|
Cuộc đấu giữa Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner (trái) và Tổng thống Barack Obama vẫn đang tiếp diễn.
|
Các nhà lập pháp tiếp tục đổ vấy cho nhau
Theo VOA, các nhà lập pháp Cộng hòa và Dân chủ tiếp tục đổ lỗi cho nhau, trong khi rất nhiều người Mỹ nói các vị dân biểu này đều có lỗi. Uy tín của các nhà lập pháp giảm sút đáng kể trong con mắt của người dân Mỹ.
Chủ tịch Hạ viện John Boehner thuộc đảng Cộng hòa đổ lỗi cho Thượng viện do đảng Dân chủ lãnh đạo về việc chính phủ Mỹ đóng cửa. Ông Boehner cho biết đảng Cộng hòa đã đề nghị một giải pháp thỏa hiệp và nói: “Đêm hôm qua, không những họ bác bỏ giải pháp đó, mà còn bác bỏ lời kêu gọi của chúng tôi yêu cầu ngồi vào bàn đàm phán và giải quyết những khác biệt theo qui định của hiến pháp. Trong hiến pháp nêu rõ rằng nếu hai viện quốc hội không đồng ý với nhau, thì chúng ta phải thảo luận để tìm cách giải quyết những vấn đề đó”.
Giới phân tích nói rằng các chính khách Cộng hòa có thể mất đi phần nào sự ủng hộ của cử tri, nếu tình trạng đóng cửa tiếp tục kéo dài.
Bà Rachel van Dongen - chủ biên của Politico, một cơ sở truyền thông chuyên tường trình về các hoạt động của chính phủ Mỹ - nói ban lãnh đạo đảng Cộng hòa, Chủ tịch Hạ viện John Boehner và những cộng sự của ông có quan tâm đến nguy cơ có thể đánh mất thế đa số tại Hạ viện vào năm 2014 vì vụ đóng cửa này, nhưng họ bị một thiểu số bảo thủ trong Hạ viện hối thúc làm việc đó. Vẫn theo nhà phân tích này, một nhóm gồm 30-40 thành viên của Đảng Trà (Tea Party) mới thực sự đẩy chính phủ Mỹ đóng cửa hoạt động.
Trước đó, ngày 1/10, Tổng thống Obama đổ lỗi cho phe Cộng hòa về điều mà ông gọi là "cuộc thập tự chinh ý thức hệ" nhằm tiêu diệt bộ luật chăm sóc y tế mang tính đột phá của ông, dẫn tới việc chính phủ liên bang ngừng hoạt động. Ông Obama kêu gọi đảng Cộng hòa nhượng bộ, chứ không nên "bắt giữ toàn bộ nền kinh tế Mỹ làm con tin”.
Trong thời gian chính phủ ngưng hoạt động, khoảng 800,000 công chức liên bang bị cho nghỉ việc không lương trong một thời gian không biết kéo dài bao lâu. Lần chót chính phủ liên bang phải đóng cửa xảy ra vào năm 1995 và 1996, kéo dài 21 ngày và là thời gian chính phủ đóng cửa lâu nhất trong lịch sử Mỹ.
Thiệt hại khi chính phủ Mỹ đóng cửa
Thời gian ngưng hoạt động càng dài thì thiệt hại càng lớn.
Văn phòng Quản lý và Ngân sách ước tính chi phí của 2 lần chính phủ ngưng hoạt động từ năm 1995 đến năm 1996 là hơn 1,4 tỷ USD. Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết con số đó hiện nay là 2,1 tỷ USD, sau khi đã điều chỉnh lạm phát.
Về tổn hại về niềm tin của dân Mỹ, nghiên cứu Viện Gallup cho rằng đó có thể không phải là vấn đề to tát đối với Tổng thống Barack Obama hay Chủ tịch Hạ viện John Boehner.
Viện Gallup nói rằng lần chính phủ Mỹ ngừng hoạt động năm 1995-1996 "ít ảnh hưởng" đến quan điểm của người Mỹ về Tổng thống Clinton và Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich trong những tháng sau đó. Tỷ lệ ủng hộ quốc hội, nền kinh tế và cả nước Mỹ nói chung cũng không bị ảnh hưởng.
Văn Bình