Nhiều chủ trương, chính sách và dành nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến tháng 12/2020, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở địa bàn đặc biệt khó khăn được quan tâm, công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng, với tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 2-3% mỗi năm. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất.
Với kết quả đó, đồng bào rất phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất, không du canh, không di cư tự do, cùng nhau nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Tại các khu, điểm định canh, định cư, tái định cư đã được quy hoạch và đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng, xây dựng khu dân cư, bố trí đất sản xuất, đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của đồng bào.
Ðây là những kết quả quan trọng nhằm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đoàn kết các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào ở vùng miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số.
Liên quan đến những chủ trương, chính sách nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số miền núi đã có một số văn bản quy phạm pháp luật đề cập đến việc tổ chức không gian ở, không gian sinh hoạt, hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng; Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, Quy hoạch xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 (QĐ 980/QĐ-TTg), Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Tuy nhiên trong các văn bản này, những nội dung liên quan đến công tác lập quy hoạch, tổ chức không gian, đảm bảo môi trường sống cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất hạn chế và còn nhiều bất cập. Để khắc phục điều này, cần phải nhận diện được các mâu thuẫn, hạn chế từ các văn bản và thực tiễn, để từ đó có những điều chỉnh phù hợp, đảm bảo quy hoạch khu dân cư miền núi phát triển bền vững, góp phần thực hiện thành công Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Một số tồn tại, hạn chế trong văn bản pháp luật có liên quan đến tổ chức không gian và môi trường sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng bậc nhất trong sinh kế của người nông dân. Chính sách đất đai cũng giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết đói nghèo và bất ổn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số do đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống nhờ nguồn lợi sản xuất nông nghiệp gắn với đất đai mang lại. Tuy nhiên việc thực thi chính sách và pháp luật về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta đang có rất nhiều bất cập, trở thành nguyên nhân chủ yếu dẫn tới đói nghèo và bất ổn xã hội ở vùng miền núi, dân tộc.
Liên quan đến đất đai, trước hết phải đề cập đến Luật Đất đai. Theo Luật này, trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đã được quy định tại Điều 27 Luật Đất đai 2013. Theo đó, tùy thuộc vào phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng sẽ có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng và đất sản xuất nông nghiệp để tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển. Đây là điểm mới về vấn đề đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc giao đất, cho thuê đất, theo Khoản 1, Điều 54 Luật Đất đai 2013 đã quy định: nếu hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định tại Điều 129 của Luật này thì sẽ được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Còn nếu là đất ở thì Nhà nước sẽ tiến hành giao đất có thu tiền sử dụng đất theo Khoản 1, Điều 55 Luật Đất đai 2013.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi các chính sách liên quan việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương không đủ quỹ đất để thực hiện do ở miền núi, nhất là các huyện ở vùng núi cao, địa hình phức tạp, thường bị chia cắt và có độ dốc lớn nên quỹ đất ở rất hạn chế. Bên cạnh đó, diện tích đất sản xuất đa phần là manh mún, hầu hết chưa được xác lập quyền sử dụng đất nên cũng khó có giải pháp để hỗ trợ. Điều này đồng nghĩa với việc còn một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số đang có cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn, mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn có khoảng cách khá xa so các vùng khác của cả nước.
Luật nhà ở , 2014 cũng đã xác lập về chính sách nhà ở cho người dân tộc ở vùng miền núi, như tại điều 13 quy định Nhà nước có trách nhiệm tạo quỹ đất để quy hoạch xây dựng nông thôn.
Đối với miền núi phát triển nhà ở phải phù hợp với quy hoạch điểm dân cư nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới, phong tục, tập quán của từng dân tộc, điều kiện tự nhiên của từng vùng, miền; từng bước xóa bỏ việc du canh, du cư, bảo đảm phát triển nông thôn bền vững; khuyến khích phát triển nhà ở theo dự án, nhà ở nhiều tầng (khoản 5, điều 14).
Tại khu vực nông thôn, kiến trúc nhà ở phải hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, phù hợp với phong tục, tập quán, điều kiện sản xuất kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân và của các dân tộc tại từng vùng, miền (khoản 3, điều 20).
