Sau những thiệt hại nặng nề của cơn bão Haiyan tàn phá, Philippine đang là tâm điểm của các viện trợ quốc tế. Liên Hiệp Quốc đã ngay lập tức tung ra gói hỗ trợ 25 triệu đô từ một quỹ khẩn cấp còn Mỹ, một đồng minh thân thiết của Philippines, đã tuyên bố viện trợ nhân đạo 20 triệu USD cho Phippines.
Ngoài ra, Mỹ cũng điều tàu sân bay hạt nhân USS George Washington, chở 5.000 thủy thủ và hơn 80 máy bay, cùng 4 tàu chiến khác và các lính thủy quân lục chiến tới Philippines. Anh cũng điều một tàu chiến, một máy bay vận tải và cam kết viện trợ 16 triệu USD cho Philippines. Vatican trợ giúp 4 triệu cho Philippines, trong khi Nhật Bản viện trợ 10 triệu USD và New Zealand viện trợ 1,7 triệu USD.
|
Các tổ chức nhân đạo quốc tế đang dốc sức giúp đỡ người dân Philippines trong khi Trung Quốc lại thờ ơ |
Ấy vậy một người khổng lồ khác trong khu vực, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã làm gì? Đáp lại những viện trợ của các nước lớn, các nhà chức trách Trung Quốc công bố gói viện trợ nhân đạo ít ỏi trị giá 100.000USD cho Manila, đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn trên các diễn đàn báo chí thế giới. Đôi vai lạnh giá của Bắc Kinh chìa ra cho Manila phải chăng phản ánh đúng thực trạng cô lập về ngoại giao của hai nước. Trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã có cuộc gặp với 10 đối tác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ngoại trừ Philippines.
Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham là tâm điểm tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc kể từ tháng 4 năm ngoái. Tại đây, thường hay chứng kiến các vụ va chạm giữa hải giám Trung Quốc với tàu bè của Phillipines do cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền với bãi cạn không người sinh sống này. Vụ việc bắt đầu khi thủy thủ Philippines lên một tàu đánh cá Trung Quốc khi phát hiện ra một tàu Trung Quốc xâm nhập vào khu đặc quyền kinh tế của mình.
Cuộc đụng độ đã cho thấy sự yếu thế về mặt hải quân của Philippines. Phản ứng lại vấn đề này, Manila đã thể hiện muốn nâng cấp hợp tác quân sự với Washington. “Chúng tôi sẵn sàng khai thác mọi nguồn lực, kêu gọi tất cả các liên minh để làm những việc cần thiết”. Ngoại trưởng Philippines Alber Del Rosario nói vào tháng Tám. Chính phủ Philippine cũng tìm mua các loại tàu chiến cũ để củng cố cho hạm đội hải quân của mình. Nhưng những động thái này không làm giảm đi những thách thức của Trung Quốc. Bắc Kinh đang tự hào khi có một hạm đội hải quân hiện đại. Cũng trong tháng Tám, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đi thị sát tàu sân bay đầu tiên của nước này và Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn nhấn nhá thêm “chắc chắn có nhiều hơn trong tương lai”.
Nhưng nếu trên biển Manila gặp phải bất lợi sâu sắc về tương quan lực lượng thì nước này đã tìm ra một phương pháp khác nhằm lấy lại “công bằng” bằng cách nộp đơn kiện lên tòa án quốc tế. Tháng Giêng năm 2013, Ngoại trưởng Del Rosario cũng cho biết Manila đã thông báo cho đại sứ Bắc Kinh về quyết định đưa Trung Quốc ra tòa án phân xử theo Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc, được cả 2 nước ký năm 1982. Bắc Kinh đã giận dữ bác bỏ yêu cầu bồi thường và tuyên bố sẽ không tham gia trong bất kỳ trường hợp nào và nhấn mạnh "chủ quyền không thể tranh cãi" của mình trong khu vực.
Theo Ngoại trưởng Philippines, trong bản đệ trình, Philippines cho biết cái gọi là “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh, vẽ tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, trong đó có cả vùng biển, đảo nằm sát bờ biển các nước láng giềng, là bất hợp pháp. Bản đệ trình cũng kêu gọi Trung Quốc “rút lại các hoạt động phi pháp, vi phạm quyền tối cao và tài phán của Philippines theo Công ước 1982 UNCLOS”, ông cho biết thêm. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của các nước gồm Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Trong suốt 2 năm qua Trung Quốc đã gia tăng hoạt động nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của mình ở vùng biển được cho là giàu dầu lửa và khí đốt này.
