Mỹ lúng túng đối phó Triều Tiên là nhận định của các chuyên gia Mỹ được đăng tải trong một bài viết trên Deutsche Welle ngày 9/8/2017.
|
Đằng sau những lời "máu lửa" là một sự thiếu chiến lược rõ ràng của chính quyền Donald Trump đối với Triều Tiên. Ảnh: Huffington Post |
Theo giới phân tích, những lời đe dọa “máu lửa” của Tổng thống Donald Trump nhắm vào Triều Tiên thông qua Twitter khiến cho cuộc đối đầu Mỹ-Triều Tiên vốn đã căng thẳng nay trở nên dữ dội hơn.
Ông Trump cần phải sử dụng "ngôn từ chừng mực"
Nhà phân tích Joel Wit - một thành viên cao cấp của Viện Mỹ-Triều Tiên tại Đại học Johns Hopkins, đồng thời là người sáng lập trang web 38North – nhận xét : "Dường như, người Bắc Triều Tiên đã viết những bài phát biểu (cho ông Trump) bởi vì họ nổi tiếng với những lời lẽ ‘đao to búa lớn’. Tôi không nói rằng nó (tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump) sẽ gây ra một cuộc Chiến tranh Triều Tiên nữa, nhưng nó chắc chắn sẽ làm cho tình hình trở nên căng thẳng hơn”.
Miles Pomper, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin (CNS), cho rằng với tuyên bố “máu lửa” nói trên, Tổng thống Donald Trump dường như đang cố gắng tạo ra một cuộc khủng hoảng, buộc Trung Quốc phải can thiệp và giải quyết vấn đề. Ông nói thêm: "Nhưng nó có nguy cơ thúc đẩy Bắc Triều Tiên leo thang với một hành động thực sự, rất có thể là (với vũ khí) thông thường”.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry (dưới thời Bill Clinton) gọi lời đe dọa của Tổng thống Trump về việc sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên chống lại Triều Tiên "một sự rời bỏ tiền lệ lịch sử một cách nguy hiểm" và cho rằng cần phải sử dụng “ngôn từ chừng mực” trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Đó chính là điều mà cả Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis dường như đang làm, trong một nỗ lực nhằm xoa dịu lời đe dọa của ông Trump nhắm vào Triều Tiên.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis khẳng định cam kết của Washington trong việc bảo vệ nước Mỹ và các đồng minh, cảnh báo Bình Nhưỡng chớ có tiến hành những hành động "sẽ dẫn đến sự kết thúc của chế độ và hủy diệt người dân”. Tuy nhiên, ông Mattis cũng lưu ý rằng Bình Nhưỡng sẽ "thua trong bất kỳ xung đột nào mà họ phát động", do đó Mỹ không có ý định khơi mào bất kỳ cuộc xung đột nào với CHDCND Triều Tiên.
Các học giả cho rằng Nhà Trắng nên tập trung vào việc đề ra một chiến lược thích hợp để đối phó với thực tế là Bình Nhưỡng (theo ước tính giới tình báo Mỹ) đã chế tạo thành công vũ khí hạt nhân đủ nhỏ để lắp vào tên lửa đạn đạo.
Không có chiến lược rõ ràng
Joshua Pollack, một chuyên gia về Triều Tiên và cũng làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhận định chính quyền của Tổng thống Donald Trump “đang dựa vào Trung Quốc để giải quyết vấn đề và bây giờ điều đó không thành công”. Theo ông, rõ ràng là chính quyền Trump “không có Kế hoạch B”.
Nhà phân tích Joel Wit cũng cho rằng chính quyền Donald Trum “không có một chiến lược rõ ràng" và nói thêm chính quyền này đang cố tìm cách buộc Trung Quốc “gia tăng áp lực đối với Bắc Triều Tiên và sẽ không có kết quả”.
Về việc Cơ quan tình báo quốc phòng (Defense Intelligence Agency) Mỹ báo cáo rằng Bình Nhưỡng có thể đã thành công trong việc thu nhỏ vũ khí hạt nhân để lắp vào tên lửa, nhà phân tích Joel Wit nói: “Nếu không có nó (vũ khí hạt nhân thủ nhỏ để lắp vào tên lửa đạn đạo) ngày hôm nay, thì họ (Triều Tiên) chắc chắn sẽ có nó trong tương lai không xa”.
Minh Châu (Theo DW)