Trường hợp phải đầu tư xây dựng nhà ở để phục vụ tái định cư thì đối với khu vực nông thôn phải bao gồm cả việc bố trí quỹ đất để phục vụ sản xuất và phải có đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho người thuộc diện được tái định cư (khoản 5, khoản 6, điều 35). nhà ở để phục vụ tái định cư được thiết kế, xây dựng phải bao gồm diện tích ở và các công trình phụ trợ, phục vụ sinh hoạt, sản xuất gắn với nhà ở, tuân thủ nguyên tắc kiến trúc nhà ở quy định tại Điều 20 của Luật này và bảo đảm hạn mức diện tích đất ở tối thiểu theo quy định của pháp luật về đất đai (khoản 2. điều 39).
Tuy nhiên , thống kê cho thấy, phần lớn các trận lũ quét, trượt lở đất đều xảy ra ở miền núi hẻo lánh, dân cư thưa thớt với tần suất có xu hướng ngày càng tăng, trong khi đó việc tìm kiếm đất đai định cư gặp rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng và do quỹ đất xây dựng rất hạn chế. Mong muốn được sinh sống ổn định trong mái nhà an toàn để phát triển sản xuất đã và đang là nguyện vọng của đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Trong khi quy hoạch xây dựng được coi là công cụ để tổ chức không gian sống của con người, có thể làm tăng hay giảm rủi ro của khu dân cư trước thiên tai, thì tại một số văn bản chưa tính đến việc tổ chức không gian sống cho cộng đồng các dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi cao khi bị lấy đất để xây dựng các dự án như công trình thủy điện, thủy lợi… bởi việc di dời người dân tộc thiểu số đến một nơi ở mới thường mang lại những tác động bất lợi lớn, ảnh hưởng tới bản sắc, văn hóa và đời sống truyền thống của đồng bào dân tộc.
Việc quy định hỗ trợ đất ở tối thiểu 200 m2/hộ cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn như trong Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 10/5/2013 cũng khiến nhiều địa phương gặp khó khăn do không đủ quỹ đất để thực hiện. Bên cạnh đó, nhà ở do chủ đầu tư xây dựng không phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào; chất lượng xây dựng không đảm bảo, nhiều công trình sau thời gian ngắn sử dụng đã xuống cấp hư hỏng; nhiều nơi có tình trạng người dân bỏ hoang sau khi nhận bàn giao hoặc dựng lại ngôi nhà cũ để sinh hoạt. Các công trình trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng xây dựng chưa đảm bảo tiêu chuẩn, không phù hợp với phong tục tập quán của người dân nên hiệu quả sử dụng không cao…
Một số khu, điểm tái định cư chưa coi trọng việc bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống, dẫn đến một số di sản văn hóa truyền thống không được bảo tồn, dễ bị biến dạng, mai một. Một số tuyến đường giao thông, hệ thống nước sinh hoạt sử dụng không lâu đã bị hư hỏng, xuống cấp không được duy tu, bảo dưỡng.
Việc quy hoạch không gian sinh tồn cho các buôn, làng, cộng đồng dân tộc thiểu số hầu như chưa có địa phương nào thực hiện được.
Còn tại Điều 5, Luật Quy hoạch đã quy định quy hoạch nông thôn nằm trong hệ thống quy hoạch quốc gia và quy hoạch nông thôn phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh (Điều 6). Tại Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có quy định địa điểm xây dựng các điểm dân cư nông thôn phải hạn chế tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, thuận tiện trong kết nối giao thông với các tuyến đường liên xã liên vùng, phù hợp tập quán sinh hoạt và sản xuất, đáp ứng yêu cầu sinh sống và sản xuất của người dân. Quan điểm, mục tiêu, các định hướng ưu tiên phát triển trong quy hoạch này sẽ là khung định hướng cho các tỉnh trong xây dựng quy hoạch tỉnh như quy định tại khoản 4, Điều 1. Tuy nhiên các quy hoạch này còn phụ thuộc vào điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, thực trạng phát triển kinh tế - xã hội và các định hướng ưu tiên phát triển của địa phương.
