Hệ thống định vị Bắc Đẩu
Trên hòn đảo Hải Nam (Trung Quốc), một thuyền trưởng tàu đánh cá chỉ cho phóng viên Reuters xem qua con tàu đã nhuốm màu thời gian của mình. Tuy nhiên, chiếc tàu tuy cũ nhưng nó được lắp đặt một thiết bị công nghệ cao, đó là hệ thống định vị vệ tinh, cho phép ông kết nối trực tiếp tới lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc để xin chỉ thị mỗi khi gặp thời tiết xấu hay chạm trán tàu tuần tra Philippines và Việt Nam.
Cuối năm ngoái, hệ thống định vị vệ tinh “cây nhà lá vườn” Bắc Đẩu của Trung Quốc đã được lắp đặt trên hơn 50.000 tàu thuyền đánh bắt cá của các ngư dân nước này. Ở Hải Nam, cửa ngõ của Trung Quốc hướng ra Biển Đông, thậm chí các chủ tàu chỉ cần trả không quá 10% số tiền mua thiết bị này. Số còn lại chính phủ sẽ thanh toán.
Đây rõ ràng là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang ngày tiếp tay cho các công dân của mình tiến sâu hơn vào vùng biển tranh chấp ở Biển Đông để tìm kiếm các ngư trường mới.
Một số thông tin báo chí còn đưa rằng, chính quyền Hải Nam còn đặc biệt khuyến khích ngư dân tới các vùng biển tranh chấp ỏ Biển Đông để đánh bắt hải sản. Điều này được chính người thuyền trưởng ở trên và nhiều ngư dân Trung Quốc khác tiết lộ với Reuters trong cuộc phỏng vấn ở cảng Tanmen. “Chính phủ còn trợ giá nguyên liệu cho mỗi chuyến đi đánh cá”, họ nói thêm.
|
Các tàu đánh bắt cá Trung Quốc trên biển.
|
Với những động thái hậu thuẫn này, nhiều chuyên gia cho rằng, các tàu thuyền đánh bắt cá Trung Quốc sẽ sớm trở thành một trong những vấn đề nóng của châu Á.
Gần đây nhất, các tàu đánh cá nước này (neo đậu xung quanh giàn khoan dầu trái phép Hải Dương 981) còn hung hăng đụng độ với các tàu đánh bắt cá Việt Nam trong hơn 2 tháng cho tới khi Bắc Kinh rút giàn khoan vào giữa tháng 7.
Giải thích cho những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông, nhiều chuyên gia phân tích thường hay tập trung vào tầm quan trọng chiến lược của tuyến đường thủy nhộn nhịp bậc nhất thế giới hoặc mục tiêu tăng sản lượng dầu khí ngoài khơi của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, rất ít khi mọi người đề cập tới tầm quan trọng của hải sản đối với người dân Trung Quốc và Biển Đông còn là một ngư trường dồi dào hải sản trên thế giới. Một báo cáo năm 2014 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) chỉ ra, lượng tiêu thụ cá bình quân đầu người ở Trung Quốc là 35,1 kg năm 2010, gần gấp đôi mức trung bình toàn cầu là 18,9 kg.
“Các sản phẩm từ cá cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Trung Quốc. Tôi nghĩ, đây là một vấn đề mà hầu hết mọi người thường không bàn tới khi nhìn vào các cuộc xung đột và tranh chấp này”, Giáo sư ngành an ninh quốc tế tại ĐH New South Wales ở Australia Alan Dupont cho hay.
“Nó khá rõ ràng rằng, các đội tàu đánh cá Trung Quốc đang được khuyến khích tới các vùng biển tranh chấp để khai thác. Tôi nghĩ rằng, chính phủ (Trung Quốc) đang hậu thuẫn cho các đội tàu này để làm điều đó vì mục tiêu địa chính trị cũng như kinh tế, thương mại”, ộng tiếp lời.
Tín hiệu khẩn cấp
Với việc lắp đặt 16 vệ tinh trong quỹ đạo bên trên khu vực châu Á – Thái Bình Dương hồi cuối năm 2012, hệ thống định vị Bắc Đẩu là một đối thủ của hệ thống định vị toàn cầu (GPS) Mỹ và GLONASS của Nga. Ngoài ra, các đơn vị quân đội Trung Quốc cũng sử dụng hệ thống này.
|
Cảnh sát biển Philippines bắt giữ 11 ngư dân Trung Quốc đánh bắt trộm gần bãi Bán Nguyệt.
|
Các chuyên gia đến nay vẫn chưa nắm rõ cách thức ngư dân Trung Quốc sử dụng hệ thống này để tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính phủ thế nào. Không ai trong số các ngư dân ở Tanmen mà phóng viên
Reuters phỏng vấn cho biết, họ đã gửi đi cuộc gọi khẩn cấp nào.
Tuy nhiên, các ngư dân có thể sử dụng Bắc Đẩu để cảnh báo cho chính quyền biết nếu họ gặp vấn đề trục trặc về máy móc hay bị các lực lượng chấp pháp biển nước ngoài rượt đuổi, phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin.
Khi nhấn nút gọi khẩn cấp, ngư dân Trung Quốc có thể gửi 1 thông điệp tới thẳng các cơ quan hữu quan của họ bởi vì Bắc Đẩu có thể xác định chính xác vị trí của một con tàu. Đặc biệt, tính năng nhắn tin ngắn của Bắc Đẩu cũng cho phép người dùng liên hệ với các ngư dân khác cũng như bạn bè, người thân.
Khi nhà
chức trách Philippines chặn một tàu đánh cá Trung Quốc hồi tháng 5 ở một rạn san hô tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, họ nhanh chóng tắt hệ thống Bắc Đẩu này. Trong đợt đó, 9 ngư dân Trung Quốc đã bị bắt giữ và xét xử với tội danh đánh bắt rùa hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng ở Philippines.
Ông Zhang Jie, Phó Cục trưởng Cục An toàn Hàng hải Hải Nam, cho hay ông không có thông tin chính xác về việc sử dụng Bắc Đẩu. Các cơ quan hữu quan khác của Hải Nam như Phòng Thủy sản hay Cục Thi hành Quy định đánh bắt cá cũng không đưa ra bình luận nào về việc này.
Ở một động thái khác, chính quyền của cái gọi là thành phố Tam Sa mà Trung Quốc âm mưu lập ra nhằm phục vụ cho âm mưu chiếm đóng vùng Biển Đông ngày 24/7 đã tuyên bố thành lập một loạt các cơ quan hành chính để củng cố quyền kiểm soát đối với các đảo tranh chấp.
Thanh Nga (theo Reuters)