Mỹ và Hàn Quốc có kế hoạch áp đặt lệnh cấm vận dầu lửa đối với Triều Tiên nhằm mục đích ngăn chặn chương trình tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng. Hàn Quốc đề xuất ngừng cung cấp dầu thô cho CHDCND Triều Tiên (DPRK) để trừng phạt việc Bình Nhưỡng thử quả bom nhiệt hạch (bom H) có thể lắp vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
|
Rất có thể, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã quan tâm nhiều đến vấn đề năng lượng, khi theo đuổi chương trình tên lửa-hạt nhân. Ảnh ghép: Daily Star |
Theo nhà phân tích chính trị Dmitry Verkhoturov, có ít nhất ba lý do khiến Triều Tiên không sợ cấm vận dầu lửa.
Thứ nhất, theo ước tính của Bộ Ngoại thương Triều Tiên, trữ lượng dầu thô của nước này lên đến 60-90 tỷ thùng. Nhà phân tích Verkhoturov cho rằng ước tính lạc quan này xem ra có cơ sở.
Từ năm 1992, một số công ty như Beach Petroleum NL, Taurus Petroleum AB và Puspita Emas Sdn. Bhd đã tiến hành thăm dò địa vật lý ở Triều Tiên.
Năm 1998, công ty SOCO International PLC của Anh đã khoan sâu 4,300 mét tại một trong những mỏ dầu tiềm năng của CHDCND Triều Tiên, sử dụng giàn khoan mà Bình Nhưỡng mua lại của Romania.
Năm 2004, sau khi thăm dò phá thềm lục địa của Triều Tiên trên Biển Nhật Bản, công ty Anh Aminex PLC khẳng định rằng khu vực này chứa khoảng 4-5 tỷ thùng dầu thô.
Đồng thời, công ty HBOil Mông Cổ tiến hành các hoạt động thăm dò ở khu vực phía nam Bình Nhưỡng và khoan 22 giếng khoan. Hầu hết mỗi giếng đều cho phép khai thác trung bình 75 thùng dầu/ngày.
Thứ hai, ban lãnh đạo Triều Tiên đã sử dụng các công ty dầu khí nước ngoài thăm dò dầu ở những lĩnh vực khó khăn nhất. Một khi các mỏ dầu khí đã được xác nhận và thu được kết quả đầu tiên, Bình Nhưỡng thường viện cớ để chấm dứt hợp đồng và tiếp tục thăm dò khu vực này một mình.
Thứ ba, có một quan niệm sai lầm phổ biến cho rằng CHDCND Triều Tiên không có thiết bị khoan, Ông Verkhoturov lưu ý việc Triều Tiên đã mua lại một số giàn khoan cũ của Liên Xô hoặc Rumani trước năm 1991. Các giàn khoan nói trên có khả năng khoan sâu 4.000-4.500 mét.
Đó là chưa kể, Triều Tiên đã dựa trên những thiết bị cũ này để tự chế tạo các giàn khoan mới tiên tiến hơn.
Ông Verkhoturov cho biết: "Với nền công nghiệp-kỹ thuật khá phát triển, CHDCND Triều Tiên sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc sao chép và hiện đại hóa các giàn khoan Rumani và tự sản xuất phụ tùng linh kiện”.
Rất có khả năng Bình Nhưỡng đã quan tâm nhiều đến vấn đề năng lượng, khi theo đuổi chương trình tên lửa-hạt nhân.
Các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên đã khai thác dầu từ các mỏ được phát hiện, trong đó có các giếng khoan của công ty Mông Cổ trong những năm 2001-2002.
Ông Verkhoturov ước tính: "Một giếng với công suất 75 thùng mỗi ngày sản xuất hơn 27.000 thùng dầu mỗi năm và 10 giếng khoan có thể cung cấp 270.000 thùng dầu (37.800 tấn) mỗi năm. Đây là con số tối thiểu, nhưng nhiều khả năng Bắc Triều Tiên đã khai thác nhiều dầu hơn”.
Nhà phân tích Dmitry Verkhoturov kết luận: Trong mọi trường hợp, lệnh cấm vận dầu sẽ chỉ khuyến khích Triều Tiên nỗ lực tự khai thác dầu và điều đó đồng nghĩa với việc kế hoạch cấm vận dầu lửa của Mỹ-Hàn Quốc sẽ thất bại.
Minh Châu (Theo Sputnik News)