Tại Mục 4, Luật xây dựng 2014 đã có những điều khoản quy định về lập quy hoạch xây dựng nông thôn. Theo đó tại điều 30, điều 31 quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn, bao gồm quy mô đất đai; yêu cầu sử dụng đất bố trí các công trình xây dựng, bảo tồn, chỉnh trang; công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, xác định vị trí, diện tích xây dựng của các công trình: trụ sở làm việc của cơ quan hành chính xã, công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, dịch vụ và nhà ở; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng phục vụ sản xuất
Để triển khai thực thi Luật này, tại QCVN 01: 2021/BXD – Mục 2.16. Yêu cầu về quy hoạch xây dựng nông thôn đã đưa ra các yêu cầu về lựa chọn địa điểm khu đất xây dựng; các chỉ tiêu quy hoạch về đất ở; đất xây dựng công trình công cộng, dịch vụ; đất cho giao thông và hạ tầng kỹ thuật; các quy định và yêu cầu về các khu chức năng của xã, khu dân cư. Quy chuẩn này cũng đã đưa ra yêu cầu về lựa chọn đất xây dựng (mục 1.5.2), theo đó khu vực chọn để xây dựng phải đảm bảo cho các hoạt động xây dựng và an toàn cộng đồng. Trường hợp bắt buộc phải xây dựng ở vùng có nguy cơ (trượt lở, ngập lụt, lũ…); quy hoạch phải đề xuất giải pháp giảm thiểu, khắc phục và đảm bảo an toàn cho cộng đồng. QCVN 01:2021/BXD cũng yêu cầu phải đánh giá, xác định các loại đất theo điều kiện tự nhiên, xác định các rủi ro do thiên tai (mục 2.8.1 và 2.16.1).
Tuy nhiên các chỉ tiêu lập quy hoạch được quy định trong quy chuẩn này chưa tính đến các yếu tố vùng, miền, đặc biệt là tại các khu vực miền núi có cộng đồng các dân tộc thiểu số- là khu vực có phần lớn đồng bào dân tộc sinh sống ở vùng cao, miền núi, vùng sâu, vùng xa, những nơi mà kết cấu hạ tầng, mặt bằng dân trí còn rất thấp kém so với các vùng khác. Ví dụ, trong QCVN 01/ 2021/BXD quy định chỉ tiêu đất xây dựng cho một nhà văn hóa là 1.000m2, cụm công trình, sân bãi thể thao: 5.000m2; chợ : 1.500m2… nhưng thực tế đối với nhiều địa phương không có đủ quỹ đất để thực hiện yêu cầu này do bề mặt địa hình chia cắt mạnh và có độ dốc lớn nên quỹ đất rất hạn chế.
Hoặc trong quy chuẩn có quy định về bán kính phục vụ tối đa của trường, điểm trường tiểu học ở vùng miền núi, vùng cao là 2,0 km, nhưng trong thực tế, mặc dù các địa phương đã quy hoạch, sắp xếp dân cư, điều kiện cư trú ở nhiều nơi đã được cải thiện, nhưng đến nay, nhìn chung đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng cao còn sống phân tán, ven các con sông, suối hoặc cheo leo trên sườn núi nên khó đáp ứng được quy định này.
Theo một báo cáo của Ủy ban các dân tộc miền núi , thì tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn thì khoảng cách trung bình từ nhà đến trường tiểu học là 2,2 km, trường trung học cơ sở là 3,7 km, trường trung học phổ thông là 10,9 km, đến bệnh viện là 14,7 km, đến chợ/trung tâm thương mại là 8,9 km; đến trường trung học phổ thông là 52,2 km, đến bệnh viện là 34,9 km, đến chợ/trung tâm thương mại là 29,2 km … Cá biệt, có những bản của các dan tộc thiểu số thì bán kính từ nhà đến trường tiểu học là 5,2 km, trường trung học cơ sở là 12,6 km; đến trường trung học phổ thông là 52,2 km, đến bệnh viện là 34,9 km… Việc dân cư cư trú phân tán, dẫn đến suất đầu tư và chi phí tăng cao, hiệu quả thấp, đồng bào khó tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản…Trong khi đồng bào các dân tộc vùng cao vẫn có thói quen, tập tục sinh sống ven sông suối, trên đất dốc, còn là những nơi dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Rất nhiều các địa phương gặp khó khăn trong việc quy hoạch các khu chức năng, xây dựng các công trình công cộng, dịch vụ. Lý do là bởi điều kiện địa hình miền núi rất khó tìm được những khu vực có đủ mặt bằng để bố trí đất ở, đất sản xuất và có nguồn nước thuận lợi để quy hoạch xây dựng khu định cư tập trung. Trong khi đó đối với các khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai thì nhà văn hóa cộng đồng, trụ sở cơ quan, trường học lại là các công trình trú ẩn cho đồng bào trong mùa bão lũ.
