|
Tên lửa Unha-9 xuất hiện tại một triển lãm hoa kết thúc ngày 30/7/2013.
|
Các chuyên gia theo dõi những hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo Triều Tiên cho rằng quốc gia bị cô lập này hầu như chắc chắn sẽ tiếp tục thực hiện những vụ phóng tên lửa tầm xa nhằm phát huy tính năng của vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Hồi tuần trước, giới chức chính phủ Triều Tiên ở Bình Nhưỡng nói với phóng viên đài VOA rằng sắp tới họ sẽ thực hiện thêm một vụ phóng tên lửa Unha, trong khuôn khổ của chương trình sử dụng không gian vì mục đích hòa bình. Nhưng giới chức này không cho biết thêm chi tiết.
Một hỏa tiễn Unha-3 đã đưa vệ tinh Kwangmyongsong-3 lên quỹ đạo hôm 12/12/2013, nhưng vệ tinh này đã không hoạt động.
Tại một cuộc triễn lãm hoa ở Bình Nhưỡng kết thúc hôm 30/7, Triều Tiên đã trưng bày một số mô hình của hỏa tiễn Unha-9, lớn hơn hỏa tiễn Unha-3. Các nhà quan sát cho rằng điều này cho thấy Triều Tiên muốn người dân nước họ và thế giới tin rằng họ sẽ thực hiện thêm những vụ phóng tên lửa nữa.
Hỏa tiễn Unha-9 được công khai đề cập lần đầu tiên vào cuối tháng 12 năm ngoái tại một buổi tiếp tân dành cho các nhà khoa học tên lửa.
Một bài tường thuật đăng trên trang mạng của tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, hôm 3/1/2013 trích lời một nhà khoa học Triều Tiên sẽ phóng 6 loại tên lửa – Unha-4 và Unha-5 dùng để phóng vệ tinh quan sát trái đất; Unha-6, Unha-7 và Unha-8 dùng để phóng vệ tinh viễn thông và tên lửa Unha-9 dùng để phóng một vệ tinh bay quanh Mặt trăng.
Tuy nhiên, trong cuộc duyệt binh qui mô lớn hôm Thứ Bảy vừa qua tại Quảng trường Kim Nhật Thành, nhân dịp kỷ niệm ngày chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Triều Tiên chỉ trình diện các loại tên lửa Unha-1, Unha-2 và Unha-3.
Ông Jefferey Lewis, một chuyên gia về vấn đề vũ khí hạt nhân ở Đông Á của Viện Nghiên cứu Quốc tế Monterey nói với VOA rằng ông dự kiến Triều Tiên sẽ thường xuyên thực hiện những vụ phóng tên lửa trong thời gian tới đây.
Tại một cuộc gặp gỡ trước đó giữa các giới chức Triều Tiên với các nhà khoa học, ông Lewis đã hỏi Bình Nhưỡng định thực hiện bao nhiêu vụ phóng tên lửa và loại vệ tinh nào mà họ định đưa lên quỹ đạo, nhưng “các giới chức Bắc Triều Tiên đã không trả lời câu hỏi đó một cách thẳng thắn.”
|
Unha-3 chỉ là một chương trình tên lửa phóng vệ tinh thông thường.
|
Theo một bản phúc trình mới đây của Liên đoàn các nhà khoa học gia Mỹ, Unha-3 là một chương trình tên lửa phóng vệ tinh thông thường và một chương trình tên lửa có tính chất nghiêm túc sẽ khác xa chương trình Unha-3.
Gần đây có những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị phóng những loại tên lửa hỏa tiễn lớn hơn tên lửa Unha, với những hoạt động xây dựng qui mô tại bãi phóng vệ tinh Tonghae.
Một chuyên gia tư vấn cho chính phủ Mỹ về vấn đề tên lửa Triều Tiên nói rằng ông “không nhận thấy một sự giải thích rõ ràng nào” về việc Triều Tiên định làm gì với một loại tên lửa lớn hơn. Ông cho biết Triều Tiên đã có một chương trình tên lửa đạn đạo xuyên lục địa di động và ông không hiểu vì sao mà Triều Tiên lại cần có khả năng phóng một vệ tinh lớn hơn vào một quỹ đạo cao hơn.
Một bản phúc trình được công bố hôm 23/7 cho biết: “Dự án xây dựng một bệ phóng mới, một tòa nhà lắp ráp phi đạn và một trung tâm điều khiển hoạt động phóng tên lửa được thiết kế để phóng những loại tên lửa lớn hơn tên lửa Unha-3, có khả năng mang theo những thiết bị nặng hơn và bay xa hơn.”
Bản phúc trình cho biết các dự án xây dựng đó đã tạm ngưng vào cuối năm 2012, và mặc dù nhiều người nghĩ rằng dự án sẽ được thực hiện lại vào mùa xuân năm nay, nhưng các hình ảnh mới cho thấy hoạt động xây dựng vẫn chưa thực hiện lại tính đến cuối tháng 5.
Hiện chưa rõ tại sao dự án xây dựng đó tiếp tục bị ngưng. Một số giới chức ở Seoul và Tokyo suy đoán là Bắc Kinh đang tạo áp lực lên Bình Nhưỡng.
Chuyên gia Jefferey Lewis của Viện Nghiên cứu Quốc tế Monterey nói với VOA: “Những vụ phóng tên lửa là một phần quan trọng của một chiến dịch nhằm chứng tỏ Triều Tiên đã trở thành một nước công nghiệp hiện đại”.
Trong những cuộc tiếp xúc kéo dài 9 ngày giữa Quân đội Nhân dân Bắc Triều Tiên với các nhà khoa học và báo giới quốc tế, các sĩ quan của quân đội Triều Tiên không ngớt nhắc tới tư tưởng Juche (tự túc tự cường) của nước họ và cho rằng mối đe dọa quân sự của Mỹ khiến họ không có chọn lựa nào khác hơn là phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Văn Bình