Ngày 6.8, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết số 2371, tăng cường trừng phạt đối việc Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo tầm xa.
Điểm đáng chú ý nhất trong nghị quyết là việc cấm Triều Tiên xuất khẩu hải sản và các khoáng sản như than, sắt và nhôm. Nghị quyết cũng cấm các quốc gia nước ngoài cấp thêm giấy phép làm việc cho lao động Triều Tiên.
Nghị quyết được cho là sẽ khiến Triều Tiên tổn thất 1 tỷ USD nguồn thu từ xuất khẩu mỗi năm. Mỹ và các đồng minh tỏ ra khá hài lòng về bản nghị quyết trừng phạt Triều Tiên mạnh mẽ nhất từ trước đến nay.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), động thái của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 50 tại Manila đã cho thấy điều ngược lại.
Hai ngoại trưởng tỏ ra khá niềm nở, “tay bắt mặt mừng” khi gặp nhau ở Manila. Ngoại trưởng Ri Yong-ho liên tục mỉm cười khi bắt tay người đồng cấp Vương Nghị. Ông Vương Nghị còn thân mật đặt tay lên vai người đồng cấp Triều Tiên khi cả hai cùng bước vào phòng họp.
|
Hai Ngoại trưởng Triều Tiên và Trung Quốc tươi cười khi gặp nhau tại Manila, Philippines. |
Kết thúc cuộc họp kín, phía Trung Quốc đã có lời “xoa dịu” dành cho Triều Tiên. "Trung Quốc kêu gọi Triều Tiên bình tĩnh đón nhận nghị quyết trừng phạt mới của LHQ, không vi phạm nghị quyết này trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang phản đối mạnh mẽ việc Bình Nhưỡng thử tên lửa", ông Vương Nghị nói.
"Tất nhiên, chúng tôi cũng kêu gọi các bên khác, đặc biệt là Mỹ và Hàn Quốc, không làm căng thẳng trong khu vực leo thang", Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh. "Tình hình bán đảo Triều Tiên đã tiến đến thời điểm bước ngoặt để các bên liên quan tiến tới quyết định quay trở lại vòng đàm phán sáu bên".
Theo Korea Times, sở dĩ quan chức Triều Tiên và Trung Quốc vui mừng như vậy dù cấm vận mới được thông qua là vì nghị quyết 2371 vẫn có những lỗ hổng “chết người”.
Cụ thể, lệnh cấm ngăn Triều Tiên xuất khẩu than, sắt và nhôm. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc là nước nhập khẩu than chính từ Triều Tiên và nước này đã tuyên bố ngừng nhập khẩu từ hồi đầu năm nay.
Lệnh cấm cũng không có điều khoản nào liên quan tới việc cấm các nước xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên hay trừng phạt mạnh mẽ hơn giới chức Triều Tiên. “Dầu mỏ không nằm trong lệnh cấm là nhờ vào nỗ lực phản đối của Nga và Trung Quốc”, một học giả Hàn Quốc nói trên Korea Times.
|
Triều Tiên dường như không hề lo lắng sau khi lệnh cấm vận khắc nghiệt nhất từ trước đến nay được Liên Hợp Quốc thông qua. |
Một số học giả Hàn Quốc còn đánh giá rằng Nghị quyết 2371 dường như đã được sắp xếp để "giữ thể diện" cho cả Mỹ, Nga và Trung Quốc.
“Chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ còn ‘sống khỏe’ khi được nhận lượng lớn dầu mỏ từ Trung Quốc”, An Chan-il, chuyên gia Hàn Quốc nói. “Triều Tiên sẽ không trụ vững được nếu thiếu dầu trong 3 tháng, nhưng Trung Quốc và Nga coi viễn cảnh này là quá nặng nề”.
Chuyên gia khác nói lệnh cấm vận sẽ phải cần tới hàng năm để tạo ra hiệu ứng rõ rệt. “Đến thời điểm đó, Triều Tiên có thể đã phát triển xong tên lửa đạn đạo và chế tạo được nhiều tên lửa mạnh mẽ”, Park Won-gon, chuyên gia về quan hệ quốc tế ở Hàn Quốc nói.
“Triều Tiên đã tích trữ được rất nhiều tiền rồi nên dù cấm vận thì họ vẫn đủ sức hoàn thiện tên lửa tầm xa”, chuyên gia khác nhận định.
Cuối cùng, nghị quyết trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay có thực sự đem lại hiệu quả hay không thì vẫn phụ thuộc lớn vào việc tuân thủ của Nga và Trung Quốc.
Theo Đăng Nguyễn/Dân Việt