Triều Tiên trong “ván bài” địa chính trị Trung-Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Việc Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa tầm trung lại làm rộ lên những lời đồn đoán về ý đồ của Trung Quốc trong ván bài địa chính trị với Mỹ.

 Ảnh minh họa.

Triều Tiên “giúp” Mỹ bao vây Trung Quốc?

Về phần mình, Mỹ đã coi Trung Quốc là một đối thủ địa chính trị. Vì vậy, nhìn bề ngoài, các hoạt động tăng cường binh lực của Mỹ dường như đang nhắm vào Triều Tiên, nhưng khi xem xét chiến lược tổng thể thì thấy Mỹ đang vây Trung Quốc bằng loạt các căn cứ quân sự trải dài từ Nhật Bản đến Philippines.

Những động thái gây hấn của Triều Tiên càng khiến cho Mỹ có cớ đưa thêm nhiều tàu khu trục Aegis chống tên lửa, tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược B-52, và máy bay tàng hình F-22 đến ngưỡng cửa Trung Quốc.

Trước đó, máy bay ném bom chiến lược tàng hình B -2 cũng đã được điều rời căn cứ Không quân Whiteman ở Missouri bay liên tục hơn 13.000 dặm tới ném bom “câm” vào các mục tiêu giả định ở Hàn Quốc rồi trở về nơi xuất phát.

Mỹ cũng có kế hoạch triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở Alaska và Guam, đe dọa vô hiệu hóa không chỉ tên lửa Triều Tiên mà còn cả tên lửa của Trung Quốc.

Có thể nói, hành động gây hấn của Triều Tiên đã vô tình làm lợi cho chính sách "xoay trục" của Mỹ sang châu Á-Thía bình Dương.

Lá bài mặc cả của Trung Quốc

Giới phân tích cho rằng Triều Tiên chính là “vùng đệm” và “lá bài mặc cả” của Bắc Kinh với Washington.

Cho đến nay, con bài Triều Tiên vẫn nằm trong “trò chơi quyền lực” giữa Trung Quốc và Mỹ. Bề ngoài, hai bên đều ủng hộ đàm phán hòa bình. Nhưng trong thâm tâm, Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách tranh giành ưu thế và chờ xem bên nào phải xuống thang trước. Khốn nỗi, xuống thang đồng nghĩa với việc mất lợi thế trên đấu trường ngấm ngầm này.
 
Trung Quốc đang gián tiếp sử dụng Triều Tiên để làm xói mòn ý chí chính trị và phân tán lực lượng quân sự của Mỹ. Theo nhà phân tích Brett Daniel Shehadey, Trung Quốc hiện kiểm soát tới 70% nền kinh tế Triều Tiên thông qua xuất nhập khẩu và có thể khiến cho nước này bị sụp đổ. Nhưng vì  lý do địa chính trị, Trung Quốc không bao giờ muốn chế độ hiện hành ở Bình Nhưỡng sụp đổ, mặc dù từng ủng hộ nghị quyết Liên Hợp Quốc trừng phạt Triều Tiên. Triều Tiên không bao giờ có đủ tiền để nuôi một quân đội trên triệu người và theo đuổi  chương trình phát triển tên lửa-vũ khí hạt nhân vô cùng tốn kém, nếu không có sự viện trợ của Trung Quốc.

Triều Tiên vốn là “vùng đệm” và nếu “vùng đệm” này bị sụp đổ, một chế độ thân Washington sẽ mở đường cho Mỹ triển khai lực lượng sát  biên giới Đông Bắc Trung Quốc. Đó sẽ là một nguy cơ an ninh rất lớn, khi Mỹ và Trung Quốc không có sự tin tưởng lẫn nhau về quân sự.

Trung Quốc cũng phải giữ cho vùng Đông Bắc ổn định. Dòng người tị nạn Bắc Triều Tiên sẽ khiến cho khu vực này trở nên hỗn loạn và làm tiêu tan tham vọng trở thành trung tâm công nghiệp của khu vực này. Do đó, ưu tiên quan hàng đầu đối với Trung Quốc là đảm bảo sự sống còn của chế độ ở Bình Nhưỡng và không để cho Triều Tiên bị  sụp đổ.

