Chiến sự đông Ukraine chấm dứt cuối tuần này?

Google News

(Kiến Thức) - Chuyến thăm của Thủ tướng Đức Angela Merkel tới Ukraine là cơ hội để chấm dứt những bất ổn ở quốc gia này bởi 5 lý do sau đây.

1. Uy tín của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel
Một vài quan chức phương Tây đã đến thăm Ukraine kể từ khi chiến sự giữa lực lượng chính phủ và phe ly khai thân Nga ở miền đông nổ ra, bao gồm Thủ tướng Canada Stephen Harper, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen. Tuy nhiên, không chuyến thăm của lãnh đạo nào lại trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi như của bà Merkel. Nữ Thủ tướng Angela Merkel là người có tiếng nói khá có trọng lượng về các vấn đề chính sách ngoại giao tại EU. Là người nói thông thạo tiếng Nga khi sinh trưởng ở vùng Đông Đức, bà Merkel còn có một mối quan hệ khá tốt đẹp với tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Chuyến thăm của bà Merkel theo lời mời của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko là một động lực đáng kể cho Keiv sau nhiều tháng lâm vào các cuộc giao tranh với phe ly khai.
Phát biểu vào ngày 18/8 ở Riga, bà Merkel đã đề cập đến một sự cân bằng cần thiết giữa lợi ích của phương Đông và phương Tây, yêu cầu NATO phải có phản ứng trước bất cứ hành động gây chiến nào của Nga ở biển Baltic và Ba Lan trong tương lai. Một vài phương tiện truyền thông đã dự đoán bà Merkel tới Keiv với một đề nghị vừa có ích vừa có hại cho cả hai bên.
2. Tiếng nói của lịch sử
Chuyến thăm của bà Merkel trùng với hai cột mốc lịch sử quan trọng. Ngày 23/8 đánh dấu 75 năm ngày kí Hiệp định đình chiến Molotov-Ribbentrop giữa Phát xít Đức và Liên Xô, mở đường cho sự mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô. Trong khi đó, ngày 24/8 cũng chính là kỉ niệm 23 năm ngày Ukraine tuyên bố độc lập với Liên Xô.
Không hề có sự đảm bảo nào rằng sự trùng hợp của lịch sử sẽ ảnh hưởng đến tiến trình hòa giải. Tuy nhiên, bất cứ thỏa thuận nào để chấm dứt tình trạng bất ổn đang diễn ra ở Ukraine cũng sẽ là một kết cục lịch sử.
3. Cuộc đối mặt giữa Tổng thống Poroshenko và Tổng thống Putin
Lần cuối hai nhà lãnh đạo trên gặp nhau là vào tháng 6 khi họ tham dự Lễ kỉ niệm 70 năm Quân Đồng minh thực hiện cuộc đổ bộ vào Normandy (Pháp) trong Chiến tranh Thế giới 2. Trong sự kiện này, hai ông cũng chỉ trao đổi ngắn gọn với nhau mà không đưa ra một kết quả nào.
Tổng thống Putin và Tổng thống Poroshenko "ngó lơ" nhau trong dịp kỉ niệm 70 năm ngày Quân Đồng minh đổ bộ Normandy tại Pháp hồi mùa hè năm nay.
Tuy nhiên, vào ngày 26/8 tới tại thủ đô Minsk của Belarus, hai ông lại gặp nhau trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Thuế quan. Quan chức hai bên đã soạn thảo các vấn đề sẽ được đề cập với những điều khoản nhượng bộ nhất có thể về năng lượng, nhu cầu nhân đạo và “sự quan hệ rộng hơn về chính trị”. Họ cho hay, vẫn chưa có gì chắc chắn rằng ông Poroshenko và Putin sẽ đối mặt với nhau. Tuy nhiên, Trợ lý của ông Poroshenko chia sẻ “một biện pháp mang tính ngoại giao đang dần hình thành” để hai nước tới vấn đề “nhạy cảm” này.
4. Sự lớn mạnh của quân ly khai
Quân đội Ukraine ban đầu bị thất bại khá nhiều trong các cuộc đụng độ với lực lượng dân quân tự vệ của phe ly khai trong vài tuần đầu của cuộc chiến. Phe ly khai ở miền đông Ukraine, bị nghi là đã nhận được các khí tài quân sự và nhu yếu phẩm từ Nga, nhanh chóng giành được những vùng đất lớn ở Donbas, lập nên chính phủ được điều hành bởi các đặc vụ Nga từng chiến đấu ở những vùng ly khai như Transdniester và Abkhazia.
Lực lượng dân quân tự vệ của phe ly khai đông Ukraine.
Hai thành phố lớn nhất trong vùng là Lugansk và Donetsk nhanh chóng rơi vào tay họ. Thế nhưng, trong vài tuần gần đây, lực lượng Kiev đã có những bước tiến chiến lược, phá vỡ hành lang quân nổi dậy, cô lập hai thành trì Lugansk và Donetsk của quân nổi dậy. Theo nhiều quan chức Ukraine, lực lượng của họ đang dồn sức cho cuộc tổng tấn công vào sào huyệt của phe ly khai. Tuy nhiên, ngay cả khi quân ly khai buộc phải rút lui, thì Kiev cũng sẽ đối mặt với một khu vực bị chia cắt và bất ổn.
5. Nước Nga đang tìm một lối thoát
Trong 1 thời gian, Moscow có vẻ đã thu được nhiều lợi ích đáng kể từ chiến dịch ở Ukraine, cụ thể là ở Crimea. Tuy nhiên, với những cáo buộc rằng Moscow có dính líu tới những bất ổn ở vùng miền đông Ukraine, Nga đang đối mặt với các lệnh trừng phạt từ những nước phương Tây nhắm vào những nhà bảo trợ giàu có nhất của điện Kremlin. Đáp trả lại, chính quyền Tổng thống Putin cũng đưa ra một danh sách các mặt hàng từ các nước đã áp đặt lệnh trừng phạt lên họ bị cấm nhập khẩu vào nước này. Quả thực, động thái này đã tạo ra khiến giá cả hàng thực phẩm tăng nhanh và đặt gánh nặng lên nền nông nghiệp Nga vốn trì trệ nhiều năm.
Nhiều nhà quan sát cho rằng điện Kremlin đã cho thấy dấu hiệu sẵn sàng lùi bước về vấn đề Ukraine. Dấu hiệu điển hình gần đây đó là sự rút lui của thủ lĩnh ly khai Igor Strelkov – một công dân gốc Moscow, và được xem như là người đại diện của điện Kremlin ở Donbas.
Phong Đức