Armstrade dẫn nguồn tin quan chức chính phủ Nga cho biết, ngày 20/2 trong chuyến thăm chính thức Tehran, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và người đồng cấp Iran Hussein Dehgans đã thảo luận về khả năng chuyển giao tổ hợp tên lửa phòng không S-400 thay cho hợp đồng S-300 đã bị đổ vỡ.
Tất nhiên, điều này chỉ có thể được thỏa thuận khi Tehran rút đơn kiện Tập đoàn Rosoboronexport tại Toà án Trọng tài quốc tế.
Vào năm 2007, Iran đã ký kết với Nga mua các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 với tổng giá trị hợp đồng 800 triệu USD. Tuy nhiên, do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt lệnh trừng phạt với Iran 3 năm sau đó nên Tổng thống Nga khi đó là ông Medvedev đã ban hành sắc lệnh cấm cung cấp cho Iran một loạt các loại vũ khí trong đó có S-300.
Vì việc này mà Iran đã kiện Tập đoàn Rosoboronexport (Nga) lên tòa án ở Geneva đòi bồi thường 4 tỷ USD cho hợp đồng S-300.
|
Tên lửa phòng không S-400.
|
Đã có nhiều nỗ lực nhằm tháo gỡ vấn đề được đưa ra, một trong số đó là việc Nga sẵn sàng cung cấp các tổ hợp tên lửa phòng không/phòng thủ tên lửa S-300VM cho Iran để đổi lại nước này rút đơn kiện.
Gần đây nhất, ngày 24/2, Tổng giám đốc công ty quốc doanh Nga Rostec Sergey Chemezov tuyên bố, Nga sẵn sàng cung cấp cho phía Iran các tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300VM (Antey-2500) theo đề nghị của Tehran tại bên lề triển lãm quân sự IDEX-2015 đang diễn ra tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
“Iran đã gửi đề nghị tới phía chúng tôi từ 2 tháng trước và Tehran đang đợi phản hồi từ phía chúng tôi”, ông S. Chemezov tuyên bố.
Tuy nhiên, đại diện Tổ hợp Almaz-Antey, nơi phát triển S-300VM, chưa có bất kỳ bình luận nào liên quan tới hợp đồng với phía Iran.
Tờ Kommersant bình luận rằng, nếu Nga chọn cung cấp tổ hợp S-300VM cho Iran sẽ là hợp lý ở thời điểm hiện tại vì Nga có sẵn các đơn vị vũ khí phòng không loại này. Còn đối với tên lửa phòng không S-400, công ty Almaz-Antey đang “bận rộn” với các hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga nên việc thực hiện hợp đồng với Iran có thể bị chậm trễ.
S-400 Triumf (NATO định danh SA-21 Growler) là hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao chống khí cụ bay do phòng thiết kế tên lửa NPO Almaz thiết kế.
Gọi là hệ thống tên lửa tầm cao nhưng thực sự S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm, nó có thể hạ mục tiêu như máy bay ở độ cao 27 km và các mục tiêu bay thấp cách mặt đất chỉ 5–10 m - đây là điều mà không 1 hệ thống tên lửa phòng không cùng thời của bất cứ quốc gia nào có thể thực hiện được.
S-400 có thể tiêu diệt khí cụ bay của đối phương trong khoảng cách từ 5–400 km và tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 60 km.
Hoàng Lê