Vì sao cần sửa đổi luật đất đai

Google News

(Kiến Thức) - Cần phải sửa đổi Luật đất đai để đảm bảo không còn kẻ hở cho việc trục lợi chính sách đất đai như thời gian đã qua. 

Sự cần thiết cần sửa đổi luật đất đai
Đất là tài nguyên và nguồn lực quan trọng nhất để phát triển nền kinh tế xã hội. Trong thời gian qua, thực tiễn nảy sinh nhiều vấn đề mới về các mô hình phát triển kinh tế mới như mô hình tập trung tích tụ đất đai, vấn đề sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh cao và sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa trong lúc ruộng đất nông dân manh mún không thể cơ giới hóa và thâm canh tăng năng suất. Vấn đề thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế nhưng lại tác động đến quyền sử dụng đất đai của các chủ sử dụng đất.
Vấn đề không thực hiện có hiệu quả chính sách đảm bảo đất đai cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số… Những bức xúc từ thực tiễn này cần phải được giải quyết thông qua hệ thống chính sách pháp luật đất đai để đảm bảo sự phát triển của xã hội.
Cùng với sự ra đời của Luật quy hoạch 2017, Luật Lâm Nghiệp 2017 và các văn bản Luật được ban hành trong thời gian gần đây có nhiều nội dung liên quan đến Luật đất đai cần được điều chỉnh như Nội dung quy hoạch đất đai, Phân loại đất Lâm nghiệp, Giao đất gắn liền với giao rừng, Cho thuê đất rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, quy hoạch đất đô thị, Một số cách hiểu thống nhất về khái niệm đất chuyên dùng có sự không đồng nhất với Luật đất đai 2014 và nhiều vấn đề bất cập khác. Như vậy, Luật đất đai cần phải được chỉnh sửa cho đồng bộ, thống nhất với các văn bản Luật đã được quốc hội thông qua trong thời gian gần đây.
Tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai xảy ra kéo dài, ở nhiều địa phương và chiếm tỷ lệ rất lớn trong các vụ tranh chấp khiếu kiện hiện nay gây bức xúc xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó tham nhũng đất đai do lợi dụng các kẻ hỡ trong thực thi chính sách đất đai đã dẫn tới nhiều tướng lĩnh, nhiều người từng giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng, chính phủ, Bộ ngành và địa phương trở thành tội phạm gây giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và nghi ngờ sự lãnh đạo của chính phủ đối với sự phát triển của đất nước. Gây thất thoát nguồn lực lớn đất đai cho phát triển của đất nước. Đây cũng là điểm để cho các thế lực bên ngoài lợi dụng, xuyên tạc, chống phá bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN ở nước ta.
Do vậy, cần phải sửa đổi Luật đất đai để đảm bảo không còn kẻ hở cho việc trục lợi chính sách đất đai như thời gian đã qua.
Vi sao can sua doi luat dat dai
Ảnh minh họa. 
Nội dung đề nghị sửa đổi
Thu hẹp nội dung thu hồi đất đai. Trong Hiến pháp năm 2013 tại Điều 54 khoản 3 quy định “ Nhà nước thu hồi đất do tổ chức cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng an ninh; phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Khi cụ thể hóa điều này trong Luật Đất đai cụm từ và ý nghĩa của cụm từ “trong trường hợp thật cần thiết” và vì lợi ích quốc gia, công cộng đã không còn đảm bảo cả hình thức và nội dung về sự cần thiết theo hiến pháp. Cụ thể tại khoản C, Điểm 3 Điều 62 Luật Đất đai 2013 quy định “ Đất thu hồi do HĐND Tỉnh quyết định là “Dự án khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn chỉnh trang đô thị; cụm công nghiệp; khu sản xuất chế biến; nông sản; lâm sản; thủy sản; hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rửng đặc dụng”. Các nội hàm như “Chỉnh trang đô thị” “Khu đô thị mới” khó thể hiểu được có “thật cần thiết” hay không. Và đây là điểm thực tế đã xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí và trục lợi chính sách.
Làm rõ vai trò Nhà nước về chức năng đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý. Tại Điều 3, Hiến pháp quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Ở đây khái niệm Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đã được quy định trong Luật Đất đai giao cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm này (Điều 2 Luật Đất đai). Theo quy định của Luật việc thu hồi đất thuộc thẩm quyền Hội đồng Nhân dân Cấp Tỉnh nhưng trong thực tế với hàng ngàn, hàng vạn dự án khác nhau Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh không thể không có điều kiện xem xét quyết định (nhất là các dự án thuộc diện chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn, dự án công ích). Trong thực tế quyền thu hồi đất này chỉ nằm ở một số đơn vị tham mưu và người có chức có quyền thiếu hẳn quy chế công khai minh bạch, dân chủ, giám sát của cộng đồng, đa số trường hợp thực hiện theo cơ chế xin cho không đấu thầu gây tổn thất rất lớn, tạo điều kiện cho tham ô, tham nhũng và lợi ích nhóm.
