|
Người sống sót ở tỉnh Leyte, Philippines đi qua đống đổ nát sau siêu bão Haiyan.
|
Cụ thể, phái đoàn Philippines tại các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc vừa đổ lỗi cho tình trạng biến đổi khí hậu đã gây ra siêu bão kinh hoàng, giết chết ít nhất 10.000 người tại nước này cuối tuần qua.
“Thật tồi tệ khi những gì đất nước chúng tôi phải hứng chịu là kết quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Chúng ta có thể khắc phục chuyện này, có thể ngăn chặn tình trạng tồi tệ này. Ngay bây giờ, ngay tại đây. Khoa học nói cho chúng ta biết rằng, việc này không khó. Biến đổi khí hậu khiến những cơn bão nhiệt đới ngày càng dữ dội hơn”, ông Yeb Sano thuộc phái đoàn Philippines tham dự các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu tại Liên Hiệp Quốc tuyên bố. Gia đình ông Yeb Sano cũng sống ở một trong những khu vực bị siêu bão tàn phá nặng nề nhất, thành phố Tacloban.
Tiếp đó, ông Yeb Sano mạnh mẽ yêu cầu những ai “còn hoài nghi về thực tế này” hãy rời khỏi “các tháp ngà của họ” và tới thăm thành phố quê hương ông, cũng như những khu vực ở Philippines được xem là tuyến đầu của tình trạng thay đổi khí hậu để thấy rõ điều đó.
Tuy nhiên, các chuyên gia khí hậu và khí tượng học bác bỏ quan điểm trên và nhấn mạnh, không thể nhất quyết đổ lỗi cho biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra siêu bão Haiyan cũng như các siêu bão khủng khiếp tàn phá Philippines.
“Tác động của biến đổi khí hậu đối với các cơn bão nhiệt đới rất khó để xác định và đo lường, đặc biệt là trên từng trường hợp riêng biệt – thậm chí toàn bộ mùa bão. Chúng ta phải kiên nhẫn trong việc xác định các siêu bão là hậu quả của biến đổi khí hậu hay chỉ là hiện tượng thời tiết bình thường. Kết quả xác định điều đó không thể có được trước cuối thế kỷ này”, ông Julian Heming, một nhà khoa học dự báo bão nhiệt đới nhấn mạnh.
Nhà khoa học này cũng giải thích thêm rằng, 2005 được cho là năm có “mùa bão dữ dội đột biến” với các siêu bão xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn bao giờ hết bao gồm Katrina, Rita và Wilma.
Nhưng sau mùa bão này, tần số hình thành cuả những siêu bão mạnh như vậy đã giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm. Ông Heming nhấn mạnh, năm nay ở Đại Tây Dương đặc biệt yên tĩnh và được cho là đang ở trong giai đoạn yên tĩnh nhất lịch sử. Trong khi đó, ở Bắc bán cầu, số lượng các cơ bão là chỉ bằng 75% những gì thường xảy ra ở thời điểm này trong năm. Sự đột biến về hoạt động của các cơn bão chỉ diễn ra ở phía tây Thái Bình Dương vào tháng cuối cùng của mùa bão.
Bob Ward, làm việc tại Viện Nghiên cứu Grantham về biến đổi khí hậu và môi trường cũng đồng tình rằng, không thể hoàn toàn đổ lỗi cho biến đổi khí hậu cho các trường hợp cụ thể như siêu bão Haiyan.
“Tuy nhiên, thực tế, biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân khiến các cơn bão trở nên dữ dội hơn. Mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới hoạt động bão cụ thể như thế nào, chúng tôi vẫn chưa dám chắc. Chỉ có thể dám chắc rằng, các cơn bão sẽ giảm về số lượng nhưng tăng về cường độ. Sự nóng lên toàn cầu đang làm tăng nhiệt độ của nước biển. Nước biển ngày càng ấm, các cơn bão ngày càng dữ dội hơn”, ông Bob Ward nhấn mạnh.
Bạch Dương