|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68.
|
Số lượng những người sống ở mức nghèo đói cùng cực trên thế giới trong 20 năm qua đã giảm hơn một nửa. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn hàng tỷ người phải sống trong cảnh nghèo đói. Đó là nhận xét dẫn luận nêu trong bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng từ diễn đàn Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm thứ Sáu 27 tháng Chín tại New York.
Một trong những chủ đề được các đại diện của cộng đồng quốc tế tập trung thảo luận trong phiên họp lần thứ 68 là thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ do Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2001, nhằm hướng đến một thế giới tốt đẹp hơn, xanh hơn, công bằng hơn cho nhân loại trên hành tinh. Điểm đầu tiên trong số các mục tiêu là làm thế nào để xóa đói giảm nghèo ở tòan cầu.
Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trên bình diện này. Từ diễn đàn Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo với toàn thế giới: Trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã đưa các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào chiến lược phát triển của mình, kết hợp chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội.
Việt Nam đặc biệt quan tâm đầu tư về y tế, giáo dục, thông tin... đến cho mọi người dân, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ một nước thiếu đói, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, không chỉ bảo đảm an ninh lương thực cho riêng mình mà còn góp phần tích cực bảo đảm an ninh lương thực thế giới. Đó là cơ sở để tháng Sáu 2013, Việt Nam cùng với 37 quốc gia khác được Tổ chức Nông-Lương Liên Hợp Quốc trao giải thưởng. Những kết quả như vậy của Việt Nam xứng đáng nhận được sự tán dương của cử tọa Đại hội đồng.
Đáng chú ý là Việt Nam không xem xét vấn đề đấu tranh với nghèo khổ chỉ dưới góc độ kinh tế.
Trong quá trình giải quyết những nhiệm vụ mà Liên Hợp Quốc đặt ra đồng thời cũng là yêu cầu bức thiết của đất nước, thực tế thành công của Việt Nam khi đạt tới kết quả nổi bật như vậy cho thấy bí quyết quan trọng là hội tụ một cách hài hòa ba yếu tố: trong nước-khu vực-tòan cầu.
Trong đó yêu cầu tiên quyết là đảm bảo duy trì ổn định chính trị, kinh tế xã hội trong nước, phối hợp với duy trì hòa bình và hợp tác trong khu vực và thế giới, xây đắp củng cố thể chế toàn cầu làm nền tảng hỗ trợ tích cực.
Như ông Nguyễn Tấn Dũng cho biết, từ những "trải nghiệm thấm đẫm mồ hôi và xương máu" của mình qua quá trình giữ nước và dựng nước, do đã phải trải qua những cuộc chiến tranh ngoại xâm tàn bạo và cảnh đói nghèo cùng cực, khát vọng hòa bình và thịnh vượng của nhân dân Việt Nam càng cháy bỏng.
Với hiểu biết sâu sắc về giá trị của hòa bình, người Việt Nam nỗ lực giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo để củng cố nền hòa bình trên đất nước mình, làm cơ sở tạo lực để sẵn sàng đóng góp vào công việc chung của tổ chức Liên Hợp Quốc.
Có thể thấy, trong bối cảnh thế giới đương đại, ban lãnh đạo Việt Nam vẫn coi trọng sử dụng khía cạnh phương pháp quản lý xã hội vốn là một kinh nghiệm tốt được đúc rút qua truyền thống lịch sử tư tưởng của đất nước là “lấy dân làm gốc”.
|
Phiên thảo luận Cấp cao của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68 |
Hà Nội đã chủ trương đặt con người vào trung tâm mọi chiến lược phát triển, xem con người vừa là động lực vừa là mục tiêu của phát triển. Đường lối nhân văn đó đã được ứng dụng để thực thi tốt nhiệm vụ thiên niên kỷ mà tổ chức tòan thế giới đặt ra.
Cụ thể, như ông Nguyễn Tấn Dũng cho biết, điều đặc biệt quan trọng là ban lãnh đạo Việt Nam đã vận động mỗi người dân và cả cộng đồng đóng góp, tham gia trực tiếp vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, giúp những người nghèo khổ tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trong bài phát biểu tại New York, Thủ tướng Việt Nam tiếp tục khẳng định nội dung tư duy vốn là ý tưởng chính trong diễn văn chương trình của ông tại hội nghị an ninh quốc tế ở Shangri-La.
Ông Nguyễn Tấn Dũng nêu đề xuất: Lòng tin chiến lược giữa các quốc gia phải không ngừng được vun đắp bằng sự thật tâm, thái độ chân thành và những hành động thiết thực.
Với xuất phát điểm tư tưởng như vậy, Việt Nam nỗ lực cùng các thành viên khác xây dựng Cộng đồng ASEAN - ngôi nhà chung của các quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam đã có phát hiện mới khi nêu vai trò của lòng tin chiến lược trong bang giao quốc tế, - như nhận xét của chuyên viên Nga Dmitry Mosyakov lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, châu Úc và châu Đại Dương của Viện Phương Đông (thuộc Viện Hàn lâm khoa học LB Nga).
Giáo sư Mosyakov phân tích: “Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng không xem giải quyết cảnh đói nghèo là vấn đề riêng biệt, thuần túy kinh tế hay xã hội.
Ông đã gắn các giải pháp cho vấn đề này với việc tạo lập bầu không khí tin cậy, yêu chuộng hòa bình, an ninh và ổn định trong quan hệ quốc tế.
Như là phản đề với các sự kiện ở Trung Đông mà đặc biệt là ở Syria, ông Nguyễn Tấn Dũng nêu điển hình ASEAN, khối liên minh đoàn kết mà trong đó Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng quan trọng.
Các nước thành viên ASEAN đang tiến tới xây dựng thành công vào năm 2015 một Cộng đồng ASEAN vững mạnh. Các quốc gia trong tổ chức khu vực này đã biết đàm phán và thỏa thuận cả về những nội dung chứa đựng mâu thuẫn nội bộ, cả về rất nhiều vấn đề hệ trọng của chính sách đối ngoại.
Họ đã xây dựng đường lối chung trong quan hệ với Trung Quốc, trong đó đáng chú ý là xu thế không đối đầu mà là đường lối hướng tới mang lại hòa bình và hòa hợp, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn một tuyên ngôn của bậc hiền tài tiền nhân Việt Nam là "đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo".
Hệ quả lô-gic và minh chứng rõ nét cho sự đúng đắn của đường lối này để tạo lập xã hội ổn định trong mỗi nước, trong khu vực và trên thế giới, là thực tế tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và thành công to lớn của các nước Đông Nam Á trong cuộc đấu tranh gìn giữ hòa bình và chống đói nghèo mà Việt Nam là một điển hình nổi bật, - chuyên viên uy tín của Nga kết luận.
Theo VOR