc gặp giữa Phó Thái tử kế vị Mohammed bin Salman và Tổng thống Putin đã dẫn đến 6 thỏa thuận về các vấn đề năng lượng hạt nhân dân dụng và sản xuất năng lượng. Thông báo về các thỏa thuận này xem ra còn khá mơ hồ và các chi tiết cuối cùng chỉ có thể được thông báo trong chuyến thăm Ả-rập Xê-út sắp tới của Tổng thống Putin. Các lĩnh vực có thể hợp tác khác giữa hai nước bao gồm nghiên cứu không gian vũ trụ, phát triển cơ sở hạ tầng và thương mại. Tất cả những sự hợp tác này sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế Nga.
Saudi TV đưa tin Ả-rập Xê-út có thể đặt mua của Nga tới 16 lò phản ứng điện hạt nhân dân dụng. Nếu tin này là chính xác, thì đây sẽ là một thỏa thuận vô cùng có lợi cho cả hai bên: Rosatom sẽ nhận được một hợp đồng béo bở và kho bạc của chính phủ Nga sẽ rủng rỉnh tiền, trong khi Ả-rập Xê-út sẽ có thể xuất khẩu một khối lượng lớn dầu khí hiện đang được sử dụng để đáp ứng nhu cầu năng lượng cao ở trong nước.
Sự hợp tác ngày càng tăng giữa Ả-rập Xê-út và Nga chắc chắn sẽ khiến cho Mỹ quan ngại chủ yếu là do chúng giúp Nga giảm nhẹ mức độ trừng phạt của phương Tây. Cũng giống như những thỏa thuận thương mại, năng lượng và tài chính với Trung Quốc hoặc liên doanh thăm dò dầu với Statoil của Na Uy, việc tăng cường hợp tác với Ả-rập Xê-út sẽ giúp Nga có nguồn thu nhập để bù đắp cho những thiệt hại mà các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh Châu Âu gây ra.
Sự tăng cường hợp tác giữa Nga và Ả-rập Xê-út có khả năng mang lại lợi ích cho Trung Đông. Hai nước này có quan hệ ngoại giao hạn chế kể từ khi cuộc xung đột ở Syria bùng phát. Nga hỗ trợ mạnh mẽ cho chế độ Assad, trong khi Ả-rập Xê-út lại cung cấp tiền bạc và vũ khí cho quân nổi dậy để lật đổ chế độ này.
Gần đây, Nga cũng đã mâu thuẫn với các nước Ả-rập và phương Tây trong cách tiếp cận cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Yemen. Nga đã  nhiều lần kêu gọi đàm phán hòa bình và ngừng bắn nhân đạo. Mối quan hệ truyền thống chặt chẽ của Nga với Iran cũng khiến cho quan hệ với Ả-rập Xê-út trở nên lạnh nhạt.  Nga ủng hộ một thỏa thuận hạt nhân với Iran, trong khi Ả-rập Xê-út cực lực phản đối.
Tuy nhiên sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Nga và Ả-rập Xê-út sẽ tạo điều kiện giao tiếp tốt hơn và hiệu quả hơn trong các cuộc đàm phán về các vấn đề quan trọng như Syria, Yemen và phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Mặc dù mối quan hệ được cải thiện sẽ không tự động triệt tiêu những bất đồng quan điểm giữa Nga và Ả-rập Xê-út, các cuộc đàm phán ngoại giao cấp cao thường xuyên hơn về những vấn đề này sẽ rất hữu ích.
Mặc dù cuộc gặp tuần trước ở St. Petersburg tập trung chủ yếu vào các vấn đề thương mại, nhưng hai nhà lãnh đạo Putin-Mohammed bin Salman cũng đã thảo luận về các vấn đề khác, bao gồm cả Yemen và các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra tại Geneva.
Chuyến thăm Ả-rập Xê-út sắp tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ mang lại cơ hội tập trung vào các vấn đề an ninh. Các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ả-rập Xê-út sẽ giảm bớt gánh nặng can thiệp cho Mỹ và làm gia tăng cơ hội hợp tác giữa các bên về giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài ở Trung Đông.
Minh Châu (Theo The National Interest)