Thời khắc nguy hiểm đối với Ai Cập và Trung Đông

Google News

(Kiến Thức) - "Hậu Mursi" là một thời kỳ cực kỳ nguy hiểm, không chỉ đối với Ai Cập mà còn toàn bộ khu vực Trung Đông.


 Những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mursi có thể đi theo con đường thánh chiến cực đoan.

Lật đổ Tổng thống Mursi và chính quyền “Anh em Hồi giáo” chỉ sau một năm cầm quyền có thể được phe đối lập hồ hởi đón chào đón, nhưng đối với họ “ngày vui ngắn chẳng tày gang”.  

Có một tiền lệ đáng sợ ở  Algeria. Năm 1991, đảng Hồi giáo FIS thắng cử vòng đầu. Vài ngày sau, do áp lực của quân đội thế tục, Tổng thống Algeria đã giải tán quốc hội và bác bỏ kết quả bầu cử.

Sau đó, phong trào Hồi giáo Algeria đã đi vào hoạt động bí mật và kéo theo một thập kỷ nổi dậy, khiến cho hơn 150.000 người thiệt mạng. Tàn dư của lực lượng nổi dậy vẫn tồn tại cho đến tận bây giờ, với các hoạt động buôn lậu, tống tiền, bắt cóc và giết chết con tin ở miền Nam sa mạc Sahara.

Ai Cập là cái nôi của chính trị Hồi giáo

Ai Cập là cái nôi của chính trị Hồi giáo, một phong trào mà có nguồn gốc từ thời kỳ chống đế quốc thực dân hồi  đầu thế kỷ 20. Ai Cập cũng phải chứng kiến thủ lĩnh tinh thần của phong trào, Sayyid Qutb, bị hành hạ tra tấn trong nhà tù của chính quyền quân sự  Nasser và cuối cùng bị giết chết trong năm 1966.

Kể từ đó, đã xảy ra tranh luận trong giới chính trị Hồi giáo về việc liệu phong trào này có nên giành chính quyền pháp thông qua các thùng phiếu hay dùng bạo lực để cướp chính quyền, một chủ trương mà các nhóm thánh chiến đang lựa chọn.

Khi phong trào “Mùa xuân Arập” lật đổ chính quyền tham nhũng của Tổng thống Ai Cập Mubarak trong năm 2011 và cuộc bầu cử sau đó đang mang lại chiến thắng cho tổ chức “Anh em Hồi giáo”, đây là một đòn nặng  giáng vào al-Qaeda và các chiến binh thánh chiến. Nó cho thấy thế giới đã có một tương lai cho chính trị Hồi giáo thông qua hòa bình, dân chủ.

Vụ đảo chính quân sự tuần này tại Cairo có nguy cơ phá thủ tiêu triển vọng này và khiến những người Hồi giáo ôn hòa trở thành các phần tử thánh chiến cực đoan. Một số thành viên của tổ chức “Anh em Hồi giáo” sẽ từ bỏ con đường giành chính quyền bằng phương tiện  chính trị dân chủ và chuyển sang “xung đột vũ trang”.

 “Giọt nước tràn ly” kích hoạt nội chiến ở Ai Cập

Theo tổ chức phân tích tình báo Stratfor, việc quân đội lật đổ chính phủ Hồi giáo ôn hòa ở Ai Cập làm suy yếu các nỗ lực quốc tế nhằm đưa Hồi giáo cực đoan vào con đường chính trị trong thế giới Arập. Trên thực tế, việc lật đổ Tổng thống dân cử Mursi là không mấy tốt lành cho tương lai ổn định của Ai Cập.

Đáng chú ý là các nhà chức trách Ai Cập đã tiến hành một chiến dịch lâu dài để trấn áp thánh chiến bạo lực để lật đổ chính phủ. Năm 1981, chiến binh thánh chiến ám sát Tổng thống Sadat và Phó Tổng thống Mubarak chỉ sống sót vì một quả lựu đạn ném vào ông này không phát nổ. Trong suốt nửa sau của thập kỷ 1990, ở Ai Cập đã liên tục xảy ra cuộc đụng độ giữa cảnh sát và các chiến binh thánh chiến. Năm 1997, các chiến binh thánh chiến Ai Cập đã tàn sát dã man 58 khách du lịch tại ngôi đền cổ Luxor.

Thủ lĩnh số 1 hiện nay của mạng lưới khủng bố  al-Qaeda là Ayman al-Zawahiri, một người Ai Cập. Ayman al-Zawahiri còn "cực đoan" hơn cả Osama Bin Laden và có những thù oán cá nhân với quân đội Mỹ tại Saudi Arabia. Ông này cũng chủ trương tiến hành thánh chiến toàn cầu.

Hiện thời, có hàng trăm chiến binh thánh chiến Ai Cập đã đến Syria để cùng quân nổi dậy Hồi giáo chống lại các lực lượng của Tổng thống Assad. Trong khi đó, ở bán đảo Sinai, các nhóm thánh chiến Ai Cập đã lợi dụng sự hỗn loạn của “Mùa xuân Arập” để tích trữ vũ khí, tuyển quân và đánh lại quân đội Ai Cập.

Vì vậy, nếu những phần tử Hồi giáo cực đoan quyết định bạo lực là lựa chọn duy nhất, thì vụ đảo chính lật đổ Tổng thống Mursi chính là “giọt nước làm tràn ly”, kích hoạt nội chiến kéo dài ở Ai Cập.

Lê Chân (theo DW.de)