Ở vùng miền núi, các xã vùng sâu, vùng xa thì chợ là một loại hình công trình đóng góp vào việc kích cầu phát triển KT-XH, cải thiện đời sống, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc miền núi. Tuy nhiên, việc áp dụng chỉ tiêu quy hoạch về chợ như các quy định hiện hành, không tính đến mật độ dân cư, ví trí, địa điểm xây dựng chợ, cũng như tâm lý, nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của người đồng bào dân tộc miền núi, nên đã gây ra tình trạng vừa thiếu chợ, vừa thừa chợ ở một số địa phương. Do không nắm bắt được nét đặc trưng của chợ vùng cao, chợ miền núi, nên trên thực tế, hoạt động kinh doanh, dịch vụ hàng hóa ở một số chợ nông thôn, miền núi chưa phong phú, giá trị chưa cao, thậm chí có không ít chợ được nhà nước đầu tư xây dựng kiên cố nhưng không phù hợp với điều kiện thực tế của đồng bào dân tộc thiểu số nên không phát huy hiệu quả.
Hay như tại các thông tư của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch ban hành tiêu chí Trung tâm văn hóa - thể thao xã và nhà văn hóa - khu thể thao thôn (Thông tư 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010, Thông tư 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 08/03/2011) quy định các xã cần dành 2 - 3m2 đất/người để xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, thể thao; diện tích dành để các công trình thể thao với khu vực miền núi là không nhỏ hơn 1.200m2, khu vực vùng núi cao là không nhỏ hơn 500m2 (đối với cấp xã); còn QCVN 01: 2021/BXD quy định: cụm công trình, sân bãi thể thao 5.000m2/cụm. Còn đối với các thông bản thì nhà Văn hóa thôn là : 200 m2 (đối với miền núi) và 100m (đối với vùng núi cao); QCVN 01: 2021/BXD là:: 1 000 m2/công trình. Các quy định này nhằm xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ở khu vực miền núi, vùng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí; từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch giữa các vùng miền, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Các quy định chưa đề cập đến những công trình có sức chống chịu, có khả năng làm nơi trú ẩn vào mùa bão lũ, để ứng phó biến đổi khí hậu .
Bộ tiêu chí về nông thôn mới theo quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 và Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 (thay thế QĐ 491) thì nhiều tiêu chí về hạ tầng kinh tế- xã hội, văn hóa, môi trường quy định chưa cụ thể, chưa tính đến sự đa dạng, phân hóa phức tạp giữa các vùng miền, địa phương, dân tộc, nên rất khó kiểm soát dẫn đến có sự chênh lệch, đặc biệt là các vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên và vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, các tiêu chí này tính đến thời điểm hiện nay chưa đáp ứng các yêu cầu về quá trình đô thị hóa, yêu cầu bảo tồn và giữ gìn cảnh quan, văn hóa truyền thống, vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu…Các tiêu chí về kiến trúc nhà ở nông thôn, công trình công cộng, giải pháp bảo tồn di tích, văn hóa, phù hợp với đặc điểm của từng vùng còn thiếu cụ thể, gây khó cho công tác lập quy hoạch,
Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy việc dành quỹ đất cho các công trình công cộng phục vụ cộng đồng ở khu vực miền núi và vùng núi thật sự là khó đáp ứng, do ở khu vực này có địa hình có độ dốc cao, chia cắt mạnh, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Như vậy có thể nói, trong nhiều năm qua, Ðảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến môi trường và chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Để đảm bảo đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được và sử dụng đất đai một cách bền vững rất cần những giải pháp toàn diện từ việc cải thiện khung chính sách và cơ chế thực hiện. Từ đó, tháo gỡ những vướng mắc, giúp đồng bào dân tộc thiểu số có đất ở, đất sản xuất, yên tâm an cư lạc nghiệp, vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Một số khuyến nghị
Để tổ chức không gian, đảm bảo môi trường sống cho cộng đồng dân tộc thiểu số, thì việc quy hoạch khu dân cư miền núi cần mang tính bền vững.
