Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cho rằng việc Đức lần đầu tiên tham dự đối thoại Shangri-La là cơ hội tốt để chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe và học hỏi.
Theo bà Layen, tuy thách thức an ninh ở châu Âu và châu Á là khác nhau nhưng có điểm chung là đều phải đối mặt với thách thức khủng bố toàn cầu và tranh chấp lãnh thổ. Bà khẳng định "để hợp tác thành công và tạo thành khối thống nhất, cần phải dựa trên bốn trụ cột là lòng tin, sự minh bạch, cấu trúc an ninh và các bên cùng có lợi bất kể đó là nước nhỏ hay nước lớn."
Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee cho biết chính phủ nước này luôn coi trọng sự ổn định, hòa bình và phồn vinh của khu vực. Trên cơ sở đó, New Zealand mong muốn được tham gia mạnh mẽ hơn vào cấu trúc an ninh khu vực thông qua đối thoại các cấp, song phương và đa phương.
|
Các đại biểu quốc phòng tham dự ngày thảo luận cuối cùng. Ảnh: TTXVN. |
Liên quan đến tình hình căng thẳng trên Biển Đông, ông Brownlee cho biết New Zealand sẽ cùng với các nước liên quan tìm kiếm cách thức xử lý tranh chấp tại khu vực này.
Ông Brownlee nêu rõ: "Biển Đông là một trong những tuyến giao thông hàng hải, hàng không nhộn nhịp nhất trên thế giới và một nửa thương mại của New Zealand là qua đây. Vì vậy, sự tăng cường minh bạch là rất quan trọng khi các hoạt động gia tăng quân sự đang phổ biến ở khu vực. Mặt khác, các nước cũng cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển."
Cũng trong phiên thảo luận này, giới học giả và các chuyên gia đều dành sự quan tâm đặc biệt tới bài phát biểu của Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Tôn Kiến Quốc.
Ông Tôn Kiến Quốc cho rằng tuân thủ các nguyên tắc của hiến chương Liên hợp quốc là "cách duy nhất để phát triển hòa bình" và "hợp tác cùng thắng phải là mục đích cuối cùng hướng tới hòa bình, ổn định an ninh."
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nhấn mạnh châu Á đang ngày càng khẳng định là một khu vực phát triển nhanh nhất trên toàn cầu cả về thương mại, tài chính và quốc phòng, song khu vực này cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ như chủ nghĩa khủng bố cực đoan, nạn buôn người xuyên biên giới, an ninh mạng... Do đó, các quốc gia phải cần có sự đồng thuận cao, tránh xung đột, tìm ra các giải pháp chung trên cơ sở duy trì hòa bình và ổn định an ninh trong khu vực.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, người đứng đầu quân đội Singapore một lần nữa kêu gọi các bên kiềm chế, không gia tăng những hành động gây căng thẳng cả trên biển và trên không.
Về phần mình, Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) John Chipman nhận định Đối thoại Shangri-La năm nay có những phát biểu thẳng thắn đáng kể từ các bộ trưởng; trong đó có rất nhiều thảo luận về vấn đề Biển Đông, sự cấp thiết thực sự để có thể sớm hoàn tất và tiến tới ký kết Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc.
Diễn ra từ ngày 29-31/5, sự tham dự của gần 500 đại biểu đến từ 38 quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó bao gồm nhiều quan chức cấp cao về quốc phòng, đã cho thấy tầm quan trọng của Đối thoại Shangri-La lần thứ 14.
Qua 14 năm, cuộc gặp thường niên này về chủ đề an ninh khu vực đã trở thành diễn đàn không thể thiếu để các nước cùng ngồi lại đối thoại cởi mở, chia sẻ kinh nghiệm cũng như tìm ra các giải pháp nhằm duy trì hòa bình, ổn định an ninh, cũng như cơ hội để cùng nhau phát triển thịnh vượng.
Theo Vietnam Plus