Ngày 6/4, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif cho biết Ả Rập Saudi đã chính thức yêu cầu Pakistan đóng góp máy bay, tàu chiến và binh sĩ tham chiến chống quân nổi dậy Houthi ở Yemen.
Quân nổi dậy Houthi (có tin nói được Iran hậu thuẫn) đã cùng với các đồng minh chiếm giữ nhiều thành phố lớn ở Yemen, trong đó có Thủ đô Sanaa, và đang đánh chiếm nhiều khu vực quan trọng của thành phố cảng Aden ở miền nam Yemen.
|
Máy bay chiến đấu của Ả Rập Saudi không kích ở Yemen.
|
Trước đà tiến quân như vũ bão của quân nổi dậy Houthi, Ả Rập Saudi và các đồng minh ở Trung Đông đã phát động chiến dịch không kích chống lại lực lượng này ở Yemen ngày 26/3 để "bảo vệ chính phủ hợp pháp" của Tổng thống Abed Rabbo Mansour Hadi. Đồng thời, Ả Rập Saudi cũng cáo buộc Iran hậu thuẫn “phiến quân Houthi”, một cáo buộc mà Tehran cực lực bác bỏ.
Saudi Arabia vốn là một trong những nhà tài trợ lớn nhất của Pakistan và giới lãnh đạo dân sự-quân sự Pakistan có quan hệ rất chặt chẽ với các vị quốc vương trị vì Ả Rập Saudi. Ngày 27/3, một cuộc họp quan chức cấp cao ở Islamabad, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif nói rằng "bất kỳ mối đe dọa nào đối với toàn vẹn lãnh thổ của Ả Rập Saudi sẽ dẫn đến phản ứng mạnh mẽ của Pakistan”.
Trong khi đó, quan hệ giữa Pakistan và Iran đã trở nên căng thẳng suốt nhiều năm qua. Hai nước đã có xung đột biên giới và ban lãnh đạo Iran từng cáo buộc Pakistan dung túng các nhóm chiến binh Sunni tấn công khu vực phía đông của Iran và tàn sát người Hồi giáo Shiite bên trong lãnh thổ Pakistan.
Công luận Pakistan phản đối tham chiến ở Yemen
Các nhà lập pháp đối lập ở Islamabad ngày 6/4 đã yêu cầu chính phủ nước này làm rõ lập trường trước yêu cầu tham chiến ở Yemen của Ả Rập Saudi và nói rằng Pakistan nên tránh bị lôi vào cuộc “đấu đá khu vực” giữa Ả Rập Saudi và Iran.
Phóng viên của Deutsche Welle tại Islamabad, Shakoor Rahim, cho biết các nghị sĩ của Đảng Nhân dân Pakjistan (PPP) đối lập đã cực lực phản đối sự can dự của Pakistan trong cuộc xung đột ở Yemen. Thượng nghị sĩ PPP Aitzaz Ahsan nói rằng Ả Rập Saudi có đủ khả năng tự vệ mà không cần đến sự trợ giúp của Pakistan.
Giới trí thức và xã hội dân sự Pakistan cũng đã lên tiếng phản đối việc Pakistan can dự vào cuộc xung đột Yemen.
Musharraf Zaidi, một chuyên gia về chính sách ngoại giao ở Thủ đô Islamabad, nói với Deutsche Welle: "Pakistan không nên can dự vào cuộc tranh giành ảnh hưởng trong thế giới Arập giữa Ả Rập Saudi và Iran. Chúng ta không được quên rằng Riyadh và Tehran có những lợi ích riêng của họ. Do đó chính phủ Pakistan nên làm những gì tốt nhất cho đất nước. Chính phủ này cần giữ quan hệ tốt với cả Ả Rập Saudi lẫn Iran”.
Các xung đột giáo phái giữa người Hồi giáo Shi’ite và người Hồi giáo Sunni ở Pakistan đã gia tăng, với việc các nhóm Hồi giáo vũ trang tấn công khủng bố nhằm vào các nhóm người Shi'ite thiểu số ở nhiều nơi trên đất nước.
Nhiều nhà phân tích cho rằng quan hệ quốc tế và vai trò của Pakistan trong khu vực đang ngày càng trở nên phức tạp và chính phủ ở Islamabad cũng đã nhận thức được thực tế này. Khả năng hòa giải Mỹ-Iran, Trung Quốc và Nga đang xích lại gần nhau, sự tăng cường hợp tác giữa Iran và Ấn Độ cũng như tình hình Afghanistan… là những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi năng động trong khu vực.
Những diễn biến trên là bất lợi đối với Pakistan và mô hình an ninh mới có thể buộc chính phủ ở Islamabad thiết lập các mối quan hệ gần gũi hơn với Ả Rập Saudi.
Minh Châu (Theo Deutsche Welle)