|
Chính phủ Mỹ đóng cửa tất cả các dịch vụ, ngoại trừ những dịch vụ thiết yếu và 800.000 công chức liên bang sẽ bị cho nghỉ việc không lương. |
Chưa dừng lại, việc này còn gây ra hàng loạt hệ luỵ như:
• 1,4 triệu binh sĩ, nhân viên quân đội tiếp tục thi hành nhiệm vụ, nhưng có thể bị chậm phát lương.
• Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA sẽ cho nghỉ việc gần như toàn bộ nhân viên.
• Các nhân viên kiểm soát không lưu và kiểm tra hành khách sẽ tiếp tục làm việc.
• Các toà án liên bang sẽ tiếp tục hoạt động.
• Sẽ tiếp tục giao thư tín vì Sở Bưu chính Mỹ không được tài trợ bằng tiền đóng thuế.
• Phần lớn nhân viên của Bộ An ninh Nội địa sẽ tiếp tục làm việc.
• Phần lớn các dịch vụ dành cho cựu chiến binh sẽ tiếp tục vì đã nhận tiền tài trợ từ trước.
• Các Công viên quốc gia và các viện bảo tàng sẽ đóng cửa.
• Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc bán trái phiếu kho bạc ngắn hạn với lãi suất thấp để tài trợ cho hoạt động của chính phủ. Hậu quả có thể là chính phủ Mỹ sẽ phải dựa nhiều hơn vào các khoản vay trung hạn và vay dài hạn, đòi hỏi lãi suất cao hơn.
Nếu lãi suất đi vay của Mỹ bị nâng lên, nước này có thể trở thành một “cục nam châm thu hút vốn toàn cầu”, khiến cho các nước Châu Âu bị thiếu các khoản tín dụng tối cần thiết để duy trì sự phục hồi kinh tế vẫn còn đang rất mong manh.
Kịch bản nhiều khả năng là lần này nước Mỹ tránh được nguy cơ cơ cấu nợ, nhưng nỗi sợ hãi về việc tái cơ cấu nợ sắp xảy ra và có thể dễ dàng xảy ra một lần nữa trong những năm tới chắc chắn sẽ làm cho thị trường tiền tệ thế giới trở nên căng thẳng.
Các chủ nợ nước ngoài sẵn sàng cho Mỹ vay vì đây là một sự đặt cược an toàn trong một thế giới đầy bất ổn. Nhưng tình trạng rối loạn chức năng trong chính quyền Mỹ (cả lập pháp lẫn hành pháp) đang biến nước này thành địa điểm đầu tư kém an toàn và khi đó, các nhà đầu tư trên thế giới sẽ tìm đến nơi khác.
Một may mắn cho Washington là đồng Euro không phải là một đồng tiền dự trữ-thanh toán chủ đạo và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc xem ra chưa sẵn sàng thách thức sự thống trị của đồng đô la Mỹ.
Trần nợ công đã bị chọc thủng vào cuối tháng 5/2013 và Bộ Tài chính Mỹ đã phải “biến tướng”: lấy tiền từ tài khoản chính phủ để trả nợ, nhưng tài khoản này hiện nay đã cạn kiệt.Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ bị Standard & Poor (và nhiều tổ chức xếp hạng tín dụng khác) hạ bậc xếp hạng.
Do phần lớn nợ chính phủ Mỹ là nợ nước ngoài, các nước chủ nợ và các ngân hàng trung ương có thể đứng ra ngăn chặn cơn hoảng loạn trên thị trường tiền tệ thế giới; nhưng “cuộc đấu đá tài chính” ở Mỹ vẫn sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng - trải dài từ Châu Á qua Châu Âu và đến Mỹ Latinh.
Kể từ năm 1981, chính phủ Mỹ đã trải qua 10 lần bị đóng cửa. Nhưng may mắn là 9/10 lần đóng cửa nói trên chỉ kéo dài trong một ngày và lại rơi vào cuối tuần, khi hầu hết các công sở đều đóng cửa. Trường hợp ngoại lệ là vụ chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton bị đóng cửa 26 ngày, từ cuối năm 1995 đến đầu năm 1996. |
Văn Bình