“Con thuyền” Ai Cập đi đâu, về đâu?

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều tuần sau khi quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Mohamed Mursi, "con thuyền" Ai Cập vẫn đang chao đảo và không biết "đi đâu, về đâu".


"Con thuyền" Ai Cập chao đảo trong giông bão của sự bất ổn. 
Tổng thống lâm thời Adly Mansour kêu gọi tổ chức “Anh em Hồi giáo” tham gia tiến trình chuyển tiếp do quân đội lãnh đạo trong các cuộc bầu cử sắp tới để quyết định về một bản hiến pháp mới, bầu ra một quốc hội và tổng thống mới.  

Tuy nhiên “Anh em Hồi giáo” đã từ chối, với lập trường kiên quyết rằng làm như vậy có nghĩa là chính thức chấp nhận cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ của Tổng thống Mursi, nhà lãnh đạo dân cử đầu tiên của Ai Cập.

Ông Gehad Al-Haddad, một người phát ngôn viên của “Anh em Hồi giáo” nói với VOA rằng, sẽ là vô nghĩa nếu đảng của ông ra tranh cử, trong khi không tin là quân đội Ai Cập sẽ để cho đảng này nắm quyền. Ông nói: “Không có gì bảo đảm là quân đội sẽ không lặp lại hành động này.  Chúng tôi đã giành thắng lợi trong một cuộc bầu cử tổng thống, chúng tôi đã vượt qua các cuộc bầu cử quốc hội, chúng tôi đã vuợt qua một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp”.
 
Một số nhà phân tích nói có thể hiểu được thái độ nghi kị của “Anh em Hồi giáo” vì chính quân đội Ai Cập đã cấm  đảng Hồi giáo hoạt động trong nhiều thập kỷ qua.

Nhà bình luận chính trị Ai Cập Nervana Mahmoud nói rằng điểm mấu chốt đối với Ai Cập là đưa ra một cơ chế giới hạn quyền hành của những người thắng cử.  Bà nói: “Nếu đảng Hồi giáo lại thắng cử, họ sẽ có quyền lên cầm quyền.  Nhưng phần còn lại của Ai Cập sẽ không chấp nhận điều đó trừ phi có một cơ chế chắc chắn của một hiến pháp thích hợp và luật lệ thích hợp để bảo đảm dân chủ”.

Những người chỉ trích cáo buộc Tổng thống Mursi đã sử dụng thời gian một năm cầm quyền để tìm cách thâu tóm quyền hành cho đảng “Anh em Hồi giáo”. Họ cũng cho rằng chính phủ của ông Mursi không bảo vệ những người thiểu số và không chú tâm vào việc khôi phục nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Nhiều đối thủ của ông Morsi không cho rằng cuộc lật đổ tổng thống do quân đội thực hiện đó là một cuộc đảo chính. Họ lập luận rằng diễn biến đó xảy ra dưới áp lực của nhiều ngày biểu tình rộng khắp đòi ông Mursi phải từ chức.

Tuy nhiên bà Mahmoud nói rằng lập luận đó là không thuyết phục. Bà nói: “Cuộc đảo chính đã xảy ra. Cho dù chúng ta có đồng ý với điều đó hay không, cho dù chúng ta có tranh luận đó là đảo chính hay không, thì nó đã xảy ra rồi”.
 
Theo ông Adel Abdel Ghafar, một giáo sư thỉnh giảng ở đại học American University ở Cairo, nói với VOA rằng chọn lựa dài hạn duy nhất là phải có sự tham gia của “Anh em Hồi giáo” vào tiến trình chính trị ở Ai Cập. Nếu không làm được như vậy, nhiều khả năng bất ổn chính trị sẽ còn kéo dài và dẫn đến nội chiến.

Giáo sư Ghafar cho rằng đảng “Anh em Hồi giáo” biết rõ  là không thể phục chức cho ông Mursi. Theo ông, đảng này có thể dàn xếp một thỏa thuận để cho những thành viên cấp cao của họ không bị truy tố và một số thành viên của đảng tiếp tục nắm giữ một số quyền hành.

Nhưng cho đến giờ, có ít dấu hiệu cho thấy thương lượng đang diễn ra. Và các giới chức “Anh em Hồi giáo” vẫn  tiếp tục kế hoạch biểu tình mỗi ngày để đòi phục chức cho ông Mursi, cho dù nỗ lực đó được xem vô vọng.

Một thực tế đáng buồn là trong chính phủ lâm thời Ai Cập vừa tuyên thệ nhậm chức, không có sự tham gia của những người Hồi giáo.  

Những diễn biến quan trọng ở Ai Cập trong hơn năm qua:

Ngày 11/2/2011: Tổng thống Hosni Mubarak từ chức sau nhiều tuần lễ xung đột và biểu tình ồ ạt.

Ngày 21/1/2012: Đảng Tự do và Công lý của “Anh em Hồi giáo” giành gần một nửa số ghế tại Quốc hội Ai Cập.

Ngày 24/6/2012: Ông Mohamed Mursi trở thành vị tổng thống đầu tiên được bầu lên một cách dân chủ.

Ngày 22/11/2012: Tổng thống Mursi tự ban cho mình nhiều quyền hành rộng rãi, châm ngòi những vụ biểu tình phản đối.

Ngày 3/7/2013: Quân đội tước quyền của Tổng thống Mursi và đình chỉ hiến pháp.

Ngày 4/7/2013: Ông Adly Mansour tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời.

Ngày 8/6/2013: 51 người thiệt mạng trong các vụ xung đột giữa quân đội và những người ủng hộ ông Mursi; ông Mansour ấn định thời biểu cho các cuộc bầu cử.


Văn Bình