Báo Pháp Libération đăng bài “Brexit sống ngày đầu tiên-Lá thư đoạn tuyệt” kèm theo bức ảnh Thủ tướng Anh Theresa May ký vào bức thư gửi đến Liên minh Châu Âu.
|
Thủ tướng Anh Theresa May ký vào bức thư "đoạn tuyệt" gửi đến Liên minh Châu Âu. |Ảnh Sky News |
Trong lá thư “đoạn tuyệt” đó, nữ Thủ tướng Theresa May mặc cả với Châu Âu rằng London tiếp tục hợp tác với Brussels, chống khủng bố với điều kiện phải đạt được một thỏa thuận có lợi cho thương mại của Anh. Báo Libération chỉ trích bà May “bắt bí” Liên minh Châu Âu.
Báo Le Figaro cũng cho rằng London đem vấn đề an ninh ra để đổi lấy một thỏa thuận thương mại có lợi cho nước Anh.
Báo kinh tế Les Echos đề cập đến giọng điệu “vừa hòa hoãn vừa mang tính đe dọa” trong lá thư dài 6 trang mà Thủ tướng Anh Theresa May gửi đến lãnh đạo Liên minh Châu Âu và các đối tác.
Nước Anh và Liên minh Châu Âu có hai năm để đàm phán. Báo Le Figaro cho rằng trong 24 tháng đó, nước Anh có thể đạt được một thỏa thuận trên phương diện chính trị, nhưng về mặt kinh tế thì đó là điều không tưởng.
Báo Le Monde cũng viết: “Hai năm là thời gian quá ngắn để hoàn tất thủ tục ly dị. Liên minh Châu Âu đã ký hiệp định tự do mậu dịch song phương với Việt Nam trong thời gian ngắn kỷ lục là 4 năm, vậy làm thế nào để trong vỏn vẹn 24 tháng, nước Anh và 27 nước còn lại trong EU tìm ra đồng thuận trên hàng trăm, hàng ngàn lĩnh vực khác nhau”?
Từ nay tới đó, từ ngành hàng không đến quản lý chất thải nguyên tử, từ các hoạt động tài chính đến ngoại giao giữa London và 27 nước còn lại trong Liên minh Châu Âu trở nên phức tạp hơn nhiều.
Chỉ riêng trong lĩnh vực hàng không, báo Le Monde đặt câu hỏi: Liệu hãng hàng không giá rẻ EasyJet có phải hủy các chuyến bay Paris-Lisbon hay Berlin-Athens hay không ? Bởi vì tới nay, nhờ thỏa thuận tự do không lưu hiện hành từ cuối những năm 1990 mà các hãng hàng không của nước Anh được quyền mở tất cả các chuyến bay giữa hai nước trong Liên minh Châu Âu. Với Brexit, thỏa thuận đó sẽ phải được xét lại. Hậu quả trực tiếp với EasyJet là tất cả các chuyến bay đều phải hạ cánh xuống một thành phố trên lãnh thổ Anh.
Một lĩnh vực khác đang lo ngại không kém là ngành công nghiệp sản xuất xe hơi. Các hãng xe Anh đang trong chu kỳ thịnh vượng, gần bằng với thời đại hoàng kim những năm 1970. Thành tích đó có được chủ yếu nhờ thị trường rộng lớn của Liên minh Châu Âu : một nửa số lượng xe ra lò từ Vương quốc Anh là để bán cho 27 thành viên khác trong gia đình; phụ tùng xe hơi phục vụ cho các nhà máy trên xứ sở của Churchill chủ yếu mua của các đối tác Châu Âu với thuế nhập khẩu rất thấp. Sau Brexit, mức thuế nhập khẩu đó lập tức quay lại mức 10 %. Đây là thiệt hại không nhỏ cho các hãng xe ở bên kia bờ biển Manche. Ngược lại thì các hãng xe của Pháp, Đức cũng sẽ bị đánh thuế cao hơn khi xuất khẩu xe vào thị trường Anh.
Mặc dù kinh tế Anh kháng cự khá tốt sau cơn bão Brexit, nhưng Le Monde đặt câu hỏi: Hiện tượng này kéo dài được bao lâu?
Minh Châu (BT)