Vấn đề bồi thường tái định cư khi Nhà nước thu hồi: Đây là vấn đề nổi cộm, gây khiếu kiện nhiều nhất, gây bức xúc trong dư luận nhất là các dự án phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là dự án nhà ở để bán vì vậy cần nghiên cứu xem xét các bất hợp lý trong quy định của Luật cũng như trong chỉ đạo, quản lý khi triển khai đền bèn, thu hồi đất. Tại Điều 74 Nguyên tắc bồi thường về đất đai khi nhà nước thu hồi đất có những điểm cần xem xét. Thu hồi đền bù vì mục đích Quốc phòng, An ninh, Công trình công cộng, và vì mục đích phát triển kinh tế: là hai phương thức hoàn toàn khác nhau vì người dân ít búc xúc, khiếu kiện đối với dự án vì mục đích quốc phòng an ninh lợi ích cộng đồng. Nhưng đền bù một cách bắt buộc “theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh Quyết định” quy định tại Điều 74 khoản 2 Luật Đất đai (thường là thấp hơn nhiều so với giá thị trường) cho các dự án phát triển kinh tế - đặc biệt là dự án nhà ở, công trình sản xuất kinh doanh - để chủ đầu tư được giao đất, được ăn chênh lệch ĐỊA TÔ lớn là không phù hợp. Khoản 3 Điều 74 việc bồi thường phải đảm bảo Dân chủ, Công bằng, Công khai kịp thời và đúng quy định của pháp luật đã không được tổ chức thực hiện nghiêm túc nhiều địa phương đã triển khai thực hiện mang tính áp đặt, không công khai minh bạch nhất là giá đền bù, mục đích thu hồi đất thiếu dân chủ, công bằng gây khiếu kiện làm mất an ninh trật tự xã hội, một biểu hiện rất rõ là hàng loạt vụ án liên quan đến cán bộ có chức có quyền đa phần đều dính dáng đến đất đai (cấp đất, thu hồi đất, hưởng lợi, tham nhũng thông qua chi phí không chính thức, xuất ngoại giao, chỉ định thầu…). Một điều đáng lưu ý là việc thu hồi đất đối với các chủ hộ, gia đình có “sổ đỏ”, “sổ hồng” có nhà ở gắn với đất ở. Thực tế các chủ hộ này có đủ các quyền sở hữu: chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp tài sản… Vì vậy không thể áp dụng hình thức thu hồi mà cần phải chuyển sang hình thức trưng mua, góp vốn… không thể dùng hình thức bằng văn bản hành chính thu hồi đất như hiện nay (nhất là khi thu hồi đất này lại giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở, công trình công nghiệp).
Về Nội dung tập trung tích tụ đất đai: Đây là nội dung mới cần được nghiên cứu kỹ. Về bản chất Tập trung đất đai là sự liên kết nhiều mảnh đất của những người sử dụng đất khác nhau lại thành mảnh đất lớn hơn. Tích tụ đất đai là quá trình nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để làm tăng diện tích sử dụng đất. Trong luật cũ đã có khái niệm góp vốn bằng quyền sử dụng đất và đây là một loại hình tích tụ đất đai và thực tế loại hình này đang được thực thi rộng rãi ở nhiều địa phương nước ta.
Nhu cầu tập trung và tích tụ đất đai để mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp là nhu cầu chính đáng nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên cơ sở cơ giới hoá, hiện đại hoá sản xuất trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, mô hình tích tụ đất đai có rất nhiều bất cập, người góp đất không được đảm bảo quyền lợi như cam kết ban đầu.
Ví dụ như trường hợp góp đất trồng cây Cao su tại Sơn La, người dân nhận lại lợi ích không bằng một phần mười như cam kết của doanh nghiệp sau 10 năm thực hiện hợp đồng và hiện nay nhân dân nhiều lần kiến nghị doanh nghiệp trả lại đất để dân có đất ổn định sản xuất. Ngoài ra tập trung tích tụ đất nông nghiệp còn ảnh hưởng đến văn hóa, tập quán và các hình thức canh tác truyền thống của các hộ nông dân. Do vậy, cần phải nghiên cứu kỹ các quy định trong luật trước khi ban hành để giảm thiểu những tác động trên đây.
Về quy định ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở và đất sản xuất tại điều 27 Luật đất đai 2014 chưa được thực thi có hiệu quả trong thời gian đã qua. Đối với người dân tộc thiểu số đất và rừng không chỉ là sinh kế mà là không gian sinh tồn của cộng đồng. Do vậy, cần nghiên cứu thiết kế lại nội dung này để giải quyết các khó khăn bất cập về giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay.
Một số nội dung khác cần nghiên cứu điều chỉnh
Chưa thực rõ ràng ở một số định nghĩa về loại đất, chủ thể đất (đặc biệt nhiều định nghĩa còn chưa rõ còn bị hiểu đa nghĩa, không đơn nghĩa, hoặc chưa bao phủ. Một số khái niệm không nên đưa ra (ví dụ không nên đưa khái niệm về rừng),
Còn một số bất cập trong xác định quyền và nghĩa vụ của một số chủ thể đối với một số loại đất (cộng đồng truyền thống địa phương đối với đất tín ngưỡng), quyền sử dụng đất truyền thống của cộng động, thiểu số như thế nào?
Sự lạm dụng và nhầm lẫn (quyền của cơ quan quản lý nhà nước) đối với quyền của các chủ thể sử dụng đất, đặc biệt trong phân loại, thu hồi và đền bù.
Ngô Văn Hồng