Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Donald Trump nói rằng chính quyền của ông sẵn sàng hành động đơn phương giải quyết vấn đề tên lửa-hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, nhà phân tích Hanns Günther Hilpert - phụ trách lĩnh vực Châu Á của Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh Đức – cho rằng lời đe dọa này chỉ là nói suông, nếu không có sự hậu thuẫn của Trung Quốc.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump: Nếu Trung Quốc không hợp tác để chấm dứt mối đe dọa hạt nhân-tên lửa của Triều Tiên, Mỹ sẽ đơn phương hành động. Ảnh Bangi News |
Sau đây là cuộc phỏng vấn giữa phóng viên của Deutssche Welle và nhà phân tích Günther Hilpert về vấn đề nói trên:
+ Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, nếu Trung Quốc không hợp tác để chấm dứt mối đe dọa hạt nhân-tên lửa của Triều Tiên, Mỹ sẽ đơn phương hành động. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tuyên bố nói trên rõ ràng là quá mâu thuẫn. Nếu Mỹ có thể giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên mà không có sự giúp đỡ của Trung Quốc, thì Tổng thống Donald Trump sẽ không cần thảo luận với Chủ tịch Tập Cận Bình một chút nào về vấn đề này.
Về cơ bản, Mỹ có nhiều lựa chọn để giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên. Nhưng tất cả những lựa chọn đó sẽ gây ra rủi ro cao, không hiệu quả hoặc không có kết quả mong muốn.
+ Vậy ông Trump có những lựa chọn nào để hành động đơn phương?
- Tổng thống Donald Trump có thể đang nghĩ đến việc tiến hành các vụ tấn công đánh phá các kho vũ khí hạt nhân và thông thường của Triều Tiên. Nhưng chiến lược này mang theo nó những nguy cơ quân sự và chính trị đáng kể.
Một khả năng khác là cản trở Bắc Triều Tiên làm giàu uranium, mặc dù không rõ liệu Mỹ có thể làm được hay không.
Ngoài ra còn có các lựa chọn khác như phong tỏa đường biển, bắn hạ tên lửa của Triều Tiên khi nó đang ở trên không hoặc thắt chặt thêm chế độ trừng phạt vốn đã rất nghiêm ngặt.
+ Cho đến nay, Bắc Triều Tiên vẫn không nao núng trước những sự đe dọa của Washington. Vậy Bình Nhưỡng có gì để ngăn chặn một cuộc can thiệp quân sự do Mỹ cầm đầu?
- Nếu Mỹ can thiệp quân sự, có nguy cơ Bắc Triều Tiên sẽ giáng trả. Đây không phải là một cuộc phản công bằng vũ khí hạt nhân, mà có thể là vũ khí thông thường. Đường ranh giới phân cách Bắc-Nam Triều Tiên rất gần với thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
Hỏa lực của Bắc Triều Tiên sẽ có tác động tàn phá đối với Seoul, dẫn đến thương vong đến mức không thể chấp nhận được về con người và tài sản.
+ Vậy thì tại sao Mỹ lại không muốn đàm phán với Bắc Triều Tiên?
- Theo tôi, đàm phán không phải là vấn đề cấp thiết đối với Mỹ. Washington đã có những kinh nghiệm cay đắng trong quá trình đàm phán với Bắc Triều Tiên. Và nếu một thỏa thuận được đưa ra, thì nó cũng sẽ không được đáng tin cậy vì Bắc Triều Tiên vốn có truyền thống không tuân thủ các hiệp định.
Có rất nhiều ưu tiên để Bắc Triều Tiên tiếp tục với đường lối hiện hành. Kết quả cao nhất của đàm phán chỉ là có thể trì hoãn việc (Triều Tiên) phát triển vũ khí. Đây là lý do tại sao chính quyền Trump nói nhiều về trừng phạt hơn là đàm phán. Với điều này trong tâm trí, sự trở lại cái gọi là "cuộc đàm phán sáu bên" cũng sẽ không giải quyết được vấn đề.
+ Liệu Trung Quốc có những đòn bẩy gì?
- Bắc Triều Tiên và Trung Quốc có một đường biên giới đất liền. Thương mại với Trung Quốc chiếm 90% tổng kim ngạch ngoại thương của Triều Tiên. Nếu không có hàng nhập khẩu của Trung Quốc và không sử dụng biên giới đất liền để vận chuyển hàng hoá, Triều Tiên sẽ phải đối mặt với những vấn đề kinh tế rất nghiêm trọng. Vì vậy, Trung Quốc có thể áp dụng đòn bẩy chống lại Bắc Triều Tiên về trung hạn.
Điều mà Trung Quốc không thể làm là thực sự kiểm soát các sự kiện diễn ra ở Bắc Triều Tiên. Trung Quốc cũng phải đối mặt với nguy cơ gây bất ổn và bất ổn tại Bắc Triều Tiên.
+ Ông có mong đợi bất kỳ đột phá nào về vấn đề này trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình?
- Tôi rất tò mò về những gì sẽ xảy ra trong cuộc gặp này, nhưng bây giờ không phải là thời điểm thích hợp để suy đoán.
Minh Châu (Theo Deutsche Welle)