Cần bổ sung các quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về lựa chọn địa điểm xây dựng, trụ sở làm việc, cụm dân cư trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Lồng ghép giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ trong quy hoạch không gian.
Bố trí khu dân cư phải dựa vào quy hoạch phát triển hệ thống giao thông. Ở những nơi đồng bào còn đang sống rải rác, phân tán thì vận động đồng bào tự nguyện di chuyển vào các làng bản gần đường giao thông. Dành quỹ đất cho các công trình quan trọng như nhà ở, trường học, y tế, trụ sở. Quy hoạch các điểm dân cư cần chỉ ra các địa điểm sơ tán khẩn cấp và có cảnh báo sớm để sơ tán kịp thời
Cần quan tâm đến việc quy hoạch không gian sinh tồn cho các buôn, làng, cộng đồng dân tộc thiểu số. Lựa chọn địa điểm bố trí dân cư phải có đủ điều kiện đất ở, đất sản xuất, đảm bảo quỹ đất dự phòng, đáp ứng nhu cầu về gia tăng dân số, thuận lợi trong việc kết nối hạ tầng điện, giao thông, y tế, giáo dục, nước sinh hoạt; phù hợp với phong tục, tập quán của người dân. Tránh bố trí khu dân cư ở nơi có độ dốc lớn, nguy cơ sạt lở cao, không đảm bảo an toàn. Trước khi bố trí đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân, khu tái định cư phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo tốt hơn so với nơi ở cũ. Ưu tiên bố trí các hộ gia đình ở phân tán, bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Hạn chế thấp nhất việc san ủi làm thay đổi kết cấu tự nhiên, gây nguy cơ sạt lở. Việc san lấp mặt bằng xây dựng các khu dân cư tập trung chỉ tiến hành trong trường hợp thật cần thiết và khi san lấp phải đảm bảo các giải pháp kỹ thuật phù hợp địa hình. Bố trí khu dân cư có thể bố trí xen ghép vào các bản cùng dân tộc, cùng dòng họ, có đủ điều kiện về đất đai, hạ tầng, để đảm bảo cho các hộ đồng bào thiểu số dễ hòa nhập, ổn định đời sống và phát triển sản xuất. Trường hợp đối với các bản có nguy cơ cao về sạt lở đất do lũ quét hoặc các hộ dân cư ở rải rác, phân tán thì phải bố trí tập trung, lập điểm mới bản mới, nhưng không quá cách xa với nơi ở cũ, phù hợp với điều kiện tự nhiên và phong tục tập quán.
Cần điều chỉnh lại tiêu chuẩn diện tích đất ở tối thiểu hay chỉ tiêu các công trình hạ tầng xã hội sao cho phù hợp với thực tế tại các vùng miền. Việc quy hoạch các khu chức năng phải xét đến nhu cầu thực tế của người dân địa phương. Lựa chọn khu vực thuận tiện giao thông, có khả năng cung cấp nước sinh hoạt, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường sống: sức khỏe, y tế, vệ sinh…
Việc di dân, giãn dân, bố trí tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số của các dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện, thủy lợi …phải được thẩm định quy hoạch, cây dựng kế hoạch đầu tư, đặt ra điều kiện tiên quyết, nếu không bảo đảm được việc ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho các hộ di dân tái định cư đến nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thì không thực hiện xây dựng các công trình. Việc điều tra, khảo sát, xây dựng kế hoạch sắp xếp, ổn định dân cư phải căn cứ vào quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch có liên quan trên địa bàn. Hạn chế tối đa các tác động làm thay đổi trạng thái cân bằng tự nhiên của đồi, núi, sông, suối; hạn chế tự do nương rẫy, chặt phá cây và duy trì thảm thực vật, tán rừng
Thiết kế, xây dựng các khu tái định cư cần quan tâm đến phong tục, tập quán và văn hóa của các cộng đồng người dân tộc thiểu số, đặc biệt chú ý các công trình phụ (nhà bếp, nhà vệ sinh, chuồng trại…) và khu xử lý rác thải, thu gom nước thải sinh hoạt, sản xuất. Chú ý đến việc xây dựng các nhà văn hóa, nhà cộng đồng để tránh làm mai một các hoạt động văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số và là nơi trú ẩn an toàn cộng đồng trong mùa bão lũ. Sớm có văn bản quy phạm pháp luật quy định giới hạn tối đa, tối thiểu về dân số và diện tích đơn vị làng, bản các dân tộc thiểu số ở miền núi.
