Cuối tháng 10 năm ngoái, nhật báo kinh doanh Vedomosti của Nga đưa tin Moscow đang ở trong quá trình thương thảo bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc.
|
Cục diện địa chính trị ở Châu Á sẽ bị đảo lộn, nếu Trung Quốc có trong tay hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400.
|
Thông tin này đã được xác nhận vào ngày 13/4/2015, khi Giám đốc điều hành cơ quan xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga, ông Anatoly Isaikin, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng Trung Quốc đã đặt mua hệ thống phòng không tiên tiến S-400, theo nhật báo kinh doanh Nikkei của Nhật Bản số ra ngày 27/4/2015.
Tuy nhiên, phía Nga tỏ ra miễn cưỡng trong việc cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc do lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ chỉ mua một số lượng nhỏ với mục đích “sao chép” để phát triển một hệ thống tên lửa phòng không riêng, không kém phần hiện đại.
Mặc dù Moscow và Bắc Kinh vẫn chưa chính thức công bố thỏa thuận mua bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 này, gần như chắc chắn hai bên đã đạt được một thỏa thuận nào đó.
Nếu thỏa thuận này được ký kết, Trung Quốc sẽ là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua hệ thống tên lửa S-400.
Trước đó, Trung Quốc đã mua của Nga hệ thống phòng không tiên tiến S-300. Tuy nhiên, tầm với của S-300 chỉ vào khoảng 300 km và chỉ có thể bao trùm một phần không phận Đài Loan.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho phép Trung Quốc tấn công bất cứ mục tiêu nào trên không phận Đài Loan. Đó là chưa kể các mục tiêu trên không ở New Delhi, Calcutta, Hà Nội, Seoul và trên không phận quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông, một quần đảo đang có tranh chấp nhưng do Nhật Bản kiểm soát.
Tokyo và Bắc Kinh gần đây đang dần dần cải thiện quan hệ và một trong những biểu hiện là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 22/4, bên lề Hội nghị cấp cao Á-Phi ở Jakarta.
Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai nước sẽ sử dụng vũ lực trong cuộc tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trong tương lai gần. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể có những hành động táo bạo hơn trên các vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nếu Trung Quốc chiếm lợi thế quân sự trước Nhật Bản trong khu vực này.
Trong khi đó, Moscow đang ngày càng thất vọng trước các biện pháp trừng phạt của Tokyo, mặc dù các biện pháp này không khắc nghiệt như các biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt. Các nguồn tin cho biết rằng Kremlin cảm thấy Nhật Bản đang cố gắng chiều lòng Mỹ, nước đang tìm cách làm cho Nga phải trả cho cái gọi là can thiệp quân sự vào Ukraine.
Rất có thể, Tổng thống Vladimir Putin buộc phải bán hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 để huy động vốn, trong bối cảnh bình kinh tế Nga bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Trong bài bình luận, báo Nikkei số ra ngày 27/4 cho rằng Tokyo không nên quá khắt khe với Nga, bởi vì các biện pháp trừng phạt quá khắc nghiệt có thể đẩy Moscow gần gũi hơn với Bắc Kinh và điều đó trái ngược với lợi ích quốc gia của Nhật Bản.
Minh Châu (Theo Sputniknews)