|
Dường như đã có một thỏa thuận ngầm Nga-Mỹ về vũ khí hóa học ở Syria.
|
Giữa lúc kịch bản về một cuộc can thiệp quân sự lên đến cao trào thì Nga bất ngờ đưa ra sáng kiến đặt kho vũ khí của chế độ Assad dưới sự kiểm soát của quốc tế, một đề xuất được Tổng thống Obama nhanh chóng chấp nhận.
Chính phủ Syria cũng đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội này để tránh bị tấn công và đồng ý với đề xuất của Nga. Giới ngoại giao phương Tây, sau một hồi suy tính thận trọng, đều tỏ ý tán thành với giải pháp của Nga. Một sự kiện hiếm thấy khi đề nghị của Nga, một đồng minh từ trước đến nay vẫn tìm cách che chắn cho Damascus, lại nhanh chóng đạt được sự tán đồng gần như toàn bộ cộng đồng quốc tế: từ Trung Quốc, Iran, Liên minh Châu Âu cho đến Mỹ.
Tối qua 10/9, Tổng thống Obama đã đẩy lùi khả năng mở chiến dịch quân sự nhắm vào Syria, cùng lúc Thượng viện Mỹ cũng thông báo hoãn vô thời hạn việc bỏ phiếu cho phép chính phủ sử dụng vũ lực như dự kiến. Như vậy là một giải pháp ngoại giao cho vấn đề nóng bỏng Syria đã hình thành, cho dù chưa ai biết kết quả của nó sẽ đi tới đâu.
Theo giới quan sát, sáng kiến của Nga đã phác họa một lối thoát cho chính quyền Obama nhiều hơn là một giải pháp cho vấn đề Syria. Chuyên gia François Géré, giám đốc Viện phân tích chiến lược Pháp (Ifas), nhận định trên báo Le Point rằng đề xuất mới của Moscow đã giúp cho Barack Obama thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn “đánh hay không đánh” Syria.
Trước chuyển biến nhanh chóng về Syria như vậy, giới quan sát nghi ngờ có một thỏa hiệp ngầm giữa Washington và Moscow. Theo báo New York Times, đề xuất của Moscow thực ra đã được thảo luận từ trước giữa Nga và Mỹ.
Trong cuộc họp báo tại London hôm 9/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tuyên bố: Nếu chế độ Syria để quốc tế kiểm soát kho vũ khí hóa học thì các cuộc tấn công có thể sẽ không xảy ra. Ngay sau đó, Nga “cụ thể hóa” ý tưởng của ông Kerry bằng sáng kiến đột phá “đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế”.
Một quan chức của chính quyền Mỹ tiết lộ với AFP: “Thông báo của Nga là kết quả của nhiều tháng họp hành trao đổi giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Putin, giữa Ngoại trưởng John Kerry và người đồng cấp Serguei Lavrov, về vai trò của Nga trong việc vô hiệu hóa kho vũ khí hóa học của Syria”. Quan chức này cũng cho biết thêm tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Saint-Petersburg vừa qua, Tổng thống Putin đã “ một lần nữa đề cập đến sáng kiến này” và “Tổng thống Obama đã đánh giá đó có thể là một hướng hợp tác”.
Ngay từ hôm 1/9, nhật báo Haaretz cũng đã tiên liệu khả năng này. Dẫn nguồn tin kín trong giới ngoại giao phương Tây, tờ báo Israel cho biết kế hoạch của Obama là: Đề nghị bỏ phiếu ở Quốc hội để “câu giờ” khi đang thương lượng với Nga về một giải pháp kiểm soát kho vũ khí hóa học của Assad.
Kịch bản đó lúc này đang hiện rõ trong sáng kiến mà Nga vừa đưa ra và nó đã nhanh chóng dàn xếp được hai điểm quan trọng: Washington không còn phải bắt buộc sử dụng đến chiến dịch quân sự vốn đang bị dư luận phản đối và Moscow thì được thêm thanh thế của một cường quốc đồng thời vẫn bảo vệ được đồng minh Assad trước nguy cơ bị tấn công quân sự.
Để khỏi rơi vào cái bẫy khi hùng hồn tuyên bố sẵn sàng mở chiến dịch quân sự chống Syria, lần này Paris “đá quả bóng sang sân” Hội đồng Bảo an bằng một nghị quyết về Syria.
Ngoài nội dung kiểm soát kho vũ khí hóa học của Syria, đặt điều kiện trừng phạt bằng vũ lực nếu Damas không tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ quốc tế, nghị quyết của Pháp đòi Damas đưa ra Tòa án quốc tế những kẻ chịu trách nhiệm trong vụ thảm sát bằng vũ khí hóa học hôm 21/8. Chẳng có gì ngạc nhiên, khi Nga ngay lập tức Nga đã bác bỏ nghị quyết này trong phiên họp 10/9 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Văn Bình