Cách đây tròn 2 năm, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều là tâm điểm chú ý của toàn thế giới, khi lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao nhất của 2 bên gặp nhau, nhen nhóm hy vọng về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và quan hệ Mỹ -Triều bước sang trang mới.
|
Thượng đỉnh Trump-Kim. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên mọi hy vọng vẫn chỉ là hy vọng. Triều Tiên cáo buộc trong 2 năm qua, Mỹ chỉ hứa hẹn sáo rỗng, trong khi chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump dường như không còn coi hồ sơ bán đảo Triều Tiên là vấn đề cấp bách.
Trong bình luận mới nhất nhân kỷ niệm 2 năm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Son-gwon cho rằng những kỳ vọng cải thiện mối quan hệ Mỹ - Triều, vốn trở thành tâm điểm của truyền thông toàn cầu 2 năm trước, giờ đã trở thành nỗi thất vọng.
Ông Ri Son-gwon tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ trao thêm cho Mỹ cơ hội nào nữa mà không nhận được sự đáp lại thích đáng và rằng các chính sách của Mỹ chứng minh, Washington vẫn là mối đe dọa lâu dài đối với nhà nước và nhân dân Triều Tiên.
Theo Ngoại trưởng Triều Tiên, khi nhìn lại 2 năm qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như chỉ tập trung vào việc “ghi điểm chính trị” trong khi “vẫn tìm cách cô lập, bóp nghẹt Triều Tiên” và “đe dọa bằng các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu và đòi thay đổi chế độ”.
Gay gắt hơn, ông tuyên bố Triều Tiên thấy không có sự cải thiện trong mối quan hệ Mỹ - Triều bằng việc duy trì mối quan hệ giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump.
Trước đó, hôm 11/6, Triều Tiên cũng chỉ trích Mỹ vì bình luận về việc Triều Tiên cắt đường dây nóng với Hàn Quốc, nói rằng Washington “nên giữ im lặng nếu muốn cuộc bầu cử tổng thống sắp tới diễn ra suôn sẻ”.
Trước các tuyên bố dồn dập từ phía Triều Tiên, ông Ramon Pacheco Pardo, chuyên gia về Triều Tiên tại Trường King's College London phân tích, các bình luận của Ngọai trưởng Triều Tiên cho thấy nước này vẫn đặt mọi phương án trên bàn, từ ngoại giao cho tới phát triển hơn nữa chương trình hạt nhân.
Có thể thấy, sau những cam kết chung chung tại Hội nghị Singapore, các nỗ lực nhằm thực hiện thỏa thuận giữa hai bên vẫn rơi vào bế tắc do những bất đồng về phạm vi phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, việc Mỹ từ chối dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Đối với Tổng thống Donald Trump, ông muốn có giải trừ vũ khí đơn phương.
Nhưng với quan điểm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Bình Nhưỡng cần được đối xử bình đẳng với Mỹ và muốn giành được nhiều nhượng bộ hơn nữa về kinh tế và chính trị từ Tổng thống Donald Trump trước khi có bất kỳ sự giảm bớt trong chương trình hạt nhân. Sau khoảng thời gian ngắn Triều Tiên dừng các vụ thử hạt nhân, tên lửa và việc Mỹ dừng tập trận chung với Hàn Quốc, mọi thứ nay đã quay trở lại xuất phát điểm của tháng 6/2018 với các cuộc chiến ngôn từ và các cuộc thử nghiệm vũ khí.
Trước những chỉ trích của Triều Tiên, hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ trả lời phỏng vấn Hãng Yonhap cho biết, Mỹ vẫn duy trì cam kết thực thi thỏa thuận Singapore đạt được vào tháng 6/2018, đồng thời khẳng định Mỹ sẵn sàng áp dụng một cách tiếp cận linh hoạt.
Với những gì mà thế giới chứng kiến trong 2 năm qua, con đường phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên còn chặng đường dài phía trước nhưng cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình vẫn trông chờ vào nỗ lực của cả hai phía và hy vọng vào tương lai tươi sáng cho bán đảo Triều Tiên như trong phát biểu của Tổng thống Donald Trump trước Quốc hội Hàn Quốc cách đây 1 năm.
“Chúng ta đều có quyền tin tưởng vào phẩm giá của mỗi con người cũng như tiềm năng của mọi quốc gia. Chúng ta đều có quyền tin tưởng vào một bán đảo Triều Tiên hòa bình, tự do và an toàn, các gia đình được đoàn tụ. Chúng ta mơ về các tuyến cao tốc kết nối Triều Tiên với Hàn Quốc và sẽ chờ đến ngày người dân hai miền sống trong hòa bình, không còn bóng ma của vũ khí hạt nhân”, ông Trump nói.
Theo Trần Nga/VOV.VN