Thế giới lên án Trung Quốc tại Shangri-La
Ở ngay phiên họp toàn thể đầu tiên trong Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (hay Đối thoại Shangri-La) hôm 30/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có bài phát biểu “dậy sóng” nhằm vào Trung Quốc.
“Chúng tôi thấy mình đang đối mặt với mối đe dọa từ các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng như các nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng khu vực thông qua việc sử dụng vũ lực hay cưỡng chế. Rõ ràng có tồn tại các yếu tố gây nên sự bất ổn định ở khu vực”, ông Abe ám chỉ Trung Quốc là bên phải chịu trách nhiệm cho những căng thẳng trong khu vực.
Nói về cuộc tranh chấp ở Biển Đông, ông Abe cho hay, chính phủ Nhật ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Philippines trong việc kêu gọi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và cũng hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực giải quyết vấn đề này thông qua đối thoại.
|
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại phiên họp khai mạc diễn đàn Shangri-La lần thứ 13 ngày 30/5.
|
Chưa dừng lại ở đó, sang ngày 31/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel lại dội tiếp “gáo nước lạnh” vào phía Bắc Kinh khi công khai chỉ trích các hành động “đơn phương, gây bất ổn” của họ ở Biển Đông.
“Trong những tháng vừa qua, Trung Quốc đã thực hiện các hành động đơn phương, gây mất ổn định nhằm khẳng định yêu sách của họ ở Biển Đông. Họ đã cấm tàu thuyền đi vào bãi cạn Scarborough, tiến hành hoạt động cải tạo đất ở nhiều địa điểm và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tới vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam”, ông Hagel cho hay
Theo Bộ trưởng Hagel, Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông và phản đối kịch liệt việc bất cứ nước nào đe dọa, ép buộc hay sử dụng vũ lực để khẳng định các yêu sách chủ quyền: “Mỹ sẽ không làm ngơ khi các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế đang bị thách thức”.
Trung Quốc "già mồm"
Trong phiên thảo luận chung tại Đối thoại Shangri-La ngày 1/6, phía Trung Quốc "già mồm" đáp trả Nhật, Mỹ một cách gay gắt thông qua bài phát biểu của Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, Tướng Vương Quán Trung.
Bỏ giữa chừng bài phát biểu đã được chuẩn bị từ trước, Tướng Vương đã dành 10 phút để quay sang lên án Nhật và Mỹ: “Tôi muốn dừng bài phát biểu của tôi một chút và chia sẻ một số quan điểm của tôi về bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Ban đầu, tôi chỉ định trình bày các chính sách của Trung Quốc cũng như đề xuất một số vấn đề trong bài phát biểu của mình, chứ không có muốn tranh luận với mọi người. Tuy nhiên, thật không may, sau khi nghe xong bài phát biểu của hai vị lãnh đạo trên, tôi buộc lòng phải nêu ra một số bình luận”.
Ông Vương còn lớn tiếng cáo buộc, ông Abe và ông Hagel “thông đồng” với nhau để bắt nạt Trung Quốc.
“Bài phát biểu của họ gợi cho tôi cảm giác rằng, họ đang bắt tay nhau. Họ hỗ trợ và khuyến khích lẫn nhau. Chưa kể, họ còn lợi dụng phát biểu của mình để kích động các hành động khiêu khích chống lại Trung Quốc”, Tướng Vương phát biểu.
Cùng với đó, vị đại biểu của Trung Quốc này đã “tố” lại một cách hung hăng, cộc cằn. “Thông qua hai bài phát biểu của ông Abe và ông Hagel, các vị cho biết, ai mới là người thực sự khuấy động rắc rối và các căng thẳng trong khu vực?”, Phó Tổng tham mưu trưởng họ Vương cáo buộc.
Đã vậy, ông này còn mạnh miệng tuyên bố rằng, Trung Quốc chưa bao giờ khởi xướng cuộc tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ. Trung Quốc chỉ sử dụng các biện pháp đối phó để chống lại hành động khiêu khích của nước khác.
Bắc Kinh đuối lý về mặt pháp luật
Cũng trong phiên thảo luận chung ngày 1/6, các học giả có mặt tại đó đã chất vấn ông Vương Quán Trung về yêu sách đường 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra để phân định chủ quyền lãnh thổ của họ ở Biển Đông. Đáp lại, ông Vương đã nêu bản đồ 2.000 năm lịch sử của Trung Quốc để khẳng định tính pháp lý của Đường 9 đoạn này, và do đó nó có hiệu lực cả trước khi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) ra đời. Các học giả đã bày tỏ sự phản đối của mình trước những lập luận đơn phương, vô lý mà đại diện Trung Quốc đưa ra.
|
Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung "phản pháo" Nhật, Mỹ trong lần phát biểu tại phiên họp toàn thể tại Shangri-La hôm 1/6.
|
Thêm vào đó, người đi cùng Tướng Vương sang Singapore lần này, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Trung Quốc, bà Phó Oánh đã có sự thay đổi "180 độ" trong bài phát biểu của mình: thay vì biện minh cho các hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông (do gặp phải làn sóng chỉ trích nặng nề từ cộng đồng dư luận), nhà ngoại giao vốn nổi tiếng với tài ăn nói họ Phó đã quay sang công kích Nhật Bản xoay quanh cuộc tranh chấp chủ quyền ở vùng biển Senkaku/Điếu Ngư giữa hai nước.
Đã vậy, thấy rõ sự đuối lý của mình về mặt luật pháp nên nhiều lần Trung Quốc đã yêu cầu phía Việt Nam không đưa vụ tranh chấp lãnh thổ này lên tòa án quốc tế, Thứ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh tiết lộ bên lề Đối thoại Shangri-La 13 ngày 1/6.
“Họ (tức Trung Quốc) đã nhiều lần yêu cầu chúng tôi không đưa vụ này ra tòa án quốc tế. Phản ứng của chúng tôi ra sao sẽ còn phụ thuộc vào các hành động và hành vi của Trung Quốc. Nếu họ tiếp tục, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho biết.
Tuyên bố trên của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được đưa ra sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam đã chuẩn bị các bằng chứng cho một vụ kiện pháp lý nhằm vào Trung Quốc.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trả lời câu hỏi của thính giả tại Đối thoại Shangri-La 13 cũng lên tiếng thách thức Trung Quốc sử dụng "trọng tài độc lập theo luật pháp quốc tế" về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Khi tuyên bố như vậy, ông Abe cho thấy sự tự tin của Nhật trong việc bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư theo luật pháp quốc tế.
Về phía mình, Trung Quốc chưa bao giờ dám theo đuổi những biện pháp mang tính tôn trọng pháp lý như đưa ra tòa án quốc tế. Trước đó, Trung Quốc từng từ chối sử dụng trọng tài để cùng Philippines phân xử về chủ quyền bãi Scarborough.
Thanh Nga