Cần căn cứ đặc điểm vùng miền, dân tộc và sự phân bố dân cư theo bản, mường, làng, thôn, buôn để thiết kế các mẫu nhà và sử dụng vật liệu xây dựng địa phương phù hợp với với các dân tộc, như:
(i) Vùng thấp: chủ yếu là đồng bào Tày, Mường, Thái, Nùng… sinh sống ven các trục đường giao thông, thị tứ, thung lũng, canh tác lúa nước và làm nương. Nhà của
đồng bào là nhà sàn hoặc nhà nửa đất, ở tương đối tập trung.
(ii) Vùng giữa: chủ yếu là người Dao, Khơmú, Kháng, Sán Dìu, Sán Chay… sinh sống ở vùng núi rẻo giữa, canh tác nương rẫy là chủ yếu và một ít lúa nước. Nhà ở là nhà đất hoặc nửa đất.
(iii) Vùng cao: chủ yếu là người Mông, canh tác nương rẫy là chính. Nhà ở của đồng bào Mông giản đơn, nhỏ, thường là nhà đất và phân bố rải rác.
(iv) Vùng Trường Sơn - Tây Nguyên: gồm các nhóm dân tộc Tà Ôi, Pa Cô-Vân Kiều và các dân tộc Tây Nguyên như Êđê, Ba Na, Gia Lai… canh tác nương rẫy là chủ yếu. Nhà ở của đồng bào là nhà sàn, kích thước nhỏ.
(v) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: nhà ở được bố trí bám dọc hai bờ sông, kinh rạch, theo lối trước nhà là sông, phía sau là ruộng hoặc là nhà trước đường sau sông.
Khi xây dựng nhà ở trong vùng thung lũng, lòng chảo thấp cần lựa chọn địa điểm trên cao, cách xa các con suối, sông. Hướng nhà cần bố trí xuôi theo hướng thoát nước lũ. Kiến trúc dạng nhà sàn và để trống tầng 1, được gia cố vững từ móng, thân đến mái.
Đối với khu vực sườn núi, có địa hình đồi núi dốc, cần tránh xây nhà tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao. Cần xây nhà trên nền cứng vững chắc, tránh bị đẩy dạt. Hình khối nhà cần phù hợp với địa hình, được bố trí nằm ngang theo đường đồng mức, có hào thu thoát nước.
Đối với vùng cao hay rẻo núi cao có địa hình hiểm trở, thì nên thiết kế nhà nhỏ, thấp, kín, ít cửa, tường dày, mái đua rộng nhằm chống lạnh, sương muối về mùa đông và nắng nóng mùa hè.
Đối với vùng ĐBSCL tổ chức, quy hoạch phân bổ lại dân cư toàn vùng trên cơ sở xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ, an toàn, ổn định, xây dựng hệ thống đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, làm cơ sở để phát triển lâu dài. Cải tiến các kiểu nhà ở nông thôn truyền thống với vật liệu xây dựng và kỹ thuật thích hợp theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của người dân từng địa phương.
Cuối cùng, việc hoàn thiện và hài hòa các quy định giữa các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách về đất sẽ là chìa khóa mở ra thành công trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số và là cơ sở để thể chế hóa đầy đủ, toàn diện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam./.
KTS. Trần Ngọc Chính Chủ tịch Hội QHPTĐT Việt Nam Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng