Ông giải thích thế nào về việc khủng hoảng chính trị thường xuyên xảy ra tại Thái Lan?
Bernard Fomoso: Cuộc khủng hoảng này kéo dài, ít ra, là từ sau cuộc đảo chính năm 2006, khi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ. Tuy nhiên, nguy cơ khủng hoảng đã âm ỉ từ trước đó. Vấn đề cốt lõi mà Thái Lan phải đương đầu là tình trạng lưỡng cực quyền lực. Đây là một vấn đề tương đối mới. Sau Đại chiến Thế giới thứ hai, quyền lực của quân đội chuyển dần về phía Hoàng Cung. Vị vua hiện nay đã tạo dựng cho mình một vai trò chính trị, trái ngược với những đặc quyền chính thức như đã được xác định trong việc thiết lập chế độ quân chủ lập hiến năm 1932.
Nhà vua, người trị vì đất nước từ năm 1950, trong một thời gian dài, được quân đội bảo trợ. Ông đã từng bước củng cố tiềm năng kinh tế, nếu không phải là trực tiếp của Hoàng Gia, thì ít ra là của Văn phòng Tài sản Hoàng Gia. Văn phòng này nắm đa số vốn của một trong những ngân hàng quốc gia lớn và của một trong những doanh nghiệp xây dựng chủ chốt của Thái Lan. Đây là một khối tài sản lớn. Trong vòng 20 đến 30 năm, Nhà Vua đã sử dụng số tiền này vào các "công trình" của ông, có nghĩa là ông nắm giữ độc quyền sự phát triển nông thôn, giúp đỡ cho các bộ tộc ở phía bắc hoặc ở các vùng nông thôn.
Tất cả những hoạt động này đều nhằm mục đích chính trị. Ông đã tạo dựng ra hình ảnh một Nhà Vua nhân từ dưới ô dù của giới quân sự. Sau phong trào sinh viên những năm 1970 và một cuộc đảo chính mới, Nhà Vua thiết lập một dạng thể chế bán dân chủ, một nền dân chủ có bảo trợ. Ông lựa chọn lập trường "đứng trên chính trị", nhưng đồng thời vẫn điều khiển chính trị ở hậu trường.
Cho dù không bao giờ được khẳng định, nhưng Nhà Vua nắm lại được những quyền lực chính trị vốn đã bị mất vào năm 1932. Cần phải đặt vấn đề này trong cơ cấu xã hội của các nước châu Á, nơi mà tư tưởng phe phái và các trật tự trên dưới đã ăn sâu trong cuộc sống tập thể của từng cá nhân.
Bản thân Nhà vua cũng đã tạo dựng cho riêng mình những cơ cấu phụ thuộc, theo mô hình kim tự tháp, bao gồm các giảng sư đại học, doanh nhân, quan chức cao cấp, thẩm phán, giới tướng lãnh.
Những doanh nhân, như Thaksin Shinawatra, làm thế nào mà họ tham gia vào chính trị được?
Bernard Formoso: Với sự phát triển của Thái Lan trong những năm 1980, nhiều doanh nhân đã chuyển từ chủ nghĩa tư bản gia đình sang chủ nghĩa tư bản hội nhập vào các mạng lưới xã hội chung. Xuất phát từ đó, đồng thời khai thác các kết cấu phe phái, họ tích tụ được những khối tài sản khổng lồ, đến mức thoát ra khỏi sự bảo trợ của quân đội và trở thành một cực riêng rẽ. Thaksin là hình mẫu tiêu biểu. Giới tướng lãnh, từ những năm 1990, bị đẩy ra khỏi đời sống chính trị, đã bám vào hình ảnh Nhà Vua, nhằm giữ lại một phần ảnh hưởng đối với các vấn đề chính trị.
|
Người biểu tình đổ xuống đường phố với quyết tâm lật đổ Thủ tướng Thái.
|
Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 đóng vai trò gì?
Bernard Formoso: Cuộc khủng hoảng làm cho mọi việc quay lại từ đầu. Vào lúc này, Nhà Vua mong muốn củng cố hệ thống để chấm dứt các cuộc đảo chính triền miên. Về khía cạnh này, Hiến pháp năm 1997 có một điều mới mẻ: Tại mỗi tỉnh, một dạng hội đồng lập hiến được thành lập. Hiến pháp thiết lập các cuộc bầu cử rất dân chủ nhằm xóa bỏ cơ chế phe phái. Điều này đã cho phép người dân ở nông thôn thức tỉnh về chính trị.
Thaksin đã hiểu rõ những thách thức này. Ông ta đã đưa ra những đề xuất cho phép có được sự ủng hộ ở cấp cơ sở khi bầu cử như lập quỹ đầu tư cho nông thôn, hệ thống bảo hiểm xã hội phổ quát…. Do vậy, lần đầu tiên, một chính đảng đã được đông đảo người dân bỏ phiếu bầu và không cần đến các đảng phái khác để lãnh đạo. Ông ta đã giữ lời hứa và nông dân, trước đó vốn bị đối xử tệ bạc, có cảm giác là người ta quan tâm đến họ. Đó là chưa kể đến việc đời sống của nông dân được nâng cao.
Hiện nay, những người biểu tình của phe đối lập vẫn duy trì thái độ khinh bỉ đối với tầng lớp nông dân, những người mà do không được hưởng giáo dục, dường như không sẵn sàng ủng hộ nền dân chủ. Những người biểu tình thuộc phe đối lập không biết đến những gì xảy ra ở nông thôn. Những người nông dân, cơ sở của phe Áo Đỏ, đã bỏ phiếu cho ông Thaksin để ủng hộ và bày tỏ lòng biết ơn. Đó là một liên minh giữa hai thành tố trái ngược nhau, giữa một nhà đại tư bản và người dân nông thôn.
Ông Thaksin không phải là một người nhân từ tốt bụng. Đó là một nhà tư bản thiết lập mạng lưới quan hệ với các doanh nghiệp, cũng như với Hoàng Gia, qua những người môi giới của Hoàng tử. Ông trở thành một yếu tố nguy hiểm khi tạo dựng cực quyền lực riêng cho mình. Cảm thấy bắt đầu không được ủng hộ, Thaksin chơi trò khiêu khích, nói lấp lửng về việc xem xét lại chế độ quân chủ. Điều này giải thích vì sao có các cuộc biểu tình của những người Áo Vàng và cuộc đảo chính năm 2006. Tình trạng lưỡng cực quyền lực này đã gây bế tắc toàn bộ đời sống chính trị Thái Lan.
Liệu chế độ quân chủ có cảm thấy bị đe dọa thực sự hay không?
Bernard Mormoso: Có chứ. Nhất là Nhà Vua năm nay 86 tuổi lại rất đau ốm. Ông đã trị vì 63 năm và khi ông qua đời, người con trai rất mất lòng dân, năm nay 61 tuổi, sẽ không có đủ thời gian để tạo dựng cho mình uy thế của một nhà quân chủ có tầm cỡ.
Vậy làm thế nào để thoát ra khỏi sự bế tắc thể chế này?
Bernard Formoso: Hai phe đang trừng trừng thăm dò nhau. Năm 2006, sau cuộc đảo chính, quân đội đã tìm cách tái cân bằng quyền lực, có lợi cho chế độ quân chủ, cho dù tại Thái Lan, tất cả mọi người đều bảo hoàng. Sự lựa chọn ở đây là một bên là nền dân chủ được bảo trợ bởi Cơ mật viện Hoàng Gia và bên kia là một nền dân chủ dựa trên chế độ nghị viện.
Cho đến lúc này, tình hình bị bế tắc vì hai cực quyền lực đều nắm giữ được một bộ phận dân chúng. Các tầng lớp tinh tú gần gũi Hoàng Gia, không nắm bắt được những mong đợi của dân chúng, không muốn từ bỏ khả năng can thiệp vào trò chơi dân chủ này.
Chừng nào Thái Lan còn ở trong lô gích này, nền dân chủ của Thái Lan sẽ vẫn chỉ ở trong giai đoạn thử nghiệm. Từ nhiều thập niên qua, người ta vẫn đang tìm kiếm một nền dân chủ. Thái Lan có niềm tự hào lớn là chưa bao giờ bị đô hộ, bị biến thành một thuộc địa và đang tìm cách sáng tạo ra mô hình của mình, một nền dân chủ thuần túy Thái Lan.
Hoàng Hoa (theo RFI)