Việc Trung Quốc tập trung xe tăng, xe bọc thép và tiến hành các chuyến bay quân sự gần miền Triều Tiên trong tuần này là một phần của hoạt động tập trung binh lực ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc. Một quan chức cho biết việc Trung Quốc tập trung binh lực nhằm hai mục tiêu. Một là để tăng cường an ninh biên giới trong trường hợp xảy ra xung đột, khiến cho dòng người tị nạn chạy từ Triều Tiên vào Trung Quốc. Thứ hai là động thái này phát đi tín hiệu đến Bình Nhưỡng rằng Trung Quốc sẽ tuân thủ các cam kết quốc phòng với Triều Tiên trong trường hợp xảy ra xung đột. Trung Quốc hiện đang có một hiệp ước phòng thủ chung với Triều Tiên.

Trung Quốc bị tố bán thiết bị tên lửa cho Triều Tiên

Do thái độ hiếu chiến của Bình Nhưỡng, các báo chí nước ngoài nhắc lại chuyện Trung Quốc đã tiếp tay cho Triều Tiên trong lĩnh vực phát triển tên lửa. Sự tiếp tay này đã được thực hiện từ nhiều năm, dưới hình thức “trao đổi kinh tế”.

Ngay sau cuộc diễu binh ngày 15/4/2012, báo chí nước ngoài đua nhau đăng tin về việc Trung Quốc giúp Triều Tiên về kỹ thuật tên lửa.

Tờ Asahi Shimbun dẫn lời giới chức Nhật cáo buộc một công ty Trung Quốc bán cho Triều Tiên 4 bệ phóng tên lửa di động. Theo Asahi Shimbun, các thiết bị này trông giống như các bệ phóng di động được Triều Tiên trình diễn tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố lãnh tụ Kim Nhật Thành. Các báo cáo của chính phủ Nhật cho thấy các bệ phóng 16 bánh nói trên đã được vận chuyển trên một tàu đăng ký ở Campuchia. Tàu này sau đó tới Osaka và bị các lực lượng tuần duyên của Nhật kiểm tra và phát hiện ra các tài liệu chứa đựng thông tin về việc xuất khẩu các thiết bị tên lửa này.

Hồi tháng 4/2012, Washington cũng đã lên tiếng cáo buộc Công ty Hubei Sanjiang của Trung Quốc bán các thiết bị có thể sử dụng để lắp đặt bệ phóng tên lửa cho Triều Tiên.
 
Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết nước này đã có bằng chứng xác thực việc công ty Hubei Sanjiang của Trung Quốc đã bán các linh kiện xe chở tên lửa cho Triều Tiên. Nghi ngờ xuất hiện sau khi tờ New York Times đăng tải kết luận của giới chức Mỹ về nguồn gốc các linh kiện của hệ thống xe chở tên lửa, đặc biệt là chiếc xe to nhất trong đoàn diễu binh, đã được Triều Tiên phô diễn tại lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng hôm 15/4/2012. Theo một số quan chức Mỹ, chiếc xe chở tên lửa 8 trục hiện đại xuất hiện trong đoàn diễu binh mang kiểu dáng thiết kế của Trung Quốc hay có thể còn có xuất xứ từ Trung Quốc.

Thậm chí, trong phiên điều trần trước Quốc hội hôm 19/4/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta còn cho rằng Trung Quốc đã trợ giúp chương trình tên lửa của Triều Tiên dưới hình thức “trao đổi thương mại và kỹ thuật”.

Bắc Kinh không chỉ  "dọa" Triều Tiên

Trung Quốc luôn đổ lỗi cho Mỹ và Hàn Quốc là nguyên nhân gây ra thái độ thù địch của Bình Nhưỡng. Trung Quốc không muốn xảy ra chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên và do đó, Bắc Kinh vẫn tìm cách duy trì đàm phán sáu bên và kêu gọi các bên hữu quan kiềm chế.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Bác Ngao ở tỉnh Hải Nam, Chủ tịch Tập Cận Bình nói không một quốc gia nào “được phép đẩy  một khu vực và thậm chí cả thế giới vào hỗn loạn vì lợi ích ích kỷ”. Lời cảnh báo của ông Tập Cận Bình vừa nhằm vào Triều Tiên, nhưng cũng nhằm vào Mỹ và các nước đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.

Trong một cuộc điện đàm với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói: “Chúng tôi phản đối lời nói và hành động khiêu khích ở khu vực (bán đảo Triều Tiên) và không cho phép nước nào mang sự phiền toái (chiến tranh) đến ngưỡng cửa Trung Quốc”.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Jon Huntsman cho biết phát biểu nói trên lãnh đạo Trung Quốc  là chưa từng có, cho thấy sự thất vọng pha trộn với tức giận của lãnh đạo Trung Quốc.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Lê Chân (tổng hợp)