Một số nhà phân tích trong khu vực coi "hành động dũng cảm" của Manila không khác gì trò chơi thả xúc sắc đầy may rủi trong chính trị và luật pháp và “đi xa hơn những gì mà các nước nó thường hành xử trong quan hệ với các nước lớn”. “Bước đi của Manila là hành động bất thường và mang tính kỹ thuật cao, nhất là khi được thực hiện mà không có sự đồng thuận hay bàn bạc trước với Trung Quốc”, một chuyên gia luật pháp quốc tế nói.
|
Tranh chấp trên bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines vào tháng 4/2013 |
Không ai dám chắc là sẽ có một tòa án được lập ra theo quy định Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS). Ngay cả khi một tòa án như thế được lập ra thì cũng chưa chắc sẽ có thể sớm hoàn tất tiến trình xét xử để đi tới phán xét cuối cùng.
Trước đơn kiện của Philippines, Trung Quốc từ chối tham dự phiên tòa quốc tế này và Philippines đã yêu cầu Chánh án Tòa án LHQ về Luật biển (ITLOS) Shunji Yanai chỉ định “trọng tài viên” đại diện cho Trung Quốc. Theo Bộ Ngoại giao Philippines, Manila đã chỉ định một Giáo sư về luật quốc tế người Đức và nếu 3 trọng tài viên còn lại được chỉ định, quá trình xét xử sẽ được tiến hành mà không cần đến sự có mặt của Trung Quốc. Theo luật sư Reichler, luật sư chính sẽ giúp Manila kiện Bắc Kinh về những tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông cho rằng, ngay cả khi Bắc Kinh từ chối tham gia, vụ kiện sẽ vẫn được tiến hành. Vụ kiện có thể dời sang cuối năm 2014 và kéo dài đến 5 năm
Đây không phải lần đầu tiên một cường quốc từ chối tham gia vào tiến trình pháp lý của một vụ kiện quốc tế. Một ví dụ là vào năm 1984, Nicaragua đã kiện Mỹ lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ). Mỹ đã từ chối tham gia vào quá trình xét xử sau khi ICJ bác bỏ tuyên bố của Mỹ rằng, tòa án này thiếu thẩm quyền xét xử vụ việc. Sau đó thông qua Hội đồng Bảo an, Mỹ phong tỏa việc thực thi phán xét của tòa và Nicaragua không nhận được khoản đền bù nào từ Mỹ.
Trung Quốc ký UNCLOS năm 1994 nhưng không tham gia tiến trình xét xử liên quan đến các hoạt động quân sự và tranh chấp tại các vùng nước lịch sử. Chính quan điểm này của Trung Quốc và cả việc nước này bác bỏ vai trò của Tòa án Công lý Quốc tế trong việc giải quyết những tranh chấp về chủ quyền, đã khiến các tranh chấp chủ quyền trong khu vực luôn trong tình trạng bùng nhùng, bế tắc. Nó cũng tạo kẽ hở cho Bắc Kinh đẩy mạnh tham vọng chiếm giữ Biển Đông thông qua chiến thuật “lấy mạnh hiếp yếu” và “chia để trị”.
Quay trở lại với vấn đề nhân đạo sau cơn bão Haiyan, sau khi được khá nhiều lời “mỉa mai” về khoản viện trợ khiêm tốn 100.000 USD, thì mới đây Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đã thông báo Trung Quốc sẽ cấp thêm 10 triệu nhân dân tệ (1,6 triệu USD) cho các nỗ lực cứu trợ dưới dạng chăn màn, lều bạt và các đồ dùng khác.
Hay hôm qua (15/11), theo tờ Global Times, Trung Quốc cần phải gửi các tàu chiến đến Philippines trong khuôn khổ hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng siêu bão ở nước này. Điều này sẽ cho phép cân bằng phần nào những ảnh hưởng ngày càng tăng của Mỹ và Nhật Bản, vốn đang tích cực tham gia các hoạt động cứu trợ tại Philippines với việc sử dụng tàu của lực lượng hải quân.
Tờ báo này cũng lưu ý rằng, Trung Quốc có thể gửi đến Philippines bệnh viện nổi Peace Ark cùng với những tàu khác hộ tống nếu như Manila coi sự hiện diện của tàu sân bay Trung quốc Liêu Ninh ở gần bờ biển của mình là “quá sớm và nhạy cảm”.
Mặc dù vậy, hình ảnh của một siêu cường thứ hai thế giới đã ít nhiều méo mó trong mắt dư luận quốc tế và thể hiện sự thiển cận của chính quyền Bắc Kinh. Hơn thế nữa, việc gửi tàu chiến đến Philippines cũng đang cho thấy đâu phải thực lòng, mà cũng chỉ là muốn cân bằng sự hiện diện của quân đội với Mỹ, Nhật ở đất nước này mà thôi...
Bình Nguyên