Liên hiệp Anh vẫn chao đảo sau cú sốc Brexit

Google News

(Kiến Thức) - Nhật báo Le Monde đăng bài xã luận đề cập đến tình trạng Liên hiệp Anh chao đảo sau khi cú sốc Brexit trở thành hiện thực.

Bài xã luận của Le Monde nhắc lại việc nước Anh muốn thoát khỏi chiếc vỏ rỗng mang tên Châu Âu để … chẳng đi về đâu cả. Tác giả bài viết nhận định rằng trước đây mang tiếng là thành viên của Liên minh Châu Âu nhưng điều này cũng chỉ là nửa vời đối với nước Anh, bởi ngoài việc là thành viên của khu vực rộng lớn trao đổi tự do mậu dịch của Liên minh Châu Âu thì Liên hiệp Anh không hề góp mặt trong số các nước có sử dụng đồng tiền chung Châu Âu, không kí kết Hiệp định Schengen cho phép đi lại tự do giữa một số nước trong Châu Âu, không tham gia vào cơ quan tư pháp của Châu Âu, vắng bóng trong các chính sách công của Liên minh Châu Âu (liên quan đến các vấn đề xã hội như việc làm, thất nghiệp, bình đẳng giới...). Thậm chí, London còn phản đối chính sách an ninh chung của khối này.
Lien hiep Anh chao dao sau cu soc Brexit
Thủ tướng Đức Angela Merkel chào từ biệt Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh en.dailypakistan.com.pk 
Thế rồi, khi chính thức phải đối mặt với cơn địa chấn chính trị Brexit, nỗi lo của người dân Anh không ngừng gia tăng: Nông dân không biết liệu ngân sách quốc gia có bù thêm vào khoản tiền hỗ trợ trước đây vẫn nhận được từ Brusselss hay không; các trường đại học thì lại đang tự hỏi liệu có đủ sức cấp kinh phí cho các chương trình trao đổi sinh viên mang tên Erasmus và tiếp tục duy trì việc đón tiếp các sinh viên Châu Âu tới Anh học tập hay không; các nhân viên ngân hàng ở London e ngại rồi sẽ phải đóng giao dịch với Frankfurt, Paris, Dublin hay Lisbon; các đối tượng hưu trí ở Anh sẽ nhận ít tiền lương hưu hơn (ít hơn 10%) do đồng bảng Anh sụt giá và họ cũng băn khoăn chưa biết sẽ xin visa Tây Ban Nha hay Pháp trong trường hợp muốn ở lại các nước này.
Liên minh Châu Âu vẫn tồn tại và giờ đây người dân Anh đang nghiệm ra điều đó.
Cú sốc Brexit đang khiến diện mạo Liên hiệp Anh thay đổi hơn bao giờ hết. Mặc dù đó là sự lựa chọn của bản thân người dân nước này nhưng giờ đây, lại cũng chính họ đang phải đối mặt với những bất trắc to lớn về kinh tế.
Ủng hộ Brexit nhưng lại không chuẩn bị cho Brexit
Chính trong hiện trạng này mà người ta hiểu rõ hơn vì sao Thủ tướng Anh David Cameron đã từ chối việc sử dụng điều luật 50 của Hiệp ước Châu Âu, liên quan đến việc một quốc gia thành viên EU tự nguyện xin rút ra. Bất chấp những lời cảnh báo, cả Thủ tướng đương nhiệm lẫn phe ủng hộ Brexit mà đứng đầu là cựu đô trưởng London Boris Johnson đều không hề chuẩn bị chút gì cho phương án B, tức là nước Anh rời Liên minh Châu Âu.
Đối mặt với hố ngăn cách này, London đang không thể hình dung ra được viễn cảnh tương lai cho mình. Làm sao để cùng lúc dung hòa được ba yêu cầu: vừa tôn trọng kết quả của trưng cầu dân ý, vừa không làm những người dân Anh vốn muốn ở lại trong Liên minh Châu Âu thất vọng và vừa duy trì được mối quan hệ kinh tế mật thiết ở mức có thể với EU. Giải pháp hợp lý hơn cả có lẽ sẽ là làm theo Na Uy, tức là chỉ tham gia tài trợ cho các chính sách liên quan đến đoàn kết trong Châu Âu và tôn trọng các định chế của Brussels, nhưng không tham gia vào việc soạn thảo các định chế đó.
Chắc hẳn phe ủng hộ Brexit chưa từng nghĩ đến điều đó, nhưng đây chính là cái giả phải trả cho sự vô trách nhiệm và thái độ bất cần của một số nhóm người.
Minh Châu (Theo Le Monde)