|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
|
Tham dự đoàn có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung; Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường; Trưởng phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Lê Hoài Trung; Phó trưởng Ban Thường trực, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Vương Thừa Phong; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Hà Huy Thông...
Theo kế hoạch, trong thời gian thăm chính thức từ ngày 24 đến 26/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ hội đàm, hội kiến với lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội Hoa Kỳ, gặp gỡ chính giới, doanh nghiệp, học giả, bạn bè, lãnh đạo một số tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ.
Các thành viên chính thức của đoàn cũng sẽ có các cuộc gặp gỡ trao đổi với đại diện các cơ quan đối tác đối tác, nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước.
Tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ
Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/7/1995, trao đổi Đại sứ lần đầu tiên vào tháng 7/1997, mở Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố San Francisco vào tháng 11/1997, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Houston vào tháng 3/2010.
Kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ đến nay theo tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai,” quan hệ hai nước đã phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang diễn ra vào thời điểm quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục được thúc đẩy, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật và giáo dục. Các cơ chế hợp tác cụ thể được thiết lập và đang triển khai trên nhiều lĩnh vực.
Hai bên đã tiến hành 5 chuyến thăm cấp cao. Về phía Hoa Kỳ có các chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton (năm 2000), Tổng thống George Bush (năm 2006) tới Việt Nam. Về phía Việt Nam, có các chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải (năm 2005), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (năm 2007), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2008).
Trong các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau, hai bên đã ra ba Tuyên bố chung, trong đó khẳng định mong muốn xây dựng “quan hệ đối tác tích cực, hữu nghị, xây dựng, hợp tác nhiều mặt, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.”
Về kinh tế-thương mại, hai nước đã ký Hiệp định Thương mại song phương Việt-Mỹ (BTA), Hiệp định Dệt-may, Hiệp định Hàng không, Hiệp định khung hợp tác về Kinh tế và Kỹ thuật, Hiệp định vận tải biển, Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA)… Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Hoa Kỳ và 9 nước khác. Hai bên đã đàm phán vòng 3 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Kể từ khi Hiệp định BTA có hiệu lực (năm 2001) đến nay, quan hệ thương mại giữa hai nước tăng nhanh. Từ năm 2005, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng trong những năm gần đây. Năm 2012 đạt 24,5 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2011.
Tính đến tháng Năm, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 11 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2012; tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Hoa Kỳ vào Việt Nam đạt 10,5 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 658 dự án. Hiện nhiều công ty Hoa Kỳ đang kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có những công ty lớn, đầu tư lâu dài, ổn định.
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, hai nước đã thành lập Ủy ban hỗn hợp hợp tác khoa học-công nghệ. Hai nước đang phát triển “quan hệ đối tác kiểu mẫu” trong nghiên cứu về biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Hiện nay, tại Hoa Kỳ có khoảng 16.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang theo học, đứng đầu trong các nước Đông Nam Á và đứng thứ 8 trong số các nước có nhiều sinh viên học tập tại Hoa Kỳ. Bộ Giáo dục hai nước đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc lập Nhóm chuyên trách giáo dục nhằm thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học giữa hai nước.
Hai nước cũng đã ký kết Hiệp định về hợp tác y tế và khoa học, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy hợp tác y tế và khoa học; Khung hợp tác đối tác giữa hai Chính phủ trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2010-2015…
Quan hệ hai nước trong lĩnh vực an ninh quốc phòng từng bước được tăng cường. Từ năm 2010, hai bên tiến hành đối thoại về chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng. Năm 2011, hai bên ký kết Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương.
Việt Nam tiếp tục tham gia chương trình đào tạo tiếng Anh, hợp tác quân y, duy trì đón tàu hải quân của Hoa Kỳ thăm cảng Việt Nam hàng năm, cho phép Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thực hiện một số chương trình hỗ trợ nhân đạo tại các địa phương. Hai bên tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn…
Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ đầu tiên của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang diễn ra vào thời điểm quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục được thúc đẩy, nhất là về kinh tế-thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật và giáo dục. Chuyến thăm là dịp lãnh đạo hai nước trao đổi về những định hướng lớn nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển và về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Chuyến thăm thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam, thể hiện Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Vietnam+