Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung có nguy cơ bế tắc

Google News

(Kiến Thức) - Theo các chuyên gia của CSIS, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung lần này có nguy cơ bế tắc và hai bên không đạt được thoả thuận cụ thể quan trọng nào.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago trong hai ngày 6-7/4/2017. Theo các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, đây là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung đầy rẫy khó khăn vì lập trường của hai bên rất khác biệt về một loạt vấn đề.
Cuoc gap thuong dinh My-Trung co nguy co be tac
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung lần này đầy rẫy khó khăn vì lập trường của hai bên rất khác biệt về một loạt vấn đề.  Ảnh: Rappler.com 
Vài giờ sau thông cáo ngày 30/3 của Nhà Trắng về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên Twitter rằng cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago sẽ “rất khó khăn" do chính sách kinh tế của Trung Quốc đe doạ công ăn việc làm ở Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ thông báo với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quan điểm của ông về những vấn đề trong quan hệ Mỹ-Trung và những gì cần thiết để giải quyết chúng. Nếu Chủ tịch Tập Cận Bình đồng ý với khuôn khổ của ông Trump và đồng ý giải quyết các vấn đề này, thì hội nghị thượng đỉnh có thể tạo ra quyết tâm chung để cùng hợp tác tăng cường quan hệ song phương. Tuy nhiên, nếu ông Tập không đồng ý với những gì ông Trump nêu ra và hành động giải quyết các vấn đề nổi bật, thì mâu thuẫn song phương có thể sẽ gia tăng khi chính quyền Trump theo đuổi các biện pháp đơn phương để đối phó với các vấn đề thương mại, Triều Tiên và Biển Đông.
Các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington tìm cách lý giải về các vấn đề then chốt sau đây tại cuộc họp thượng đỉnh Donald Trum-Tập Cận Bình ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida.
Vì sao ông Tập Cận Bình gặp ông Trump vào lúc này?
Theo các chuyên gia của CSIS, có bốn lý do chính:
Thứ nhất, Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình đang thúc đẩy chương trình nghị sự cho Đại hội Đảng lần thứ 19 và đã bố trí hàng loạt các sự kiện trước thềm Đại hội để làm nổi bật vị trí lãnh đạo tối cao không thể tranh cãi ở Trung Quốc.
Thứ hai, vị thế của Tập Cận Bình với tư cách là con một “khai quốc công thần” sáng lập ra chế độ đã mang lại cho ông một cảm giác tự tin, dám chấp nhận rủi ro hơn người tiền nhiệm.
Thứ ba, Chủ tịch Tập Cận Bình rất muốn tiếp tục “quá trình giáo dục các nhà lãnh đạo Mỹ” rằng Trung Quốc có vị trí quốc tế chính đáng trên cương vị một cường quốc và vì thế không còn phải chịu áp lực của Mỹ về một loạt các vấn đề. Nếu bị ép buộc, Trung Quốc có thể đáp trả theo cách gây tổn thất thực sự cho lợi ích của Mỹ.
Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất, Chủ tịch Tập Cận Bình muốn giành được cam kết của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng hai nước sẽ tránh để xảy ra chiến tranh thương mại.
Vấn đề Triều Tiên: Trọng tâm của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung
Việc Bình Nhưỡng phát triển nhanh năng lực tên lửa-hạt nhân và khả năng sớm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vươn tới lãnh thổ Mỹ đã được Washington xác định là vấn đề an ninh cấp bách nhất đối với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung lần này.
Mặc dù các biện pháp ngoại giao và quân sự vẫn còn lở trên bàn, nhưng những nỗ lực của chính quyền Trump đang tập trung vào việc khuyến khích Trung Quốc gia tăng áp lực lên Triều Tiên với các biện pháp trừng phạt hơn nữa.
Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ tránh được cuộc khủng hoảng với chính quyền Trump về Triều Tiên bằng cách bày tỏ sự sẵn sàng gây áp lực lên Bình Nhưỡng, vốn bị Trung Quốc ngày càng coi là một nguồn gây ra bất ổn trong khu vực. Tuy nhiên, lợi ích của Trung Quốc trong việc duy trì sự ổn định ở Triều Tiên vẫn không thay đổi, do đó áp lực của Bắc Kinh sẽ bị hạn chế và có tính chất nhất thời.
Vấn đề Biển Đông không được ưu tiên thảo luận
Biển Đông cũng có thể cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump-Tập Cận Bình, nhưng không phải là tâm điểm trong các cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo Mỹ-Trung.
Tổng thống Donald Trump có lẽ sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Ông Trump cũng có thể thúc giục ông Tập Cận Bình giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao và kiềm chế những nỗ lực nhằm quân sự hóa Biển Đông.
Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ tái khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc đối với các hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh ý định hòa bình của Bắc Kinh, nhưng sẽ không cam kết những bước tiến cụ thể trong tương lai. Không có tiến bộ cụ thể về Biển Đông sẽ đạt được trong cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Trung.
Va chạm về các vấn đề kinh tế?
Về vấn đề kinh tế, Chủ tịch Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ nêu ra bốn điểm sau đấy. Trước tiên, ông sẽ cố gắng giải thích tính chất “đôi bên cùng có lợi” của quan hệ Trung-Mỹ hiện hành và thâm hụt thương mại không thể làm lu mờ thực tế này. Thứ hai, ông sẽ nhấn mạnh rằng ông là một nhà cải cách kinh tế, nhưng sự kiên nhẫn là cần thiết vì ông đang phải đối mặt với sự phản đối đáng kể từ chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước. Thứ ba, ông sẽ đề xuất các phương pháp bổ sung để mở rộng hợp tác và tạo thêm nhiều việc làm ở Mỹ bằng cách ký kết một hiệp định đầu tư song phương, cho phép đầu tư Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của Mỹ. Và cuối cùng, ông Tập Cận Bình sẽ cảnh báo rằng Trung Quốc sẵn sàng đáp lại các hành động của Mỹ bằng cách thách thức tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và trả đũa bằng những hình phạt riêng.
Tổng thống Donald Trump có thể sẽ nhấn mạnh đến quan hệ kinh tế Mỹ-Trung đã trở nên mất cân bằng và muốn ông Tập đưa ra cam kết chung để điều chỉnh chính sách của Trung Quốc. Nhưng ông Trump có thể sẽ không đi xa hơn.
Các nhà phân tích của CSIS kết luận: Rất có thể, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung lần này lâm vào bế tắc, không đạt được thoả thuận cụ thể quan trọng nào và Chủ tịch Tập Cận Bình trở về nước với tâm trọng lo lắng về những gì có thể xảy ra tiếp theo.
Minh Châu (Theo CSIS)