Cuối tháng 11, Bắc Kinh đã ký một hiệp định có thời hạn 10 năm với Djibouti nhằm thiết lập một căn cứ Hải quân Trung Quốc (PLAN) làm nơi đồn trú và cung cấp hậu cần cho các tàu chiến tham gia các chiến dịch chống cướp biển ở ngoài khơi Yemen. Theo tin tức báo chí, căn cứ hải quân ở khu vực Obock, gần với một tiền đồn nhỏ của Mỹ, được Trung Quốc thuê với giá 100 triệu USD/năm.
|
Cảng nước sâu của Djibouti có thể cho tàu sân bay và loại tàu chiến lớn nhất của Trung Quốc như Type 071 LPD cập bến. |
Vì sao Trung Quốc đặt căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti?
Thứ nhất, Djibouti là một nước tương đối ổn định ở Châu Phi và nằm sát tuyến đường thương mại chiến lược nối liền Kênh đào Suez với Ấn Độ Dương. Từ Djibouti, máy bay tuần tra biển lớp Shaanxi Y-8 của Trung Quốc có thể bao quát hầu hết Bán đảo Ả-rập. Bắc Phi và Trung Phi mà không cần tiếp nhiên liệu.
Thứ hai, cảng nước sâu của Djibouti có thể cho tàu sân bay và loại tàu chiến lớn nhất của Trung Quốc như Type 071 LPD cập bến.
Thứ ba, việc thiết lập căn cứ hải quân ở Djibouti có ý nghĩa chiến lược do khu vực Obock nằm sát một căn cứ nhỏ duy nhất của Mỹ ở Châu Phi mà từ đó Washington có thể tiến hành các cuộc oanh kích bằng máy bay không người lái chống lại các phần tử khủng bố al-Shabaab and al- Qaeda.
Cuối cùng, trong nhiều tháng qua, Tổng thống Djibouti đã tự biến mình thành một trong những đồng minh thân thiết nhất của Trung Quốc.
Chiến lược “Chuỗi ngọc trai”?
Từ lâu, giới học giả Trung Quốc và nước ngoài đã tranh luận gay gắt về việc liệu kế hoạch “Một vành đai, một con đường” (OBOR) trị giá 140 tỷ USD có ẩn chứa những tham vọng quân sự. Không ít người cho rằng mục tiêu cuối cùng của “Con đường tơ lụa trên biển” là giúp Hải quân Trung Quốc tiếp cận một loạt các cảng từ Biển Đông đến bờ biển Đông Phi mang tên “Chuỗi ngọc trai”.
|
Việc quân sự hóa các hải cảng do Trung Quốc chi phối ở nước ngoài có thể xảy ra ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là "Chuỗi ngọc trai". |
“Chuỗi ngọc trai” này bao gồm các cảng Colombo (Sri Lanka), Gwadar (Pakistan), Chittagong (Bangladesh), đảo Maday (Myanmar) và cảng Victoria (Seychelles). Bắc Kinh khăng khăng nói rằng tất cả các khoản đầu tư vào các cảng nói trên là có động cơ kinh tế và là một phần của kế hoạch “Con đường tơ lụa trên biển”. Nhưng việc đưa Djibouti vào danh sách này đã bộc lộ
tham vọng không chế Ấn Độ Dương cùng với Trung và Bắc Phi của Trung Quốc.
Với kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc-Châu Phi lên tới 300 tỷ USD trong năm 2015 và các khoản đầu tư khổng lồ cung cấp chỗ làm việc cho hơn 2 triệu lao động Trung Quốc, Bắc Kinh hiện chưa được “trang bị đầy đủ” để bảo vệ công việc kinh doanh ở Châu Phi. Nhiều công dân Trung Quốc đã bị nhóm khủng bố Boko Haram bắt cóc, bị sát hại ở Mali, bị bắt làm con tin ở Sudan và Ai Cập. Trên tất cả, Bắc Kinh vẫn còn ám ảnh bởi ký ức Libya, nơi Hải quân Trung Quốc phải thuê tàu chở khách và tàu chở hàng viễn dương sơ tán 35.800 công dân nước này làm việc ở đây.
Chính vì vậy mà Châu Phi đã nhanh chóng trở thành nơi Trung Quốc thể vai trò toàn cầu của nước này. Hồi đầu năm nay, Bắc Kinh đã lần đầu tiên gửi đơn vị lính chiến đầu tiên đến Nam Sudan để tham gia một sứ mạng của Liên Hợp Quốc và đóng vai trò trung gian hòa giải giữa các bên tham chiến. Việc khai trương căn cứ quân sự ở Djibouti xem ra phục vụ cho mục đích này.
Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, việc Bắc Kinh tích hợp căn cứ hải quân Obock vào khuôn khổ “Con đường tơ lụa trên biển” đang phát đi một thông điệp mạnh mẽ rằng việc quân sự hóa các hải cảng do Trung Quốc chi phối ở nước ngoài có thể xảy ra ở mọi nơi trên thế giới. Đây là một triển vọng đáng lo ngại đối với Mỹ và các nước đồng minh.
Minh Châu (Theo The Diplomat)