Trung Quốc đang biến mạng lưới tàu đánh cá khổng lồ thành lực lượng “dân quân biển” hùng hậu, lực lượng có vai trò xung kích trong tranh chấp biển đảo thời bình và làm lực lượng phụ trợ đắc lực trong xung đột vũ trang.
|
Trung Quốc biến ngư dân thành "dân quân biển", có vai trò xung kích trong tranh chấp biển đảo thời bình và hỗ trợ đắc lực trong xung đột vũ trang. |
Lực lượng “dân quân biển” cung cấp cho Hải quân Trung Quốc (PLAN) một nguồn nhân lực khổng lồ và là một thách thức về pháp lý-chính trị đối với mọi đối thủ. Quy mô và phạm vi hoạt động rộng lớn của các lực lượng “dân quân biển”
Trung Quốc làm cho các chiến trường trở nên phức tạp, đẩy đối phương vào tình huống khó xử và phải thận trọng hơn trong hành động chống Bắc Kinh.
Lực lượng “dân quân biển” Trung Quốc đang xóa nhòa ranh giới giữa tàu chiến và tàu dân sự trong chiến tranh hải quân. Luật lệ hải chiến bảo vệ tàu đánh cá trước các cuộc tấn công trong xung đột vũ trang. Mặc dù tàu chiến có thể tấn công tàu đánh cá hỗ trợ lực lượng đối phương, nhưng người ta hầu như không thể phân biệt giữa tàu đánh cá dân sự hành nghề hợp pháp và tàu cá bị PLAN trưng dụng làm lực lượng hải quân phụ trợ.
Sử dụng các tàu cá hỗ trợ hải quân vi phạm nguyên tắc quan trọng của Luật nhân đạo quốc tế (IHL), trong đó quy định bảo vệ dân thường trước các cuộc tấn công vũ trang.
Với 200.000 tàu, Trung Quốc hiện có đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới và ngành ngư nghiệp nước này hiện đang sử dụng 14 triệu lao động, chiếm 25% tổng số ngư dân thế giới. Lực lượng khổng lồ này đã và đang phối hợp với Quân đội Trung Quốc trong việc theo đuổi những mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trong năm 1974, lực lượng “dân quân biển” Trung Quốc đã tham gia cuộc xâm lược của quần đảo Hoàng Sa và lực lượng này đã nhiều lần cản trở hoạt động của tàu tàu khảo sát quân sự Mỹ. Lực lượng “dân quân biển” cũng hỗ trợ hậu cần cho các tàu chiến Trung Quốc. Trong tháng 5/2008, lực lượng “dân quân biển” đã vận chuyển đạn dược, nhiên liệu cho hai tàu chiến Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Chiết Giang.
Các thành viên của lực lượng “dân quân biển” làm việc cho các công ty hoặc các hợp tác xã ngư nghiệp, được các tổ chức quân sự tuyển dụng và đào tạo chính trị-quân sự để thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc trên các đại dương. Một số đội “dân quân biển” thậm chí được đào tạo kỹ năng đối phó với tàu nước khác và tiến hành “chiến tranh nhân dân trên biển”.
“Dân quân biển” là lực lượng do thám và gây hấn đầu tiên của Trung Quốc trong chiến dịch đòi chủ quyền phi lý trên Biển Đông. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng kêu gọi lực lượng “dân quân biển” “không chỉ đi đầu trong các hoạt động đánh bắt hải sản mà còn phải thu thập thông tin hàng hải, hỗ trợ hoạt động xây dựng đảo”.
Tại hội thảo ở Trung tâm Nghiên cứu hải quân Mỹ (CNA), học giả Zhang Hongzhou của Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore) cảnh báo Bắc Kinh đang đóng một đội tàu riêng cho lực lượng “dân quân biển” ở Biển Đông.
Các tàu đánh cá của dân quân biển được trang bị thiết bị điện tử tiên tiến, bao gồm cả các hệ thống thông tin liên lạc và radar có khả năng tương tác với Hải quân Trung Quốc và cơ quan hữu quan khác như Cảnh sát biển. Nhiều tàu thuyền được trang bị hệ thống định vị vệ tinh có thể theo dõi và thông báo các vị trí tàu chiến đối phương và thu thập thông tin tình báo hàng hải.
Phân biệt giữa các tàu cá hợp pháp và tàu thuyền dân quân biển hỗ trợ Hải quân Trung Quốc là hầu như không thể vì số lượng tàu quá nhiều, không gian đại dương quá rộng lớn. Khi Bắc Kinh tiếp tục tích hợp lực lượng dân quân biển vào cơ cấu lực lượng hải quân, ranh giới giữa tàu đánh cá dân sự và tàu quân sự đang bị xóa nhòa.
Minh Châu (Theo The Diplomat)