Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt cược lớn vào bàn đàm phán lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng giờ đây ông Trump đã “mất trắng” khi bất ngờ tuyên bố hủy cuộc gặp đang được dư luận cả thế giới trông đợi.
|
Tổng thống Trump hủy cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ảnh: AFP/Getty Images |
Sáng 24/5 (theo giờ Mỹ), Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Donald Trump đã gửi một bức thư tới nhà lãnh đạo Triều Tiên thông báo hủy cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Trong thư ông Trump nêu rõ: “Tôi đã rất trông chờ cuộc gặp với Ngài. Nhưng đáng buồn là, với cơn thịnh nộ và sự thù địch thể hiện trong tuyên bố mới nhất của Triều Tiên, tôi cảm thấy rằng thời điểm này không phù hợp để tổ chức cuộc gặp đã được lên kế hoạch từ lâu này. Do đó, xin vui lòng để bức thư này thay lời thông báo rằng hội nghị Thượng đỉnh tại Singapore, vốn là điều tốt đẹp cho cả 2 bên, sẽ không diễn ra…”
Màn khẩu chiến tước đi cơ hội lịch sử
Ngay từ đầu đã có nhiều nhà phân tích giữ lập trường hoài nghi về cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Song không thể phủ nhận rằng, dù có diễn ra hay không thì việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tạo nên “cơ hội lịch sử” khi một Tổng thống Mỹ và một nhà lãnh Triều Tiên đối thoại “mặt đối mặt”.
Khoảng 3 tuần trước khi Mỹ và Triều Tiên có thể ngồi vào bàn thảo luận Thượng đỉnh dự kiến tại Singapore, những căng thẳng đã gia tăng trở lại với màn đấu khẩu qua lại giữa giới chức 2 nước sau khi Triều Tiên đe dọa rút khỏi bàn đàm phán. Không hề có động thái xuống nước, giới chức Mỹ cũng cảnh báo những kịch bản xấu nhất như từng xảy ra tại Libya hay Iraq sẽ là tương lai của Triều Tiên nếu vấn đề hạt nhân không được giải quyết.
Tuyên bố ngày 23/5 của Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh: “Mỹ cũng chuẩn bị khả năng rời khỏi bàn đàm phán hạt nhân với Triều Tiên, nếu Hội nghị Thượng đỉnh đi chệch hướng”.
Phát biểu của ông Pompeo đã là “dễ chịu hơn nhiều” so với Cố vấn An ninh Mỹ John Bolton hay Phó Thổng thống Mike Pence. Trong khi Phó Tổng thống Mike Pence cảnh báo nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ mắc “sai lầm lớn” nếu muốn “thử” hay “bỡn cợt” với Washington, Ngoại trưởng Pompeo vẫn bày tỏ “vô cùng hy vọng” Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra, song điều này sẽ phụ thuộc vào nhà lãnh đạo Kim Jong-un, người mà ông Pompeo đã gặp trực tiếp 2 lần trong chưa đầy 2 tháng qua.
Ngày 24/5, phía Triều Tiên đã đáp trả tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ, gọi phát ngôn của ông này là “ngu ngốc”. Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui nhắc lại đe dọa hủy cuộc gặp Thượng đỉnh sắp tới.
AFP dẫn lại tuyên bố của bà Choe Son-hui nêu rõ: “Bình Nhưỡng sẽ không bị buộc phải ngồi vào bàn đàm phán vì những đe dọa từ giới chức Washington. Chúng tôi sẽ không cầu xin Mỹ đối thoại hay cố thuyết phục Mỹ nếu họ không muốn ngồi vào bàn đàm phán với Triều Tiên”.
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui khẳng định số phận của cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới là hoàn toàn phụ thuộc vào Washington.
Ông Trump từ bỏ giấc mơ Nobel Hòa bình
Trái ngược hoàn toàn với sự lạc quan hân hoan khi Tổng thống Trump đón 3 công dân Mỹ được Triều Tiên thả tự do, màn đấu khẩu căng thẳng giữa 2 bên đã khiến Hội nghị Thượng đỉnh thất bại từ trong trứng nước.
Bức thư gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đặt dấu chấm hết cho giấc mơ Nobel Hòa bình của Tổng thống Trump.
CNN trước đó dẫn một số ý kiến phân tích cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều có giá trị chính trị đối với Tổng thống Trump, do đó ông gần như sẽ làm mọi thứ để cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên diễn ra theo đúng kế hoạch.
Đích thân ông Trump đã tuyên bố đảm bảo an toàn cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nếu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tổng thống Mỹ cũng đã vội vàng xoa dịu Triều Tiên sau khi Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton nhắc tới kịch bản Libya, đồng thời khẳng định đây sẽ không phải là điều sẽ xảy đến với Triều Tiên. Có thể thấy, Tổng thống Trump trong những tuần gần đây đã dùng những lời lẽ có cánh như “cởi mở” và “vô cùng chính trực” khi nhắc tới ông Kim Jong-un, nhằm đưa nhà lãnh Triều Tiên tới cuộc gặp Thượng đỉnh.
Nhưng thực tế, Tổng thống Trump đã nhắc tới quan ngại của mình về số phận của cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ông đã nói như vậy trong cuộc gặp người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in khi ông Moon tới thăm Washington hồi đầu tuần, để thuyết phục Mỹ không nên bỏ qua cơ hội hiếm có này để đối thoại với Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ cũng cho rằng, cuộc gặp mới đây giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dẫn tới thái độ cứng rắn bất ngờ của Bình Nhưỡng ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh.
Trong khi đó, phía Trung Quốc vẫn luôn khẳng định vai trò tích cực của mình trên Bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm Washington ngày 23/5 đã khẳng định: “Nếu Mỹ muốn hòa bình với Triều Tiên và muốn làm nên lịch sử thì đây chính là thời điểm để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều chưa từng có”.
Phát biểu trong cuộc gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo không quên nhắc tới trừng phạt và sức ép nhằm vào Triều Tiên: “Mỹ hy vọng tất cả các nước, trong đó có Trung Quốc-đối tác thương mại chính và là đồng minh lớn của Triều Tiên, thực hiện đúng các biện pháp trừng phạt với Bình Nhưỡng”.
Ngay từ đầu Tổng thống Trump đã chuẩn bị một đội ngũ cứng rắn để cho đàm phán với Triều Tiên. Ngoại trưởng Pompeo từng khẳng định: “Một thỏa thuận tồi không phải là lựa chọn của Mỹ”.
“Mục tiêu của Mỹ sẽ không thay đổi cho đến khi chúng tôi thấy các bước đi cụ thể để tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng được trên Bán đảo Triều Tiên”, CNN dẫn lời ông Pompeo.
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều bị hủy bỏ, khiến người ta không khỏi tiếc nuối khi những thành quả ngoại giao đưa 2 bên đến rất gần bàn đàm phán đã bị phí phạm.
Không ít ý kiến lo ngại rằng, đàm phán thất bại từ trong trứng nước sẽ đưa các bên trở lại giai đoạn “lửa và thịnh nộ” như cả thế giới đã chứng kiến năm 2017, với cảnh báo về một “cuộc chiến hủy diệt” như Mỹ và Triều Tiên đã từng đe dọa nhau./.
Theo Hoàng Lê/VOV.VN