Theo giới phân tích, Trung Quốc tiếp tục cố gắng tìm ra một điểm trung gian giữa duy trì yên tĩnh trên biên giới Trung-Triều và gây áp lực để hạn chế các hoạt động hạt nhân-tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhờ cậy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kiềm chế tham vọng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh ghép: Daily Star) |
Nhà phân tích Balbina Hwang, người từng là cố vấn đặc biệt về các vấn đề Đông Á cho chính quyền George W. Bush, nói với The Korea Times: "Trung Quốc vẫn tiếp tục ủng hộ Bắc Triều Tiên, cả chính thức lẫn không chính thức". Nhà phân tích Balbina Hwang hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh của Đại học Georgetown.
Trong khi một số nhà phân tích nghi ngờ tình hiệu quả của việc Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên, giáo sư Balbina Hwang lại nhận định: "Lập trường cứng rắn và kiên quyết của Trung Quốc đối với Hàn Quốc về việc triển khai THAAD (Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối) là bằng chứng rõ ràng cho thấy Bắc Kinh sẽ không thực thi những hành động cần thiết để phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên vì cuối cùng, đó không phải là mục tiêu ưu tiên của Trung Quốc ".
Trung Quốc đã phản đối kịch liệt việc triển khai THAAD tại quận Seonjou của Hàn Quốc. Bắc Kinh nói rằng hệ thống này làm suy yếu lợi ích an ninh của Trung Quốc trong khu vực. Một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh e ngại hệ thống radar của THAAD không phải là phòng thủ thuần túy và có thể được sử dụng để theo dõi hoạt động quân sự của Trung Quốc. Về phần mình, Mỹ đã phủ nhận điều này và nói rằng mục đích duy nhất của hệ thống THAAD là để chống lại sự đòn tấn công tên lửa của Bình Nhưỡng.
Nhà phân tích Hwang lưu ý: "Quan trọng hơn việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên là mong muốn của Trung Quốc duy trì sự ổn định ở Đông Bắc Á và để hạn chế ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á”.
Hồi cuối tháng 7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết trên Twitter: "Tôi rất thất vọng về Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo quá khứ ngu xuẩn của chúng ta đã cho phép họ (Trung Quốc) kiếm được hàng trăm tỷ đô la một năm trong thương mại, nhưng lại không làm gì cho chúng ta liên quan đến Bắc Triều Tiên. Chúng ta sẽ không còn cho phép điều này tiếp tục nữa… ".
Phẫn nộ trước nhận xét này, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Liu Jieyi nói với các phóng viên vào cuối tháng 7 rằng chính Bình Nhưỡng và Washington, chứ không phải Bắc Kinh, "có trách nhiệm duy trì mọi thứ tiến triển đúng hướng “. Đại sứ Liu Jieyi nói thêm: "Bất kể có năng lực như thế nào, nỗ lực của Trung Quốc sẽ không mang lại kết quả vì thực tế nó (vấn đề Bắc Triều Tiên) phụ thuộc vào hai bên chính (CHDCND Triều Tiên và Mỹ)".
Một số nhà phân tích cảm thấy rằng Bắc Kinh cũng ngỡ ngàng trước việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ngày 4 tháng 7 như các quốc gia khác, nhưng có thể quan tâm nhiều hơn đến việc duy trì ổn định ở biên giới phía đông bắc và tránh để xảy ra làn sóng những người tị nạn Triều Tiên tràn vào lãnh thổ Trung Quốc.
Các chuyên gia nghi ngờ việc Bắc Kinh sẽ có hành động quyết định chống lại Bình Nhưỡng, mặc dù Trung Quốc chính thức đồng ý với các lệnh trừng phạt CHDCND Triều Tiên do Mỹ khởi xướng.
Nhà phân tích Tara O của Diễn đàn Thái Bình Dương trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Mỹ nói: "Những lợi ích kinh tế mà Trung Quốc có được từ mối quan hệ thương mại-đầu tư với Hàn Quốc không thể vượt qua ưu tiên của Bắc Kinh muốn có một ‘nhà nước đệm’ ở Bắc Triều Tiên. Trung Quốc lo ngại về khả năng phản kháng tiềm ẩn của người gốc Triều Tiên ở Đông Bắc Trung Quốc. Điều này có thể gây ra hậu quả ở những nơi khác như Tây Tạng, Tân Cương, Hong Kong ... Vì vậy Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ chế độ Kim Jong-un cho tới khi cảm thấy quá bất lợi hoặc có một sự lựa chọn tốt hơn”.
Minh Châu (Theo Sputnik International)